Giáo dục - Đào tạo

Ngôi trường mang tên Chu Văn An trên mảnh đất Hương Khê

Tiền thân của trường THCS Chu Văn An (Hương Khê – Hà Tĩnh) hiện nay là trường THCS Bán công Hương Khê, thành lập năm 2002 đến năm học 2008 – 2009, trường có quyết định chuyển thành loại hình công lập.

Từ khi thành lập trường đến nay, thầy trò trường THCS Chu Văn An đã phát huy truyền thống hiếu học, thi đua “Dạy tốt – học tốt”, vượt qua mọi khó khăn về vật chất cũng như tinh thần, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo chỉ tiêu cả về số lượng, chất lượng, đưa nhà trường ngày càng lớn mạnh.

Chưa đầy 10 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn giữ vững và phát huy truyền thống giảng dạy, giáo dục học sinh xứng đáng là ngôi trường có thành tích cao của huyện, của tỉnh. Trong công tác giáo dục học sinh, nhà trường thường xuyên củng cố và nâng cao các chỉ số về giáo dục, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy học; tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục, huy động mọi nguồn lực để đi đến chuẩn hoá và hiện đại hoá. Không chỉ khó khăn, thiếu thốn trong những ngày đầu thành lập trường mà đến nay, trường vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học. Năm học đầu tiên (2002- 2003), nhà trường tuyển sinh được 10 lớp (gồm cả 4 khối: 6,7,8 và 9) với 430 học sinh. Trong năm học này, nhà trường phải đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn: Thiếu phòng học, thiếu giáo viên, trang thiết bị, đồ dùng và dụng cụ dạy và học hầu như không có.Mặc dù dạy và học trong điều kiện khó khăn, nhưng trường THCS Chu Văn An đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Trong 3 năm học đầu (2002 – 2005), trường đã có 16 lượt giáo viên đạt giáo viên giỏi (GVG) tỉnh, 40 lượt giáo viên đạt GVG huyện, 03 chiến sỹ thi đua (CSTĐ) cấp huyện, 6 lao động giỏi (LĐG) cấp huyện, có 06 đề tài bậc 4/4 cấp tỉnh. Về chất lượng học sinh, trong đó chất lượng mũi nhọn có 78 lượt học sinh đạt học sinh giỏi (HSG) tỉnh, 57 học sinh đậu vào các trường chuyên tỉnh, chuyên bộ, 25 học sinh có bài đăng trên báo Toán tuổi thơ; chất lượng đại trà: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và đậu vào các trường THPT đạt 100%. Đặc biệt, những năm học gần đây, chất lượng giáo viên giỏi, học sinh giỏi, chất lượng toàn diện, chất lượng đại trà và mọi mặt hoạt động của nhà trường được nâng cao. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường năng động nhiệt tình trong công tác, có tinh thần học hỏi nâng cao trình độ. Học sinh của nhà trường chăm ngoan, tích cực trong học tập, biết phát huy truyền thống của cha anh. Hơn thế, đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường luôn tự hào và phấn đấu, nỗ lực hết mình để xứng đáng với ngôi trường mang tên Chu Văn An – một Nhà giáo mẫu mực, tài năng, đức độ và cương trực bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Từ năm học 2005 – 2006 đến nay, trường THCS Chu Văn An luôn được xếp ở tốp đầu trong hệ thống các trường THCS toàn tỉnh Hà Tĩnh về tỷ lệ GVG tỉnh, GVG huyện, HSG tỉnh và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và thi đậu vào THPT. Năm học 2005 – 2006, trường có 04 GVG tỉnh, 14 GVG huyện, có 7 đề tài bậc 4/4 cấp tỉnh, 1 CSTĐ cấp huyện, 36 HSG tỉnh, 22 em đậu vào các trường chuyên tỉnh, chuyên bộ; chất lượng đại trà: 100% tốt nghiệp và đậu vào các trường THPT, xếp thứ 3/196 trường THCS trong tỉnh. Năm học 2006 – 2007, trường có 26 HSG tỉnh, 3 GVG tỉnh; 100% tốt nghiệp THCS và vào THPT công lập, đứng thứ 3/198 trường THCS toàn tỉnh. Năm học 2007 – 2008, trường có 23 HSG tỉnh, 3 GVG tỉnh, 8 CSTĐ cấp huyện, 100% tốt nghiệp THCS và đậu vào THPT công lập, xếp thứ 3 toàn tỉnh. Trong năm học này, trường được dự án xây dựng ngôi nhà 3 tầng với 15 phòng học. Năm học 2008 – 2009, trường có 9 HSG tỉnh, 17 CSTĐ cấp cơ sở, 1 CSTĐ cấp huyện, 100% tốt nghiệp THCS và đậu vào các trường THPT, đứng thứ 4/196 trường trong tỉnh. Cũng trong năm học này, nhà trường đã đưa nhà 3 tầng với 15 phòng học vào sử dụng. Năm học 2009 – 2010 vừa qua, cùng với việc thực hiện chủ đề của năm học là “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, nhà trường cũng thực tốt các cuộc vận động và các phong trào của ngành. Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra những giải pháp tích cực nhằm thực hiện tốt chủ đề của năm học, từng bước đưa chất lượng dạy và học của một địa phương có giàu truyền thống hiếu học, tạo niềm tin với chính quyền và người dân về đội ngũ những người làm công tác giáo dục. Đồng thời, nhà trường cũng đã đề ra những biện pháp cụ thể như: Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường kỷ cương, nền nếp, quản lý chặt chẽ ngày công lao động. Trường xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm học, từng tháng, từng tuần và chỉ đạo cán bộ, giáo viên thực hiện theo kế hoạch. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, quan tâm tới đời sống vật chất và tinh thần, làm tốt công tác phát triển đảng viên, tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo đi học tập nâng cao trình độ. Kết thúc năm học, trường có 2 HSG tỉnh (thi 3 môn), 4 GVG tỉnh, 100% tốt nghiệp THCS đậu vào các trường THPT công lập, đứng thứ 4/196 trường THCS toàn tỉnh, khởi công xây dựng nhà học 2 tầng 6 phòng học. Năm học 2010 – 2011 này, trường có tổng số 32 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, 428 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường năng động nhiệt tình trong công tác, có tinh thần học hỏi nâng cao trình độ. Đến nay, trường đã có một đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt trình độ, chuyên môn cao với 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn đạt trên 70%. Thầy Lê Hữu Cảnh khẳng định: Mục tiêu của nhà trường trong năm học này và những năm học tiếp theo đó là: Phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đầu xây dựng trường THCS Chu Văn An thành trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh Hà Tĩnh. Để đạt được mục tiêu đó, quá trình quản lý cũng như giảng dạy phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và không tiêu cực. Phải xác định rằng: Thầy, cô dạy tốt là yếu tố cơ bản giúp các em học sinh học tập tốt, trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên, học sinh. Đối với giáo viên phải quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, tránh dạy quá tải và hạ thấp chương trình, nâng cao chất lượng hồ sơ và hiệu quả lên lớp. Giáo viên khi lên lớp phải đảm bảo giáo án, thường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục giúp học sinh dễ tiếp thu bài giảng. Đối với học sinh, trước khi đến lớp phải chuẩn bị bài và làm bài đầy đủ. Ngoài sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh, nhà trường cũng rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, của các bậc phụ huynh và toàn xã hội về việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ dạy và học đáp ứng theo yêu cầu mới.Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo Chu Văn An Chu Văn An (1292 – 1370) người làng Văn Thôn, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì-Hà Nội) đương thời đã nổi tiếng là một nhà giáo tài đức, có nhiều học trò thành đạt. Đời vua Trần Minh Tông, ông được mời làm Tư nghiệp Quốc tử giám để dạy Thái tử học. Đến đời Trần Dụ Tông, triều chính suy vị, bị bọn gian thần lũng đoạn, ông dâng sớ Thất trảm (xin chém 7 kẻ nịnh thần). Vua không nghe, ông bỏ quan về ở ẩn. Với tài năng, đức độ và tính cương trực, ông được coi là tấm gương tiêu biểu cho nhà giáo Việt Nam. Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạcPhượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong. (Cuối Trần đó là thời nào, ngâm vịnh rong chơi đâu phải thú vui hiền giả.Non phượng còn dấu nơi ẩn, núi sông mãi mãi ngắm nhìn phong cách triết nhân). Đó là đôi câu đối mà người đời mãi mãi còn truyền tụng để tỏ lòng mến phục đối với Chu Văn An – nhà Nho, nhà hiền triết, nhà sư phạm mẫu mực cuối thời Trần. Chu Văn An tên hiệu là Tiều ẩn, tên chữ là Linh Triệt, người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì – Hà Nội). Theo thần tích đình làng Thanh Liệt, nơi thờ ông làm thành hoàng, thì ông sinh năm Nhâm Thìn (1292) và mất năm Canh Tuất (1370). Chu Văn An ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Khi thi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan, mà trở về mở trường dạy học ở quê nhà. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Trong số môn đệ ông có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát khi về thăm thầy vẫn giữ lễ, được thầy nói chuyện ít lời thì rất lấy làm mừng. Có những học trò cũ không tốt, ông thẳng thắn quở trách, thậm chí quát mắng không cho gặp. Tính nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm ông ngày càng lan xa. Đức độ và uy tín của ông như vậy, khiến cho học trò đến theo học càng nhiều và có đủ các loại. Một huyền thoại vẫn được lưu truyền nói về ngôi trường và nhân cách, đạo đức của ông như sau: “Tương truyền khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu. Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thần nước. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói với thầy: “Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”. Sau đó người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai biến làng này thành một làng văn học, quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, v.v… Trong đền thờ thần còn đôi câu đối khá tiêu biểu ghi lại sự tích này. Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận.Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô. (Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải.Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa). (Chu đình có hai nghĩa: sân son và sân họ Chu, chỉ Chu Văn An). Câu chuyện trên đây chỉ là một giai thoại về Chu Văn An để nói rằng tài đức của họ Chu có sức mạnh cảm hóa được cả quỷ thần. Tuy nhiên, qua đó cũng thấy được đức độ của Chu Văn An lúc đương thời là rất lớn.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP