Thế giới

Mô hình đại học nhà máy đặc biệt tại Triều Tiên

Các nhà máy tại Triều Tiên không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất hàng hóa mà còn là cơ sở đào tạo dành cho các công nhân và cả những người quản lý.

Ông Kim Jong-un tới thăm một nhà máy túi tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Yonhap)

Trong những tháng gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện hàng loạt chuyến thị sát tới các nhà máy và cơ sở sản xuất tại Triều Tiên. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un đang hiện thực hóa cam kết dừng phát triển vũ khí hạt nhân để tập trung phát triển kinh tế.

Khi ông Kim Jong-un dành thêm thời gian cho các chuyến thị sát, các nhà máy cũng trở thành tâm điểm trong các bản tin tuyên truyền trên truyền thông Triều Tiên. Những video được đăng trên các trang web của Triều Tiên cho thấy các công nhân đeo tai nghe trước các màn hình trong phòng máy tính để “học từ xa”. Tất cả mọi người, từ nhân viên cho tới quản lý, đều học về “các công nghệ hiện đại” để phục vụ cho công việc, giúp tăng năng suất lao động.

Những bài học “từ xa” này là một phần trong chương trình giảng dạy tại các đại học nhà máy ở Triều Tiên. Nhiều công nhân đã theo học các đại học nhà máy này sau khi kết thúc 12 năm học phổ thông bắt buộc.

Theo giải thích của bài viết đăng hôm 2/8 trên báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, các đại học nhà máy ra đời từ giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ý tưởng cốt lõi của đại học nhà máy là tạo điều kiện cho người lao động vừa làm việc vào ban ngày vừa học tập vào ban đêm. Mục đích của chương trình này là nhằm khuyến khích các công nhân tiếp tục hoạt động sản xuất để tái thiết đất nước sau chiến tranh nhưng vẫn không dừng việc học tập.

“Vai trò của các nhà máy Triều Tiên không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, mà còn đóng vai trò như các đơn vị quản lý và giáo dục tư tưởng. Ngoài dây chuyền sản xuất, các nhà máy này có các trung tâm giữ trẻ, trường mầm non và các trung tâm văn hóa dành cho công nhân”, Park Young-ja, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU), nói với Korea Times.

Các đại học nhà máy đều cung cấp các khóa học dành cho trẻ em trước khi tới trường tiểu học hoặc các học sinh đã tốt nghiệp phổ thông lớp 12. Mặc dù đây chỉ là các đại học hạng hai tại Triều Tiên và xếp sau các trường đại học chính quy hạng nhất như Đại học Kim Nhật Thành, một số nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tốt nghiệp từ chính các ngôi trường vừa học vừa làm đặc biệt này.

Thủ tướng Triều Tiên Pak Pong-ju tới thăm các nhà máy ở tỉnh Hamgyong (Ảnh: KCNA)

“Đương kim Thủ tướng Triều Tiên Pak Pong-ju được xem là nhân vật biểu tượng của “anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa” - người đã lao động rất chăm chỉ tại nhà máy. Ông từng tốt nghiệp Đại học Công nghệ Tokchon và giữ chức vụ quản lý nhà máy trước khi trở thành ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên vào năm 1980”, nhà nghiên cứu tại KINU cho biết.

Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây trực tiếp tới thăm các nhà máy ở vùng Sinuiju, tỉnh Bắc Pyongan giáp biên giới Trung Quốc đã nhận được sự chú ý từ truyền thông nước ngoài. Đây được xem là bước chuẩn bị của ông Kim Jong-un cho việc tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc sau khoảng thời gian bị cấm vận. Tuy nhiên, theo chuyên gia Park, ý nghĩa của chuyến thăm này còn nhiều hơn thế.

“Việc ông Kim Jong-un tới thăm “phòng đào tạo” của một nhà máy không chỉ cho thấy mức độ quan tâm của nhà lãnh đạo tới người dân, mà còn cho thấy giáo dục tư tưởng cho đến bây giờ vẫn là trọng tâm của các chuyến thị sát”, bà Park nhận định.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP