Trải qua bao biến động của thời gian, thượng nguồn Ngàn Trươi này vẫn là điểm dừng chân lý tưởng của những kiếp đời cùng kế mưu sinh mà kỳ hồ phiêu bạt tìm kiếm giấc mộng đổi đời, nhưng cái mốc thời gian đáng nhớ nhất phải kể đến đó là năm Ất Dậu (1945) khi mà nạn đói đang hoành hành khắp nơi thì chính tại chốn rừng thiêng heo hút này bắt đầu khai sinh nên cuộc sống mới của sáu hộ gia đình gồm cộng đồng người Lào và người Việt di cư từ bản Na Ca Đốc (Lào) sang lập nghiệp cuốc rẫy, làm nương và săn bắt muông thú sau này trở thành thôn Kim Quang thuộc xã Hương Quang, huyện Vũ Quang.
Cụ Nguyễn Thị Hào một trong những người đầu tiên đặt chân tới Kim Quang mường tượng lại trong ký ức sâu thẳm về nơi chôn rau cắt rốn của mình mà không còn nhớ rõ địa danh, cụ chỉ biết rằng đó là một bản thuộc vùng núi rừng hưu quạnh nào đó thuộc tỉnh Quảng Bình. Có lẽ ngay từ lúc chưa thoát thai khỏi bụng mẹ cụ đã phải nếm trải cái đói thường trực trong cốt tuỷ của mẹ, lớn lên cụ càng thấm thía những nạn đói và các cơn đại dịch triền miên lần lượt gặm nhấm hết sinh mệnh người này đến sinh mệnh người khác, trong đó có cả bố, mẹ, người thân trong gia đình mình nên nỗi ám ảnh đó không dễ gì buông tha cụ, nếu như cụ không có may mắn trao gửi những tháng, năm còn lại của cuộc đời mình về chốn rừng, núi, suối, khe vô thường này.
Trong lúc làng xóm héo hon, xương mai chất thành gò đống, họ hàng ruột thịt chẳng còn ai thì anh trai cụ là ông Nguyễn Văn Duyệt đã dắt cụ vào rừng lang thang vô định giửa đại ngàn bao la đào củ nâu, củ mài ăn qua ngày, đoạn tháng. Cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm đã đẩy anh em cụ hết tháng ngày này đến tháng ngày khác, qua hết truông sâu rừng rậm này đến truông sâu rừng rậm khác. Một hôm thật bất ngờ anh em cụ bổng đặt chân tới thượng nguồn Ngàn Trươi bạt ngàn màu đỏ của loài hoa Huyết Đằng làm anh em cụ sung sướng đến ngây người khi gặp được hai người đàn ông đứng tuổi làm nghề sơn trại đang ngồi đốt lửa trong một hang núi mà hai ông cho biết rằng đó là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Phan Đình Phùng trước đây. Cụ Hào kể rằng, bằng cách tính lịch thời gian của hai người đàn ông này thì đó là mùa hè tháng tư năm Giáp Tuất ( 1934)
Được hai người đàn ông cho ăn, ở và nhận làm thành viên trong sơn trại nên chỉ trong một thời gian ngắn anh em cụ đã nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống ở đây. Một hôm vào mùa đông năm Bính Tý (1936) trời chuyển giông, núi rừng gầm gào thác đổ, chợt có một đoàn người, ngựa từ đâu đến vây kín cửa hang rồi ập vào bắt trói hai người đàn ông này lại và giải đi giửa tiếng thết gào vô vọng của anh em cụ! Vừa đi được một chặng đường rừng hai người này đã tự cắn lưỡi chết vì thế bọn chúng ném xác họ xuống chân một ngọn núi rồi dong ngựa về xuôi. Không ngờ chúng vừa đi được một đoạn thì đất đá ầm ầm đổ xuống trong chốc lát vùi lấp thi thể hai người.
Sóng nước Ngàn Trươi
Mãi sau này khi nơi đây thành lập chính quyền cách mạng và hình thành đơn vị hành chính cụ mới biết rằng hai người đó là Lê Hổ và Cao Bá, từng là nghĩa quân Phan Đinh Phùng, sau khi nghĩa quân bị tiêu diệt họ về đây ẩn dật. Ngọn núi nơi hai người đàn ông bị vùi lấp giống như một nấm mồ lớn được người dân bản địa gọi là núi Mồ rất thiêng nên mỗi khi có việc đại sự bà con thường ra đây cầu cúng khói hương chu đáo để cảm tạ sự chở che của hai bậc anh hùng.
Cái chết của hai ân nhân làm anh em cụ đau xót đến tột cùng! Không biết làm gì hơn, anh em cụ đành ôm nhau khóc cho đến khi bếp lửa trong hang tàn tro nguội lạnh họ mới kịp nhận ra rằng không còn lửa để nấu nướng, sưởi ấm và chống lại thú dữ coi như cuộc sống sẽ gặp muôn ngàn khó khăn. Vậy là một lần nữa ông Nguyễn Văn Duyệt lại quyết định dắt em mình tiếp tục cuộc phiêu lưu vô định giửa đại ngàn bao la. Họ nhằm về hướng mặt trời lặn, ngược qua dãy Giăng Màn mây mù cao ngất trong nhiều ngày, đêm, cuối cùng phiêu dạt tới Na Ca Đốc một bản nhỏ nằm trên đất Lào. Tại đây họ gặp được ông Nguyễn Nhui một người Lào gốc Việt rất tốt bụng cho quần áo mặc nhận làm người trong gia đình.
Qua một thời gian quen dần với sinh hoạt của người Na Ca Đốc, cụ Nguyễn Thị Hào gặp ông Vi Văn Lạp người bản địa cùng hoàn cảnh, có cả bố lẫn mẹ đều bị mất sớm nên họ đem lòng yêu thương nhau rồi dần dần kết nên bạn đời. Ngày ngày họ rủ nhau vào rừng hái lá tàu bay, đào củ, hái măng, nhặt quả; xuống suối, khe băt ốc bắt cá, đêm về lấy bếp lửa làm vui. Tuy vất vả, nhưng cuộc sống của gia đình cụ ở Na Ca Đốc hết sức hạnh phúc thanh bình thì vào năm Ất Dậu ( 1945) bất ngờ nạn đói ùa về như một cơn lốc dữ kéo theo đó là nạn dịch tả xuất hiện càn quét khắp nơi, bản làng ngày một tang tóc thê lương!
Biết rằng khó tồn tại ở đây lâu hơn nữa nên cụ Hào bàn với chồng và anh trai mình rủ thêm vợ chồng bà Nài Thị Khằm; vợ chồng bà Nài Thị Tòn; vợ chồng ông Bun Thưn; vợ chồng ông Phan Khăm và vợ chồng bà Chào Thị Khằm là những hộ có quan hệ qua lại thân thiết với nhau trong bản sang Việt Nam, trở lại sơn trại cũ để lập nghiệp. Sáu hộ gia đình này liền đồng tâm nhất trí ý tưởng của cụ rồi họ cùng nhau thực hiện cuộc thiên di sang nơi Mây ngàn, Gió núi Ngàn Tươi mà đến nay đây được coi là cuộc thiên di vĩ đại nhất, một bước ngoạt quan nhất trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.
Cuộc hành trình của họ đi hết bốn ngày, ba đêm, vượt qua dãy Giăng Màn qua luỹ thành Phan Đình Phùng đến đoạn khe Đất Đỏ thì phát hiện thấy một vùng đất thật bằng phẳng, cảnh vật hết sức hữu tình. Hình như trước đó núi rừng cũng đã mách bảo với họ rằng, vùng đất thiêng đó là tặng vật của đất trời giành riêng cho họ, họ cần phải gìn giữ muôn đời cho cháu con. Và vậy là họ quyết định dừng chân lại đây chụm lên sáu túp lều sàn, chặt nứa vát nhọn đầu rào dậu xung quanh để chống lại hỗ dữ, cùng nhau đốt rãy làm nương và lợi dụng đất sơn trại của nghĩa quân Phan Đình Phùng trước đây dùng để sản xuất chủ động lương thảo lâu dài chống lại thực Pháp đã bị bỏ hoang để gieo trồng ngô, lúa, săn bắt thú rừng dần dần ổn định cuộc sống.
Bà Phan Thị Lừng (con dâu) chăm Cụ Nguyễn Thị Hào (mẹ chồng gần 100 tuổi)
Trong số những người tham gia cuộc hành trình vĩ đại đó có bà Phan Thị Lừng, con ông Phan Khằm sau này trở thành con dâu đầu của cụ Nguyễn Thị Hào. Lúc đó bà Phan Thị Lừng chưa đầy sáu tháng tuổi được bố mẹ cõng sang Việt Nam là một trong rất ít người còn thuộc được những bài hát cổ của người Lào ở Na Ca Đốc. Một lần cụ Hào bị ốm nằm lịêt giường, bà Phan Thị Lừng vừa chăm cháo vừa hát bài hát bằng tiếng Lào: “Xao nói, xao noi, tà moòng. Xao khoảng, xì ma, xoòng nầm. Ô xoong, bay xoọng, thoog măn. Nhà lấp lăn, khăn nọi, nà thòn…” nội dung bài hát ca ngợi người con gái làm cho cụ Hào không cầm nổi nước mắt nắm lấy tay con dâu mình nói rằng: Ước gì ông trời cho mẹ chút sức khoẻ để về thăm quê chồng lần cuối rồi bất giác cụ vụt ngồi dậy ngoái đầu qua khung cửa ngước nhìn lên phía bên kia dãy Giăng Màn.
Từ khi sáu hộ gia đình đầu tiên chụm lên làng xóm, núi rừng càng thêm vui, chim ca, muông thú từ khắp Trường Sơn hùng vĩ càng hội về một nhiều; núi, rừng Ngàn Trươi ngày càng được biết đến như một miền đất hứa cho những người tìm kiếm cơ hội đổi đời. Vào những năm giửa của thập niên 60 thế kỷ trước nhiều hộ gia đình ở ven sông La, sông Lam đã dời nhà lên nơi này lập nghiệp và dần hình thành đơn vị hành chính xóm Kim Quang mở mang chợ búa, trường học, trạm y tế tạo điều kiện cho trẻ em đến tuỏi được đến trường, người già cả ốm đau bệnh tật được khám chữa bệnh.
Cụ Nguyễn Thị Hào được coi như người đầu tiên lập nên Kim Quang nay đã gần 100 tuổi. Suốt một đời nặng nợ với mảnh đất này, ước vọng cuối cùng của cụ là chỉ mong sao được yên nghỉ vĩnh hằng chính tại nơi đây. Tuy vậy, năm 2006 người dân Kim Quang nhận được chỉ thị: Cấm làm nhà cửa, xây cất mồ mả, trồng các loại cây dài ngày để chuẩn bị di dời tái định cư do ảnh hưởng tới dự án Thuỷ lợi Ngàn Trươi -Cẩm Trang. Nên để chuẩn bị cho ngày về với tổ tiên, cụ đã dặn cháu con rằng, “Nếu sau này có chôn cất cụ hay dời mồ mả của vợ chồng và anh trai cụ tới nơi đâu thì hãy nhớ trồng lên đó những khóm hoa Huyết Đằng và lấy nước từ khe Đất Đỏ rưới lên để giữ lại những gì của khí tiết Mây Ngàn Gió núi Ngàn Trươi ban tặng”.
Tiếc rằng, do công tác giải phóng mặt bằng di dới tái định cư thuộc dự án Thuỷ lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang triển khai quá chậm, trong lúc cuộc sống của người dân Kim Quang đang hừng hực không khí đổi thay. Ông Vi Văn Hường- trưởng thôn Kim Quang, đồng thời là cháu nội của cụ Nguyễn Thị Hào cho biết: Sau khi có tuyến đường nhựa tỉnh lộ 5 do Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh làm chủ đầu tư và thi công nối từ thị trấn Vũ Quang xuyên qua Vườn rừng Quốc gia Vũ Quang lên bản Kim Quang tới tận đỉnh Giăng Màn được đưa vào sử dụng từ năm 2003 càng tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho địa phương, nhưng trong lúc người dân chưa kịp hưởng lợi thì phải chịu nhiều bất lợi do phải ăn đợi nằm chờ lên tái định cư.
Hơn bốn năm lại nay người dân Kim Quang không giám làm những việc đại sự như gả cưới, xây dựng nhà cửa, lăng mộ, tổ chức các mô hình phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo ngày càng có chiều hướng gia tăng. Không thể đợi chờ lâu hơn được nữa, 50 hộ dân đã nộp đơn xung phong di dân tự do theo chính sách khuyến khích của Nhà nước, nhưng do nguồn ngân sách hỗ trợ chưa đáp ứng và những quy chế của dự án còn hạn chế như: Sau 60 ngày, kể từ ngày ký nhận tiền hỗ trợ bà con phải có đủ các Quyết định giao đất; giấy tờ mua, bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, các giấy tờ khẳng định trúng đấu giá đất, mua nhà ở chung cư, giấy chứng nhận hộ khẩu nơi ở mới nếu không sẽ thu hồi hặc tính lãi suất kể từ ngày thứ 61 trở đi. Đối với các hộ có người nhà là cán bộ công chức các cấp, hộ được hưởng chế độ 202 phải lên khu tái định cư nên người Kim Quang có câu “ở khốn thương đi khốn đường”
Cụ Lê Ngọc Toàn từng gồng gánh vợ con từ miền xuôi lên khai hoang từ năm Giáp Thìn (1964) nay đã thân tàn lực kiệt, gần đất xa trời! Mặc dù trong tâm tưởng cụ không muốn đi đâu bởi mảnh đất này đã gắn bó với bao kỷ niệm buồn, vui, nhưng vì ủng hộ dự án cụ đã tự nguyện làm đơn xin đi di dân tự do để sớm ổn định chổ ở hưởng sự chăm sóc của con cái, trong lúc đó với lý do cụ là đối tượng 202 nên không được xác nhận. Ông Phạm Xuân Thảo là người người may mắn được sinh ra ở Kim Quang được chôn núm rau của mình nơi Mây ngàn Gió núi Ngàn Trươi . Bố, mẹ ông lên đây khai khoang từ năm Giáp Thân (1946) khi Kim Quang mới có 17 hộ gia đình phải giải gió, dầm sương nuôi ông lớn lên trong những tháng năm đầy bĩ cực. Mối ràng buộc tâm linh luôn day dứt trong tâm khảm, nhưng vì trách nhiệm công dân ông đã tìm mua một mảnh vườn ở xã Hương Đại chờ làm giấy tờ mà không làm được chỉ vì ông có cô con gái là cháu Phạm Thị Chuyên bị tật nguyền, thuộc đối tượng chính sách không được theo cùng gia đình đi tái định cư tự do
Để tháo gỡ những vướng mắc của người dân, Ban chuyên trách Giải phóng mặt bằng hỗ trợ tái định cư dự án Thuỷ lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang đã kịp thời tìm ra những giải pháp khăc phục tạo điều kiện cho một số hộ dân vùng lòng hồ được được di dân tự do theo sở nguyện của mình. Tuy vậy, thật trớ trêu khi cơ hội của những hộ gia đình như cụ Lê Ngọc Toàn, ông Phạm Xuân Thảo đã bị trôi qua bởi giá đất ở Vũ Quang bất ngờ nhảy vọt lên cao gấp hàng chục lần do gần đây huyện Vũ Quang tổ chức bán đấu giá đất bị bọn cò mồi đất ở “trong và ngoài” đẩy giá lên vùn vụt, có những lô đất từ vài trăm triệu đấu lên tới tiền tỷ đã làm xáo trộn hoàn toàn thị trường mua, bán chuyển nhượng đất tự do. Nên mặc dù đã đặt cọc tiền mua trước, nhưng những hộ này cũng đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mộng của mình.
Cộng đồng bà con xóm Kim Quang tới nay có 169 hộ gia đình, họ luôn tích cực trong cuộc sống lao động sản xuất và thực hiện các chủ trương chính sách của nhà nước. Bao đời nay Kim Quang vẫn là miền đất lành, “khi người ở đất đã hoá linh hồn khi người đi đất càng trở nên thiêng liêng”. Trước đây bà con thường có tập tục nuôi trâu, nuôi lợn chung; đến các ngày lễ tết họ tổ chức hát, múa Lăm Vông và các hoạt động giao lưu văn hoá khác… cùng giết thịt trâu, thịt lợn tổ chức ăn uống linh đình vui vẻ. Nay những phong tục tập quán này đang dần bị mai một, nhưng vẫn còn đó trong ký ức sâu thẳm của nhiều bậc cao niên. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho cuộc đại di dời tái định cư, các cơ quan hữu quan và thế hệ con, cháu Kim Quang cần phải làm thế nào để vực dậy và tiếp tục phát huy bản sắc văn hoá của tổ tiên chính là chìa khoá cho con cháu Kim Quang bước tới tương lai bền vững.`
Vậy là 65 mùa xuân lắng đắng cùng bao kỷ niệm buồn, vui của cộng đồng bà con Kim Quang lại vần vụ trở về trên con đường thiên lý của đất, trời tạo hoá. Thêm một cái tết nữa cháu con từ Na Ca Đốc và Kim Quang lại tiếp tục vượt qua dãy Giăng Màn tìm về với tổ tiên nguồn cội quây quần lại với nhau bên bếp lửa rừng ấm áp, góp phần điểm tô thêm mối tình son sắt thuỷ chung của hai dân tộc Việt- Lào vốn được hun đúc từ khi Trường Sơn bắt đầu hình thành lên thế sông, dáng núi. Một tin vui mới là hai nước Việt Lào đang tích cực triển khai đề án mở cửa khẩu phụ Kim Quang- Na Ca Đốc, con đường này đi qua không xa khu tái định cư tập trung của Kim Quang tại Hói Trùng xã Hương Thọ sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi cho bà con hai bên qua lại thăm hỏi nhau thường xuyên hơn.
Những hạt sương sớm, cửi chiều ngấn lạnh như lưu luyến đong đầy trên mi mắt khắc khoải nỗi buồn nhớ mông lung của cụ Nguyễn Thị Hào trước bao tháng, năm đằng đẵng đã qua và trước cái tết cuối cùng để chuẩn bị giã biệt núi rừng. Cụ là một trong những người đầu tiên tạo nên bước ngoặt vĩ đại ở thượng nguồn Ngàn Trươi khi lập nên xóm Kim Quang và hôm nay cụ lại kêu gọi con cháu lên khu tái định cư tập trung khai sinh làng mới tạo nên một bước ngoặt mới có ý nghĩa quan trọng nhât, đánh dấu mốc thời gian đáng nhớ nhất bằng sự ra đời của Đại công trình Thuỷ lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang, một trong những dự án trọng điểm Quốc gia, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, đất nước trong công cuộc đổi mới.
Đến nay, đại gia đình cụ Nguyễn Thị Hào đã có trên 30 thành viên gồm cả con, cháu nội, ngoại. Bà Phan thị Lừng con dâu hiếu thảo của cụ là người đầu tiên trong dòng họ được xoá mù chữ khi Trường cấp I Kim Quang bắt đầu được thành lập vào năm Đinh Mùi (1967), sau này bà Lừng trở thành cán bộ Phụ nữ cốt cán của địa phương trong nhiều năm hoạt động. Giờ đây cụ Nguyễn Thị Hào có bốn người chắt đang theo học văn hoá tại Trường THPT Dân tộc nội trú Hương Khê và sẽ được cử tuyển vào các trường Đại học là những người Kim Quang đầu tiên được học văn hoá cao nhất, một ngày nào đó các em sẽ trở về xây dựng quê hương mới nơi vùng tái định cư viết lên những câu chuyện tiếp theo.
Nằm trong tổng diện tích 4.500ha rừng đầu nguồn bị ngập với sức chứa gần 800 trệu m3 nước của Đại công trình Thuỷ lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang, mai này thôn Kim Quang sẽ vĩnh viễn vùi sâu dưới biển nước mênh mông. Nhưng với tôi, có lẽ tất cả những giá trị thiêng liêng nhất thuộc về xứ sở này muôn thủa sẽ còn được nhắc đến giửa âm hưởng của Mây ngàn, Gió núi Ngàn Trươi.
Nguyễn Ngọc Vượng
Báo Hà Tĩnh