Trả lời VTC News, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - TS luật học, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định những vụ việc đang xảy ra ở Yên Bái có những yếu tố phức tạp vì những người liên quan có mối quan hệ ruột thịt khăng khít với nhau nên dư luận cũng lo ngại nếu ở tỉnh thì thanh tra sẽ không khách quan. Vì vậy, với những vụ việc đặc biệt thì cũng cần có cách làm đặc biệt hơn, khách quan và hợp lý hơn.
Đại biểu Lê Thanh Vân |
- Không chỉ gần đây dư luận Yên Bái mới xôn xao về công tác tổ chức cán bộ của tỉnh này với trường hợp của Giám đốc Sở TN-MT Phạm Sỹ Quý mà trước đó một năm Yên Bái cũng là tâm điểm chú ý của dư luận cả nước khi Chi cục trưởng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy 'do bất mãn sắp xếp nhân sự', thưa ông?
Không chỉ Yên Bái mà ở nhiều nơi chất lượng cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không đủ phẩm chất dẫn tới vụ việc đáng tiếc. Việc này không chỉ xảy ra ở Yên Bái mà còn ở nhiều nơi. Vì vậy, dư luận rất bức xúc trước những hiện tượng này.
- Gốc rễ của những vấn đề này do đâu, thưa ông?
Gốc rễ của những vấn đề này đều từ công tác tổ chức cán bộ mà ra. Đó là việc ở nhiều nơi đã chọn người không xứng đáng, những người không có phẩm hạnh vào vị trí lãnh đạo.
Cái mà dư luận xã hội hiện nay đang bức xúc đó là thứ tự ưu tiên theo trực hệ, tiền tệ, đồ đệ, quan hệ để ưu tiên bổ nhiệm, cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo. Vì vậy, chất lượng cán bộ không cao, không ổn nên mới tha hoá như vậy.
Từ đó, sự cố về công việc mới xảy ra. Và trong quan hệ xuất hiện bè phái, lợi dụng dân chủ tập thể để trừng trị lẫn nhau. Điều đó là rất đáng cảnh báo chứ không phải là không.
- Sự trả thù đến mức "văn minh" như cách nói của Đại biểu Bùi Văn Phương phải không, thưa ông?
Đúng như thế. Tôi thấy rằng phát biểu của đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) trên diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp vừa qua là quá đúng.
Gốc rễ vấn đề đúng là công tác cán bộ. Nghị quyết của Trung ương nói quá đúng rồi nhưng đừng để nằm trên giấy.
Nếu bổ nhiệm không đúng thì phải trừng trị người quyết định bổ nhiệm chứ
Chúng ta cần phải tạo ra cơ chế để những ai thấy mình bất tài, tiêu chuẩn không đủ thì quy định của pháp luật sẽ như lưới lửa khiến người ta không thể, không muốn và không dám làm. Họ nhìn thấy trách nhiệm treo lơ lẳng trên đầu mà khiếp sợ không dám làm liều. Những công tác liên quan đến việc bổ nhiệm cũng vậy, từ việc đề cử, tiến cử đến việc bổ nhiệm.
Nếu bổ nhiệm không đúng thì phải trừng trị người quyết định bổ nhiệm chứ.
Bởi vì người được bổ nhiệm đó đã gây mất đoàn kết nội bộ, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cán bộ của Đảng, của Nhà nước. Tội nặng như vậy thì sao không xử.
Nếu làm được như thế thì sẽ triệt được nạn mua quan bán chức ngay. Có điều là chúng ta có làm hay không mà thôi.
Biệt phủ khiến dư luận xôn xao của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái |
- Phải chăng những quy định hiện nay còn có cách xử lý quá nhẹ nhàng đối với người ký các quyết định bổ nhiệm?
Chính xác. Phải trừng trị cả những người bổ nhiệm sai nữa. Làm thế, để lần sau người ta không dám đề bạt, tiến cử, giới thiệu những nhân sự không xứng đáng nữa.
Tôi cho rằng phải xử lý cả những người ký các quyết định bổ nhiệm và phải đặt trách nhiệm lên họ trước khi họ ký các quyết định bổ nhiệm.
Công tác tổ chức cán bộ như việc xây dựng lên khung sườn của một bộ máy. Vậy mà lại đưa những vật liệu không tốt vào để làm lên khung sườn của một bộ máy.
Ví dụ như việc xây dựng đường ống sông Đà đưa chất liệu không đảm bảo vào thì bị khởi tố.
Thì làm công tác cán bộ cũng thế. Đưa người vào giữ chức vụ, cương vị như thế tức là đưa vật liệu vào xây dựng bộ máy cán bộ nhưng không đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, cũng phải truy tố họ trước pháp luật chứ. Anh không thể đứng ngoài cuộc được. Nếu chỉ rút kinh nghiệm, vỗ về an ủi nhau thì dư luận làm sao yên lòng được.
- Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý - được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái khi chưa đủ tiêu chuẩn thì có thể thông cảm được không, thưa ông?
Tôi thấy trả lời của Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ về vụ việc này là không ổn. Một mặt Thanh tra Bộ Nội vụ nói là có sai phạm, một mặt nói là sai phạm đó đã được khắc phục và rút kinh nghiệm. Như vậy là kết luận không nghiêm.
Chính thanh tra Chính phủ đã kết luận ở nhiều tỉnh yêu cầu xử lý tập thể cá nhân nhưng tỉnh không xử lý gì cả và thanh tra cũng không làm gì được. Chính có những việc như vậy thì làm sao xây dựng được kỷ cương.
Thanh kiếm của pháp luật không sắc bén thì không trừng trị được tội phạm chứ còn hiện nay vẫn là theo kiểu giơ cao đánh khẽ.
Chiều 29/6, ông Phạm Sỹ Quý đã trần tình về khối tài sản khủng của gia đình mình với báo chí. |
- Phải xử lý trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý và những trường hợp được bổ nhiệm sai quy định thế nào, thưa ông?
Phải xử lý tất cả những người tham gia vào sai phạm đó. Không chỉ xử lý người được bổ nhiệm sai. Bởi thực ra, ông Quý chỉ là sản phẩm của sai phạm thôi.
- Liệu có điều chuyển ông Phạm Sỹ Quý về vị trí cũ trước khi được bổ nhiệm không, thưa ông?
Đó là quyết định của tổ chức. Tất cả những người liên quan đến quy trình bổ nhiệm ấy họ cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử lý.
Phải bố trí công việc phù hợp với năng lực. Thậm chí, cả công việc đã làm trước đó cũng không nên cất nhắc tiếp. Ông ấy giờ có trình độ năng lực gì thì bố trí tương xứng với việc ấy.
- Nói là vậy, nhưng lại rất khó triển khai trong thực tế, thưa ông?
Nguyên nhân là do công tác cán bộ của ta chưa có tiêu chí đánh giá cán bộ cho chuẩn mực, dựa vào cảm tính, dựa vào lá phiếu có thể mua được, có thể chỉ đạo được. Như vậy làm sao có chất lượng cán bộ tốt được.
Vấn đề đặt ra là trong công tác cán bộ phải có một bộ công cụ để đánh giá, quyền hạn đến đâu.
Lãnh đạo có những quyền hạn nhất định nhưng đi liền với đó phải là trách nhiệm tương xứng với quyền hạn đó. Khi mà vi phạm trong quyền hạn đến đâu thì trị đến đấy.
Kẻ không xứng đáng thì khi nhìn thấy công cụ pháp luật cứng rắn như thế thì sẽ không dám làm sai. Phải xử lý như thế mới được.
Tôi cho rằng, yếu tố thứ hai phải đánh giá công tác cán bộ theo tiêu chí, tiêu chuẩn.
- Liệu có phải là tín hiệu tích cực khi Bộ Nội vụ đã ban hành hướng dẫn triển khai thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở và phòng, thưa ông?
Vừa qua, Bộ Nội vụ đưa ra đề án thi tuyển cấp Vụ, cấp phòng là đúng. Nhưng theo tôi, nên thi tuyển cán bộ từ Thứ trưởng trở xuống.
Vì đấy là bộ máy hành chính. Đó là những người chấp hành pháp luật và điều hành bằng pháp luật. Đó là những người thừa hành công vụ thì phải thi tuyển, bất kể vị trí nào từ nhân viên đến cấp Thứ trưởng.
Còn từ cấp Bộ trưởng trở lên và những chức vụ do bầu cử thì đó là chính trị gia thì phải sát hạch qua chương trình hành động, qua cương lĩnh. Những chính trị gia này phải có chương trình hành động để tập thể thấy rằng anh có tầm lãnh đạo để bầu cho anh.
- Liệu có cần Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thanh tra làm rõ không, thưa ông?
Cái này liên quan đến phân cấp quản lý cán bộ. Không phải cái gì xảy ra ở tỉnh nhưng cơ quan trung ương cũng phải về làm việc.
Tuy nhiên, rõ ràng thực tiễn đặt ra có những vụ có những yếu tố phức tạp thì phải có cơ chế đặc biệt.
Cơ chế đặc biệt ấy phải cho phép các cơ quan cấp trên bất cứ lúc nào cũng có thể kiểm tra, trực tiếp điều tra, thanh tra làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm. Thậm chí phải có cơ chế kiểm tra chéo, có sự giám sát của nhân dân, luật sư báo chí thì mới minh bạch.
Càng nhiều đối tượng thanh tra kiểm tra thì thông tin càng minh bạch. Trừ những vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia thì mới cần chỉ có những cơ quan điều tra được phân công tham gia.
Tác giả: Minh Đức
Nguồn tin: Báo VTC News