Trước khi đi đến phán quyết cuối cùng vụ ly hôn và tranh chấp tài sản chung giữa nguyên đơn Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và bị đơn Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên), thẩm phán Nguyễn Văn Xuân khẳng định: nếu chia cổ phần cho cả hai đương sự trong Tập đoàn Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp này.
Do đó, HĐXX quyết định chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần của hai vợ chồng trong các doanh nghiệp trong Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ có trách nhiệm tạo điều kiện để bà Lê Hoàng Diệp Thảo đầu tư vào doanh nghiệp cà phê mới.
Như vậy mới giải quyết dứt điểm việc tranh chấp để cho doanh nghiệp và Tập đoàn cà phê Trung Nguyên phát triển mạnh mẽ, giúp cho các đương sự có một cuộc sống mới ổn định, bền vững và hạnh phúc. Bởi các lẽ trên cần thiết giao toàn bộ cổ phần, tài sản cho ông Vũ sở hữu, ông Vũ sẽ thanh toán chênh lệch tài sản.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ |
Về tài sản chung, ông Vũ được chia 60% cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên còn bà Thảo được chia 40% nhưng số cổ phần của bà Thảo sẽ phải giao lại cho ông Vũ và ông Vũ trách nhiệm hoàn lại bằng tiền cho bà Thảo.
Theo thẩm phán, HĐXX khi đưa ra phán quyết đã căn cứ vào nguyên tắc tài sản chia đôi khi ly hôn nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
HĐXX nhận định, ông Vũ và gia đình đã sáng tạo ra cà phê Trung Nguyên nhờ vào tiền bán nhà của cha mẹ ông Vũ cùng tiền vay mượn. Bằng chứng là Giấy phép kinh doanh cấp cho ông Vũ và ông Đặng Mơ (cha ông Vũ). Sau này, thay đổi tên gọi và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh.
Vì vậy, có thể khẳng định về mặt đóng góp là thuộc về ông Vũ và gia đình, điều này phù hợp với những trình bày của ông Vũ tại tòa. Tòa nhận định khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ bao giờ cũng nhiều hơn bà Thảo. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên.
Bà Thảo nuôi các con ăn học và thường xuyên ở nước ngoài chăm các con, chỉ có một mình ông Vũ quản lý Trung Nguyên, ông Vũ chính là ông chủ Trung Nguyên và mang về lợi nhuận cao.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trao đổi với người đại diện trước khi phiên tòa bắt đầu |
Việc bà Thảo cho rằng ông Vũ mải mê thiền định mà không quan tâm đến công ty, nhưng căn cứ vào báo cáo kiểm toán, tổng lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Trung Nguyên đều duy trì phát triển ở mức 650 tỉ đồng trở lên. Mặc dù, thời gian qua các vụ kiện cáo ảnh hưởng nhưng công ty vẫn phát triển, nên tòa xét thấy phải chia cho ông Vũ nhiều hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cho công sức bà Thảo.
Về tài sản là tiền, vàng có giá trị là hơn 1.765 tỉ, HĐXX nhận thấy trong trường hợp không có căn cứ chứng minh tài sản đang có tranh chấp là tài sản riêng mỗi bên thì tài sản đang tranh chấp là tài sản chung. Do đó, về nguyên tắc, khoản tiền trong tài khoản bà Thảo gửi được tính lãi và bà Thảo đã được hưởng. Ông Vũ không yêu cầu tính lãi là có lợi cho bà Thảo.
HĐXX xác định số tiền này là tài sản chung sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên. Theo đó, tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.
Theo tính toán của HĐXX, hiện bà Thảo sở hữu số tiền bà đang quản lý là hơn 1.765 tỉ, ông Vũ được sở hữu cổ phần tại công ty trị giá hơn 5.600 tỷ. Tổng cộng tài sản chung vợ chồng trừ bất động sản là hơn 7.000 tỷ.
Nếu chia ông Vũ 60% tài sản thì sẽ tương đương 4.000 tỷ, bà Thảo 40% tương đương hơn 3.000 tỷ. Khối tài sản bà Thảo đang được sở hữu là hơn 3.600 tỷ, ông Vũ hơn 4.800 tỷ. Khấu trừ, ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo hơn 1.200 tỷ.
HĐXX yêu cầu ông Vũ giao số tiền chênh lệch từ các cổ phần cho bà Thảo, nếu khi bản án có hiệu lực mà ông Vũ không giao thì sẽ tính theo lãi suất theo quy định ngân hàng.
Tác giả: Đoàn Nga
Nguồn tin: Báo VietNamNet