“Tôi sẽ cho chị gặp mặt người đóng thế, ngày giờ tổ chức do chị sắp xếp. Tất cả sẽ diễn ra như đám cưới thật.…” - cúp máy anh Nguyễn Trung Dũng (SN 1982 - giám đốc công ty tổ chức sự kiện) cho biết: "Đây là một cuộc trao đổi tổ chức đám cưới giả ở Hải Phòng mà tôi tham gia".
Chi phí tổ chức đám cưới dịch vụ như thế này thường dao động từ 20 triệu đến 80 triệu tùy theo yêu cầu của khách hàng. Ảnh: Thanh Hải |
Anh Dũng chia sẻ: “Có cung sẽ có cầu, ban đầu bên tôi không làm dịch vụ này nhưng do một số người thân nhờ, tôi làm giúp. Sau này nhiều người giới thiệu nên khách hàng tìm đến.
Chi phí tổ chức đám cưới giả thường dao động từ 20 triệu đến 80 triệu tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Làm công việc này ngoài lo khâu chuẩn bị, tổ chức cưới hỏi ra nhiều khi tôi còn trở thành chuyên gia gỡ rối bất đắc dĩ, như trường hợp cô người mẫu ở Hà Nội cách đây vài năm là điển hình”.
Anh Dũng kể, cô người mẫu này tên Hoàng Tâm (SN 1990). Tâm vốn sinh ra trong gia đình khá giả, bố mẹ kinh doanh vật liệu xây dựng nổi tiếng Hà Nội.
Từ nhỏ cô được mẹ cho tham gia các lớp năng khiếu, sớm bộc lộ tố chất nghệ thuật. Đến tuổi thiếu nữ, với sắc vóc đẹp, khuôn mặt ăn ảnh, Tâm tham gia câu lạc bộ người mẫu và tạo được những tiếng tăm nhất định trong lĩnh vực này.
Mặc dù hoạt động môi trường nghệ thuật nhưng Tâm vẫn giữ cho mình lối sống giản dị, cư xử lễ phép lại chịu khó học hành. Vì vậy, Tâm dễ dàng thi đỗ vào trường đại học có tiếng.
Ảnh: Shutterstock |
Bố mẹ Tâm vô cùng tự hào, hi vọng sau này con gái sẽ có tương lai tương sáng.
Năm Tâm học năm hai đại học, mẹ cô phát hiện chồng có bồ nhí và con riêng bên ngoài. Từ đó, những cuộc cãi vã triền miên, vợ chồng đánh nhau nảy lửa liên tiếp xảy ra. Nơi từng là tổ ấm hạnh phúc của cô bỗng chốc trở nên lạnh lẽo, ảm đạm.
Cuộc sống càng bế tắc hơn khi công việc làm ăn của bố mẹ Tâm đổ bể, bố Tâm lao vào chơi cờ bạc, rượu chè. Tài sản lần lượt đội nón ra đi, ngày nào cũng có vài ba chủ nợ đến đòi tiền, chửi bới ầm ĩ.
Thời gian này, Tâm tích cực tham gia các sô diễn, vừa lấy tiền đóng học vừa để quên đi muộn phiền đang bủa vây.
Trong một lần đi diễn, cô gặp chàng họa sỹ hơn cô 2 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, bố mẹ làm công nhân.
Anh họa sỹ tuy nghèo nhưng là người đàn ông ấm áp, mang cho Tâm cảm giác an toàn. Chỉ cần cô gọi, anh sẵn sàng bỏ tất cả để chạy đến bên cô.
Tình yêu giữa hai người đến một cách rất tự nhiên và trong trẻo. Nhưng biến cố gia đình khiến tình yêu của hai người rơi vào vực thẳm.
Bố mẹ cô trong lúc khốn đốn vì nợ nần, được đối tác làm ăn đánh tiếng muốn cưới Tâm đồng thời ông ta hứa sẽ giúp gia đình cô trả nợ.
Trước lời hứa hẹn bùi tai, bố mẹ Tâm mờ mắt, gật đầu đồng ý gả con cho vị đại gia kia bất chấp sự phản đối quyết liệt của con gái.
Ban đầu bố mẹ dùng tình cảm, lạy van để Tâm đồng ý lấy ông ta. Đến khi biết không thể lay chuyển được ý chí của con gái, bố mẹ Tâm bắt cô nghỉ học, khóa chặt cửa phòng.
Chưa hết, bố mẹ cô gặp anh họa sĩ, dùng lời lẽ nặng nề xúc phạm và cấm anh liên lạc với Tâm. Tâm đau khổ vì bị ép duyên, cô định tự tử nhưng bất thành, nhân một lần bố mẹ sơ hở, Tâm tìm cách thoát ra ngoài, gặp người yêu.
Gia đình cho người đi tìm cô ráo riết nhưng nhờ người bạn cùng lớp giúp đỡ, đưa cô về nhà tá túc tạm thời nên không ai tìm ra.
Anh họa sỹ thấy người con gái mình yêu phải chui lủi trốn tránh những người thân thích thì xót xa vô cùng. Đôi lần anh định buông tay, đưa cô quay về. Nhưng cô khóc lóc nói: "Em không thể rời xa anh, nếu phải lấy người đàn ông đáng tuổi bố mình, em thà chết còn hơn". Chỉ có 3 ngày mà Tâm hốc hác, xanh xao thấy rõ.
Trước tình cảnh như vậy, Tâm bất ngờ đề nghị được làm vợ anh. Cô hi vọng làm vậy có thể ngăn chặn được cuộc hôn nhân cưỡng ép kia.
Anh họa sỹ đưa Tâm về xin phép gia đình, nhưng không dám nói ra chuyện Tâm bỏ nhà đi vì bị ép duyên. Bố mẹ anh tất nhiên đồng ý chuyện hôn sự của con trai rồi hẹn sẽ sang nhà gái thưa chuyện.
Sợ bị bại lộ, Tâm và người yêu tìm đến anh Dũng nhờ tư vấn. Thấy hoàn cảnh của đôi trẻ quá đáng thương, anh Dũng nhận lời.
Anh cho hai người mượn căn nhà ở Khâm Thiên của mình làm địa chỉ nhà gái, rồi bố trí các nhân sự nhập vai.
Đám cưới của Tâm và anh họa sĩ diễn ra sau đó 2 tháng với đầy đủ thủ tục cưới hỏi. “Mọi thứ đều là thật chỉ có gia đình nhà gái là giả. Ngày cưới Tâm được ở bên cạnh người đàn ông mình yêu nhưng cô vô cùng đau khổ vì không có sự chứng kiến của bố mẹ đẻ. Đứng ở hôn trường nước mắt hai vợ chồng họ không ngừng rơi…” - anh Dũng nhớ lại.
Sau ngày cưới, Tâm ở nhà chồng, cô không dám về thăm nhà vì sợ bố mẹ bắt lại, họ cũng không hay con gái mình đã lấy chồng.
Chỉ đến khi sinh em bé, hai vợ chồng Tâm bế con về tạ tội với bố mẹ nhưng bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà và tuyên bố từ mặt.
4 năm sau, mẹ Tâm bị tai biến, nằm một chỗ. Lúc này, cảnh nhà trống vắng, bố mẹ Tâm mới thấm thía cảnh cô đơn, bệnh tật của tuổi già khi không có con cái bên cạnh.
Một ngày gần Tết, ông đến nhà gặp thông gia. Họ khá bất ngờ khi nghe người đàn ông lạ mặt giới thiệu là bố đẻ của Tâm.
Nghe tin hai vợ chồng con trai “cả gan” thuê người đóng giả, lừa mình trong đám cưới, bố mẹ chồng Tâm lặng người đi vì choáng váng.
“Mặc dù rất giận hai vợ chồng con trai nhưng khi nghe bố Tâm thuật lại câu chuyện, bố mẹ chồng Tâm không nén nổi xúc động, bật khóc vì thương cô con dâu phải chịu đựng nỗi dày vò lớn đến như vậy.
Sau hôm đó, hai gia đình tổ chức bữa cơm để nhận thông gia, kết thúc chuỗi ngày sống đầy day dứt của vợ chồng Tâm” - anh Dũng nói.
*Tên nhân vật trong bài được thay đổi theo yêu cầu
Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải
Nguồn tin: Báo VietNamNet