Cuộc sống

Người mẹ đơn thân của 11 trẻ rụng rời khi nghe câu nói của con

Một buổi chiều mưa, quán nước ở đầu hẻm 440 Thống Nhất (phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM) vắng khách. Ly cà phê nóng nổi vừa mang ra cũng vừa lúc một người phụ nữ đến. Chị đưa xấp vé số ra mời: "Mua giúp em vài tờ, ế quá anh ơi !".

'Sao mẹ nỡ bỏ con?'

Đó là một phụ nữ đã đứng tuổi, cao ráo, nước da ngăm đen. Tôi rút 2 vé trong tay chị, trả tiền và chị đi sau khi nói lời cám ơn nhẹ nhàng. Nhưng khi nghe chị chủ quán kể lại hoàn cảnh của chị bán vé số tôi mới hết sức ngỡ ngàng.

Chị Hoàng Thị Loan bán vé số hàng ngày.

"Chị ấy là một người mẹ đơn thân. Ở độ tuổi trung niên, chị đã qua 11 lần sinh nở và hiện tại vẫn ở vậy nuôi bầy con thơ dại. Không chồng, con đông, hàng ngày chị đi bán vé số để kiếm tiền mưu sinh", chị chủ quán chia sẻ.

Chúng tôi vào nhà chị, một bầy trẻ chạy nhảy tung tăng, tiếng cười đùa vang lên hồn nhiên. Hai đứa lớn, một trai và một gái, đang lục tìm thức ăn. Mỗi đứa một tô cơm với chút cá ngồi ăn một cách ngon lành.

Nhà không bàn ghế, chị và tôi ngồi trên thềm nhà và câu chuyện dần được mở ra.

Bé út từng "mất tích" sà vào lòng mẹ.

Chị là Hoàng Thị Loan (42 tuổi, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM). Chị Loan cho biết, hiện giờ trong nhà chỉ có 6 đứa con, 5 đứa còn lại đi bán vé số chưa về.

Chị nói: "Một mình tôi làm không đủ nuôi con bởi ngày nào đắt khách thì lời được 120 - 130 ngàn. Lúc ít người mua, tôi kiếm chỉ khoảng 100 ngàn. Con lớn nhất của tôi 23 tuổi, đang xin việc ở một công ty, con gái 13 tuổi chưa làm được gì cả, còn lại 4 đứa nhỏ từ 3 - 7 tuổi, đang tuổi ăn tuổi lớn".

Chị chia sẻ tiếp: "Dù cực khổ đến đâu tôi vẫn phải cố gắng nuôi con. Nhiều người thấy tôi khổ quá khuyên tôi cho bớt con nhưng tôi không đành lòng. Có gì ăn nấy 12 mẹ con tôi cứ thế mà sống".

Mỗi đứa trẻ một tô cơm, ngồi ăn một cách ngon lành.

"Tháng 2/2017 vừa qua, khi đi bán vé số, tôi có dắt theo con út. Mải bán đến khi quay lại thì tôi không thấy con đâu. Tìm quanh tìm quất không thấy nó đâu cả, lòng tôi như lửa đốt. Tìm hoài không thấy tôi đành quay về nhà thì có người của công an phường đến báo tôi đem giấy tờ đến công an phường 15 nhận con về.

Tại công an phường 15, khi vừa nhìn thấy tôi thằng bé khóc thét lên. Nó bù lu bù loa trách móc: "Sao mẹ bỏ con mẹ đi? Mẹ không thương con nữa sao?". Nghe nó nói lòng tôi đau như cắt. Mẹ nào mà nỡ vứt khúc ruột của mình?", chị kể.

Chị Loan chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình.

Đang trò chuyện, một đứa bé trai sà vào lòng chị. Chị nói: "Thằng bé "mất tích" đây này". Cũng theo người mẹ này, 11 đứa con của chị không đứa nào được đi học.

Chỉ có gần đây, chị cho 6 đứa theo học lớp học tình thương để biết đọc biết viết. Ngay cả đứa con trai lớn nhất, 23 tuổi, nhưng cũng chỉ tìm việc lao động tay chân vì cháu không biết chữ.

Các con của chị hồn nhiên, vui vẻ trong căn nhà nhỏ

Những đứa trẻ mặc dù vắng mẹ suốt ngày nhưng các em đều rất sạch sẽ, quần áo gọn gàng. Người con trai lớn cho biết: "Chúng con phải tự lo cho nhau, nhắc nhở nhau. Quần áo chúng con, mẹ chỉ sắm cho đứa lớn nhất. Vì tuổi sát nhau nên đứa này mặc lại của đứa kia để khỏi lãng phí".

Chị Loan và 6 con, 5 đứa còn lại đi bán vé số chưa về.

Chị Loan kể tiếp: "Tôi sinh ra tại vùng đất này. Lớn lên đi làm thuê, bị chủ ngược đãi, tôi nghỉ việc và bắt đầu cuộc đời bán vé số. 19 tuổi, tôi gặp cha mấy đứa trẻ, một người thợ hồ lớn hơn tôi 10 tuổi, quê ở Tiền Giang.

Chúng tôi xây dựng gia đình dù bên chồng không chấp nhận tôi. Rồi lần lượt những đứa con ra đời, đến đứa thứ 9, chồng tôi nghỉ nghề thợ hồ cùng vợ bán vé số sinh sống. Trong thời gian này, ông ấy mượn tiền của xã hội đen vùi đầu vào cờ bạc, số đề để rồi không trả nổi.

Một đêm nọ, ông đưa tôi và các con về Tiền Giang trốn tránh. Ở quê nhà, ông tiếp tục bán vé số. Tiếp theo đó, đứa con thứ 11 ra đời, gánh nặng đè trên vai nhưng chồng tôi không quan tâm, vẫn lao vào các cuộc chơi. Cuối cùng, ông ấy đến với một người đàn bà khác... ".


Chị Loan và 6 con, 5 đứa còn lại đi bán vé số chưa về.
Chị vẫn tiếp tục câu chuyện của mình: "Tôi không chấp nhận con người bội bạc đó nên đã đưa mấy đứa nhỏ về Sài Gòn sinh sống.

Thỉnh thoảng tôi cũng có về thăm mấy đứa lớn. Nhưng rồi các con lớn cũng muốn theo mẹ. Tôi đưa chúng lên để đoàn tụ với mẹ và các em.

Hiện nay cuộc sống của 12 mẹ con chúng tôi rất khó khăn. Mấy đứa lớn phải đi bán vé số phụ với mẹ. Ngoài bán vé số, tôi còn phụ việc cho một quán ăn mỗi ngày từ 5 giờ chiều đến 1 giờ sáng với mức lương 50.000 đồng/ngày. Nhờ khoản thu nhập này, tôi có thể trang trải được tiền thuê nhà".

Những đứa trẻ vẫn nô đùa. Chúng chưa hiểu được nỗi nhọc nhằn mà mẹ phải bươn chải hàng ngày. Chúng cũng chưa hiểu được nỗi lòng của bà mẹ đơn thân rất thương yêu con nhưng đang lo lắng về một ngày mai chưa biết thế nào...

Tác giả: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP