Trong nước

Một số quy định đáng chú ý có hiệu lực trong tháng 5

Trong tháng 5/2021, các quy định liên quan đến căn cước công dân, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra làm công tác tiếp dân, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp… sẽ có hiệu lực thi hành.

Không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc

Thông tư số 01/2021/TT-TTCP quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/5.

Tại Điều 5 Thông tư số 01 quy định, khi giao tiếp qua điện thoại và các phương thức giao tiếp trực tuyến khác, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, chức danh, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, cụ thể với âm lượng vừa đủ nghe, thái độ hòa nhã.

Trụ sở Thanh tra Chính phủ.


Không sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc; không sử dụng thư điện tử, mạng xã hội để tuyên truyền, đăng tải thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo với người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra khi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra có mối quan hệ với đối tượng thanh tra có thể ảnh hưởng không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Báo cáo kịp thời với trưởng đoàn thanh tra khi phát hiện xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Tránh các quan hệ xã hội có thể dẫn đến việc phải nhân nhượng trong hoạt động thanh tra.

Công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu về dân cư

Nghị định 37/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 137/2015 hướng dẫn Luật Căn cước công dân sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/5/2021. Trong đó, công an cấp xã có trách nhiệm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân cư trú trên địa bàn quản lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ việc giải quyết thủ tục đăng ký, thay đổi, điều chỉnh thông tin cư trú của công dân; cơ sở dữ liệu hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch, sổ sách quản lý về cư trú.

Trường hợp các thông tin, giấy tờ, tài liệu nêu trên về công dân mà chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ công dân qua Phiếu thu thập thông tin dân cư, Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư.

Nghị định này cho phép công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Lấy dấu vân tay để cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử.


Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề

Từ ngày 15/5/2021, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đối tượng áp dụng theo Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm (sau đây gọi chung là người lao động). Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo nghề nghiệp).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan bảo hiểm xã hội; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Mức hỗ trợ học nghề: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng.

36 mục tiêu do lực lượng cảnh sát vũ trang canh gác, bảo vệ

Nghị định số 39/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

Ban hành kèm theo Nghị định 39 là Danh mục 36 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ.

Nghị định 39 cũng bổ sung những hành vi gây mất an toàn, đe dọa gây mất an toàn mục tiêu, như: Vào mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu trái phép; thả diều, bóng bay, tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khác vào khu vực bên trong mục tiêu được bảo vệ; dừng, đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở mục tiêu; làm hư hỏng tài sản, hiện vật tại mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu; leo trèo hoặc thực hiện các hành vi khác tác động lên cổng, cửa, tường rào của mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu khi chưa được phép…

Nghị định số 39/2021 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

36 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ.


Lộ trình bố trí công an xã chính quy trên cả nước

Theo Nghị định số 42/2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy (có hiệu lực từ ngày 16/5), Công an xã chính quy là Công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tổ chức Công an xã chính quy. Lộ trình bố trí công an xã, thị trấn chính quy trên cả nước được quy định như sau:

- Trước ngày 30/6/2021: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự;

- Trước ngày 30/6/2022: Hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn còn lại.

Đối với xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, trường hợp công an xã bán chuyên trách được đồng ý tiếp tục sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản khác.

Lực lượng công an xã chính quy (Ảnh minh họa: Bộ Công an).


Lệ phí trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 22/5.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an); Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ TPHCM (Bộ Ngoại giao); Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an xã, phường, thị trấn (có thẩm quyền cấp giấy tờ xuất nhập cảnh) là tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Trong đó, lệ phí cấp hộ chiếu (bao gồm hộ chiếu gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp) là 200.000 đồng với cấp mới; 400.000 đồng với cấp lại do bị hỏng hoặc mất; 100.000 đồng với trường hợp cấp giấy xác nhận yếu tố nhân sự; lệ phí cấp giấy phép xuất cảnh là 200.000 đồng...

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân Trí

  Từ khóa: Tháng 5 , quy định , hiệu lực

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP