Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu làm việc không hiệu quả mà vẫn được hưởng lương cao, trở thành chuẩn giá trị ở Việt Nam thì xã hội Việt Nam sẽ thế nào?
“Lỗ cao, lương khủng”?!
Sáng 25/7, Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011. Kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, 23/27 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước làm ăn có lãi, 4/27 thua lỗ.
Qua rà soát vấn đề tiền lương, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số đơn vị thuộc các tập đoàn, tổng công ty chưa xây dựng giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp. Điển hình, các công ty TNHH một thành viên thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) – Bộ Giao thông Vận tải, và các công ty con thuộc Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Vinacco); Công ty mẹ – Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) xây dựng đơn giá tiền lương trên cơ sở doanh thu bao gồm cả doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu từ cổ tức và tiền gửi ngân hàng.
Theo kết quả kiểm toán, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỷ đồng nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn hưởng mức lương cao. Đại diện Kiểm toán Nhà nước nhận định, việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong tập đoàn, tổng công ty và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), công ty mẹ và các công ty con 100% vốn xây dựng đơn giá tiền lương chung cho khối kinh doanh xăng dầu, sau đó tập đoàn giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị trên cơ sở đơn giá tiền lương tổng hợp, không xây dựng, quyết toán đơn giá tiền lương riêng.
Trả lời báo chí hồi cuối năm 2012, ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết, mình đang được hưởng lương 40 triệu đồng/tháng, còn Chủ tịch HĐQT Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, năm 2011, Petrolimex đã kinh doanh thua lỗ 1.671 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số tập đoàn, tổng công ty cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân tại các đơn vị thành viên trong tập đoàn, tổng công ty. Điển hình Vinafood 1, thu nhập bình quân của lãnh đạo tổng công ty năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng là 28,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi công ty CP Xây dựng và Chế biến Vĩ Hà có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Vinafood 2, lãnh đạo tổng công ty là 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng là 32,9 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, công ty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 11,175 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Long, kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI (các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước) cho rằng, mức thu nhập của các lãnh đạo này hoàn toàn đúng pháp luật. Bởi với các công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước, đơn giá tiền lương có sự đồng thuận của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính. Hơn nữa, các Tổng công ty Vinafood 1, Vinafood 2 đều là những đơn vị làm ăn có lãi.
Nhưng riêng trường hợp của Petrolimex mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng lãnh đạo vẫn hưởng mức lương cao. Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, Petrolimex tham gia bình ổn thị trường giá xăng dầu, do đó, mức lương cao của các lãnh đạo vẫn phù hợp với quy định tại Thông tư 07/2005 của Bộ LĐ-TB&XH. Ngoài ra, mức lương của lãnh đạo công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước như Petrolimex có sự đồng thuận của Bộ LĐ-TB và XH.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỷ đồng.
Cần minh bạch các khoản lương của “sếp”
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, vấn đề lương lãnh đạo của Petrolimex cũng đã từng làm “nóng” nghị trường sau khi Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng công khai trước Quốc hội số lỗ của doanh nghiệp này năm 2011 là 1.423 tỷ đồng, nhưng năm 2010 lương lãnh đạo là 70 triệu đồng và năm 2011 là 58 triệu đồng. Tuy nhiên, một câu trả lời thỏa đáng về việc tại sao lỗ lớn lương vẫn cao đã không xuất hiện tại diễn đàn này.
Liên quan đến một số doanh nghiệp tuy lỗ nhiều năm nhưng lương lãnh đạo vẫn rất cao, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội đã đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này. Tại văn bản trả lời, Thủ tướng nêu rõ, nếu doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện về lợi nhuận, năng suất lao động thì tiền lương của viên chức quản lý tối đa bằng 2,7 lần mức lương tối thiểu chung. Doanh nghiệp có hiệu quả cao thì viên chức quản lý được tăng thêm tiền lương tối đa không quá hai lần mức lương tính theo hệ số lương và mức lương tối thiểu tính đơn giá tiền lương của người lao động. Theo đó, năm 2011 mức lương của chủ tịch tập đoàn kinh tế tối đa không quá 61 triệu đồng/tháng.
Theo một chuyên gia kinh tế nhận định, mức lương như trên là rất nhỏ so với tầm cỡ của tập đoàn, tổng công ty. Thậm chí, nó không đúng với giá thị trường. Những người đứng đầu đó đang quản lý cả một khối tài sản rất lớn của cả nước, doanh số lớn. Bức xúc mà dư luận đặt ra là do mức thu nhập đó cao so với bình diện chung của quốc doanh. Nếu chỉ đặt ở khía cạnh lương cao thì không là gì so với doanh nghiệp tư nhân. Một doanh nghiệp tư nhân có doanh số một năm vài ngàn tỷ đồng thì lương giám đốc cũng trên 40 triệu đồng, có khi còn cao hơn gấp mấy lần. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng trả lương cao với điều kiện người được thuê có thể đem về lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.
Còn nhiều bất cập và… tế nhị
Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Thị Khá cho rằng, đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên đó cũng là câu chuyện… “tế nhị”. Đúng lý ra, các doanh nghiệp được Nhà nước giao cho họ cơ chế tự chịu trách nhiệm, song lỗ- lãi ra sao thì Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm vì Nhà nước nắm vốn điều phối. Nhưng thực chất nói về vấn đề lương thì rất khó, có những nơi nộp ngân sách thì báo lỗ nhưng tổng kết, tính lương thì lại lãi?! Thực tế, vẫn có một số doanh nghiệp xác định tiền lương được hưởng chưa theo đúng quy định, như trích một phần từ quỹ tiền lương của người lao động để bổ sung vào quỹ lương của viên chức quản lý, hoặc gộp quỹ tiền lương của viên chức quản lý vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối, dẫn đến tiền lương thực tế của một số viên chức quản lý quá cao. Bây giờ, cần có một cơ chế kiểm tra và đặc biệt sau khi kiểm toán thì xử lý như thế nào, cũng chẳng thấy ai nói xử lý đến đâu. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị như thế nào cho phù hợp và kiến nghị phải có cơ sở thực hiện.
Ông Lê Minh Khái, phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: “Cơ chế tiền lương, đặc biệt cho các cấp lãnh đạo, các đơn vị hiện còn nhiều bất cập. Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này và vừa qua Chính phủ đã ban hành quy định mới về điều chỉnh các khoản tiền lương chi trả, làm sao cho hợp lý, chính xác”. Nói như vậy, biết đến khi nào hết cảnh kinh doanh cứ lỗ, vẫn nhận lương cao?
Theo kết quả kiểm toán, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.671 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) lỗ 137,9 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 19,8 tỷ đồng; Tổng công ty xăng dầu Quân đội (Mipeco) lỗ 17,1 tỷ đồng…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ Nghị định quy định về chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu để áp dụng trong năm 2014 theo hướng gắn chặt hơn tiền lương của viên chức quản lý với hiệu quả sản xuất kinh doanh, có khống chế mức tối đa, bảo đảm không có sự chênh lệch quá lớn tiền lương giữa viên chức quản lý với người lao động trong doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp Nhà nước.
Giang-Thơm
Người Đưa Tin