Tin trong nước

Luật sư “Vì Dân” Trần Đình Triển “tẩn” đồng nghiệp giữa công đường

Luật sư (LS) Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân nổi tiếng trong giới luật sư không phải vì bào chữa thành công cho thân chủ của mình, mà vì LS này luôn dính líu tới chuyện ồn ào bên lề các vụ án, cũng như những hành vi cá nhân không chuẩn mực.


Luật sư Trần Đình Triển.

Vụ việc LS Trần Đình Triển bị chính thân chủ của mình đứng ra tố cáo là “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “trốn thuế” vào giữa năm 2014 vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Mới đây, LS Nguyễn Trọng Hoàng – thành viên của Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người đã từng có thời gian làm việc với LS Triển đã lên tiếng, đưa ra nhiều đánh giá bất ngờ về tư cách, đạo đức nghề nghiệp của vị luật sư này.

Theo LS Nguyễn Trọng Hoàng, LS Trần Đình Triển là một người có tư cách đạo đức kém, ăn nói thô tục, có những hành vi xử sự không đúng mực mà một luật sư cần có.

LS Hoàng nhận xét: “Đứng dưới góc độ pháp lý, đạo đức hành nghề của LS, tôi nhận thấy rằng LS Triển là người chưa được đào tạo về quy tắc ứng xử của một LS. Vị này ăn nói lỗ mãng, mất đi tư cách của một người LS cần phải có. Bản thân ông Triển là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, đáng ra ông cần phải có phong thái của một người lãnh đạo, chứ không phải những cách hành xử kiểu chợ búa hay những chiêu trò bẩn thường thấy”.

LS Nguyễn Trọng Hoàng cho hay, ông đã từng tranh tụng cùng LS Trần Đình Triển tại tòa án ở thế đối đầu, một bên bào chữa cho bị đơn, một bên bào vệ nguyên đơn. Thế nhưng, sau khi kết thúc một phiên tòa tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, LS Trần Đình Triển đã có những hành vi côn đồ, hung hãn, khi định lao vào, quyết ăn thua đủ với LS Hoàng như thể là những kẻ du côn đầu đường xó chợ.

“Ngày 25, 26, 29 tháng 11 năm 2013, tôi được Tổng Giám đốc một Công ty trên địa bàn huyện Từ Liêm (cũ) phân công nhiệm vụ đại diện cho Công ty trong vụ tranh chấp thương mại do Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử công khai. Tại phiên tòa, Luật sư Trần Đình Triển có những lời nói khiêu khích, thóa mạ, đe dọa đánh tôi và vu khống Công ty mà người đại diện là tôi” – LS Hoàng phản ánh.

Ngay sau khi Tòa tuyên án ngày 29/11/2013, tại phòng xét xử, LS Hoàng có đi tới chỗ LS Triển để trao đổi lại một số việc chưa hài lòng trong vụ án một cách rất lịch sự, bình thường. LS Hoàng cho rằng những lời nói của LS Triển tại Tòa án cũng như với các cơ quan Nhà nước khác phải có căn cứ và dựa trên quy định của pháp luật, không được vu khống, thóa mạ người khác khi mà cơ quan chức năng chưa có kết luận đúng sai.

Thế nhưng thay vì trả lời một cách bình thường, có văn hóa, thì LS Triển bộc lộ bản chất khi buông những lời nói xúc phạm và đe dọa đánh LS Hoàng ngay giữa Tòa án. Và phải nhờ tới sự can ngăn kịp thời của thư ký phiên tòa (bà Nguyễn Thị Thanh Huyền) thì LS Triển mới thôi không gây chuyện.

Không những vậy, LS Hoàng còn phản ánh rằng mỗi khi nhận bào chữa cho một khách hàng nào đó, LS Triển luôn có những chiêu trò, bới móc các vấn đề ngoài vụ việc đang giải quyết. Như gửi đơn thư tới nhiều địa chỉ khác nhau, vu khống, nhằm đưa các cơ quan Nhà nước vào cuộc để gây sức ép lên cơ quan tố tụng.

Báo chí cũng là một công cụ để LS Triển lợi dụng nhằm gây áp lực lên Tòa án. LS Hoàng cho hay, đã có rất nhiều vụ án LS Triển đã sử dụng những bài báo phản ánh không trung thực, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng đối thủ.

LS Hoàng nói: “Trong vụ tranh chấp thương mại giữa thân chủ của tôi và thân chủ của LS Triển vào tháng 11/2013, khi Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đang thụ lý, giải quyết, LS Triển ký công văn gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với những nội dung mang tính vu khống người có quyền lợi đối lập với khách hàng của Luật sư Triển”.

Nếu những việc làm trên của LS Trần Đình Triển là đúng sự thật, thì vị luật sư này đã vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc) quy định:

Quy tắc 15. Bảo vệ danh dự, uy tín của giới luật sư

Luật sư có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của giới luật sư như bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân mình; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng đội ngũ luật sư trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tôn trọng và tin cậy của xã hội.

Quy tắc 16. Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp

16.1. Luật sư phải có thái độ thân ái và tôn trọng đồng nghiệp. Việc phê bình đồng nghiệp được thực hiện một cách thận trọng, khách quan, đúng nơi, đúng lúc với tinh thần xây dựng.

Quy tắc 20. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp

20.1. Xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; thực hiện hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ thuật trái pháp luật và Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư để gây bất lợi đối với đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình trong hành nghề.

Tú Cẩm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP