Kinh tế

Máy cày, bừa siêu đa năng 4 trong 1 của “kỹ sư” nông dân xứ Nghệ

Chỉ mới học hết lớp 10, lại không được học qua trường lớp đào tạo chính quy nào về ngành cơ khí, nhưng với niềm đam mê, anh “kỹ sư” nông dân Phan Công Sỹ (SN 1969), trú tại xóm 7, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã chế tạo thành công chiếc máy cày, bừa đa năng được hàng trăm nông dân địa phương đánh giá cao.

Máy cày, bừa đa năng (4 trong 1)

Hơn 3 tháng từ ấp ủ ý tưởng đến việc mày mò thiết kế, lắp ráp không quản ngày đêm, chiếc máy cày, bừa tự được “chế” bằng bộ máy gặt liên hợp của gã “kỹ sư” nông dân Phan Công Sỹ đã ra đời.

Sau khi được đưa ra thực tế tại cánh đồng địa phương, sản phẩm tự chế của anh nông dân Nghệ An này đã được hàng trăm nông dân hưởng ứng và đặt hàng.

Anh Phan Công Sỹ kể lại: “Sau khi học hết lớp 10, gia đình thuần nông lại đông anh em nên anh không thể theo học tiếp mà phải chuyển sang học sửa chữa xe công nông, cơ khí tại địa phương. Năm 1995 thấy bản thân đã vững tay nghề, anh mở một cửa hàng chuyên sửa chữa cơ khí nhỏ tại địa phương.”

Anh Sỹ tâm sự, anh luôn canh cánh trong lòng về nỗi vất vả của người nông dân một nắng hai sương trên cánh đồng ở vùng quê mình. “Gia đình anh vốn là gia đình thuần nông, sinh ra là lớn lên trên vùng quê nghèo của xã Hưng Thông, cha mẹ, anh chị em hiện vẫn bám trụ ở những cánh đồng nhưng mọi nông cụ dùng trong nghề nông đều thô sơ. Họ muốn sắm sữa máy móc thiết bị để đỡ vất vả hơn nhưng do giá thành quá cao nên vượt quá khả năng… Thấy mọi người trong gia đình vất vả với ruộng đồng, nhưng năng suất lao động lại thấp, từ đó tôi luôn ấp ủ muốn làm một điều gì đó để không chỉ bố mẹ, anh em đỡ vất vả mà còn cả những người nông dân khác…”, anh Sỹ chia sẻ thêm.

“Kỹ sư” nông dân Phan Công Sỹ bên cạnh sản phẩm sáng chế của mình trước khi được ra thực nghiệm trên cánh đồng.

Nghĩ là làm, từ năm 2010, anh Sỹ đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp đa năng. Ý tưởng ban đầu của anh là làm máy cày, bừa đa chức năng sau đó lắp ráp thêm các thiết bị của máy xúc và máy trộn bê tông.

Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo chiếc máy này anh hoàn toàn tự tìm hiểu, mày mò, làm từ cái đơn giản đến cái phức tạp nhất; làm chưa được thì tự rút kinh nghiệm, sửa chữa dần dần để đi đến hoàn thiện. Hiện, máy nông nghiệp của anh có 4 chức năng gồm: cày, bừa, trộn bê tông, và xúc đất.

“Nhiều người trong xóm, trong làng lúc đầu thấy tôi như vậy họ không tin, họ gọi tôi là gàn. Bởi họ nghĩ tôi chỉ có kinh nghiệm trong việc sửa chữa cơ khí chứ không được học hành cơ bản để sản xuất chế tạo máy chuyên về nông nghiệp. Tuy nhiên, khi tôi hoàn thành chiếc máy đa năng này và đưa chiếc máy ra đồng để chạy thử nghiệm thì chiếc máy chạy rất tốt. Lúc đó, mọi người mới tìm hiểu và đặt hàng để tôi sản xuất…” anh Sỹ cho hay.

Thời gian đầu, anh sửa chữa, quan sát những thiết bị, bộ phận máy móc nông nghiệp của nước ngoài được áp dụng trên cánh đồng địa phương. Mỗi khi hư hỏng bà con đưa đến tại xưởng của anh, anh nhận thấy có rất nhiều bộ phận phải đặt hàng ở Hà Nội, Sài Gòn thậm chí phải ra nước ngoài với giá thành cao lại mất thời gian nên anh nghĩ: “Tôi muốn chế tạo ra chiếc máy cày vừa đơn giản nhưng nhiều chức năng, phù hợp với bà con làm nông tại địa phương. Hơn nữa nếu các bộ phận bị hư hỏng đều có thể dễ dàng sửa chữa, phụ tùng thay thế sẵn có, giá cả rẻ hơn nhiều so với máy nước ngoài…”

Anh Sỹ tiết lộ thêm: “Việc chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đa chức năng là niềm đam mê về cơ khí của tôi. Hơn nữa, tôi muốn giúp đỡ bà con nông dân địa phương đỡ tốn kém chi phí cày bừa. Máy cày bừa được chế tạo chạy bằng động cơ Diesel với 28 mã lực, hộp số được chế từ máy gặt liên hợp, sắt phế liệu được hàn nối thành khung sườn, ca bin được lắp ghế ngồi, có bộ phận tăng tốc, giảm tốc…Máy của tôi rất tiết kiệm nhiên liệu, 1 sào khoảng 0,8 đến 0,9/lít dầu….Tổng chi phí tôi chế tạo chiếc máy cày, bừa đa năng này khoảng 60 triệu đồng. Ngoài ra, chiếc máy bừa này còn rất dễ vận hành, di chuyển ở mọi địa hình…”

Ý tưởng phục vụ người nông dân là chính

Chị Nguyễn Thị Xoan, vợ anh Sỹ kể: “Từ khi thấy chồng có ý tưởng làm một chiếc máy cày nông nghiệp đa năng, tôi cũng động viên anh rất nhiều. Ngày đêm, anh cứ thao thức, quên ăn quên ngủ loay hoay với mô hình chiếc máy làm sao cho nó hoạt động tốt nhất, đỡ chi phí nhất cho bà con nông dân. Đến khi máy hoạt động, nhưng vẫn chưa thỏa mãn ý tưởng của anh, thì anh tiếp tục làm đi làm lại. Làm đến khi nào máy hoàn thiện nhất mới thôi. Khi làm xong chiếc máy này, cả gia đình tôi mừng lắm, vừa làm xong chạy thử nghiệm ngoài cánh đồng là có người đặt cọc tiền mua chiếc máy ngay…”.

Chiếc máy cày đa năng được chạy thực nghiệm trên cánh đồng và được nhiều nông dân rất thích thú

Trong khi đó anh Phạm Văn Tâm, xóm trưởng xóm 7, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết: “Ban đầu tôi nghe nói anh Sỹ cơ khí làm máy nông nghiệp có 4 chức năng: cày, bừa, trộn bê tông, và xúc đất tôi không thể tin được. Tôi biết Sỹ từ nhỏ, nó có được học hành gì đâu. Đùng một cái, khi chiếc máy đó hoạt động thử ngoài đồng có sự chứng kiến của tôi, tôi lấy làm ngạc nhiên, máy nhỏ, tiện lợi những góc cua, lại không làm ảnh hưởng đến đường, bờ giao thông nội đồng. Thấy nó cày, bừa ngon ơ tôi mừng cho nó lắm. Nếu cày thuê cho các gia đình khác, một sào nó chỉ lấy 90 ngàn đồng. Theo tôi được biết hiện có rất nhiều người đã đặt mua chiếc máy cày này, sắp tới anh Sỹ sẽ sản xuất nhiều cái hơn để phục vụ cho bà con. Mong rằng chiếc máy này sớm được nhân rộng cho bà con đỡ khổ”.

Trong khi đó anh Phạm Bá Vinh (xã Hưng Thông), người đã đặt cọc mua chiếc máy cày đa năng này chia sẻ: “Tôi đã theo dõi anh Sỹ làm chiếc máy cày đa năng này ngay từ những ngày đầu, tôi thấy nó rất tiện ích, lại không tốn nhiên liệu là bao, dễ vận hành, dễ lái nên khi chạy thử nghiệm thành công, tôi đã đặt cọc tiền để lấy chiếc máy đa năng này. Ruộng nhà tôi cũng nhiều, khi làm xong ruộng nhà, tôi sẽ đi cày, bừa thuê cho bà con. Tính ra chi phí cũng rẻ, khoảng một năm là tôi có thể thu hồi vốn…”

Theo anh Sỹ, chiếc máy cày đa năng có thể cày 1 sào ruộng trong vòng 20 phút, nhưng chỉ tốn khoảng 0,8 đến 0,9 lít dầu. Bộ phận lắp ráp khó khăn nhất của chiếc máy là bộ phận lai ghép bộ chuyển động phần phay đất và vị trí chỗ ngồi để định vị hệ thống chuyển động theo ý muốn. Tuy nhiên khi chế tạo xong những bộ phận này thì chiếc máy cũng hoàn thành và thực nghiệm trên cánh đồng tạo năng suất cao.

“Dù chiếc máy đã hoàn thiện, nhưng một số bộ phận tôi còn phải nghiên cứu để thay đổi thêm để nó càng tiện ích hơn, có thể giúp đỡ cho người nông dân nhiều hơn. Tôi hy vọng, chiếc máy cày đa năng này sẽ hoạt động tốt hơn nữa. Thời gian tới tôi sẽ đăng ký bản quyền sáng chế và gửi sản phẩm đi dự thi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Nghệ An…” anh Phan Công Sỹ cho biết thêm.

Tác giả: Cảnh Thắng

Nguồn tin: Báo Dân Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP