Cái nắng miền Trung như thiêu đốt da thịt. Nó làm con chim, con sóc ở núi Kà Đay cũng phải đi tìm nơi ẩn náu. Nhưng trong căn nhà bé xíu, giữa bao la rừng núi, người đàn bà dân tộc Chứt vẫn bế đứa con nhỏ ầu ơ ru hời. Tiếng ru cất lên khe khẽ rồi mất hút giữa núi rừng âm u. Chỉ có thằng bé chưa tròn một năm tuổi vẫn ngằn ngặt khóc. Tiếng khóc đứt từng khúc, từng khúc một…Tiếng khóc của đứa bé khiến bước chân của chị Th, cán bộ dân số xã Hương Liên, huyện Hương Khê bước nhanh hơn về ngôi nhà nhỏ cạnh đường đi. Vừa đến cổng, chị vội cất tiếng hỏi: Tại sao cháu nó khóc nhiều thế chị Bình ơi? Người mẹ trẻ đưa mắt nhìn thoáng qua chúng tôi rồi trả lời: Nó khóc lắm rồi nó cũng nín thôi mà…
Thấy vậy, chị Th ghé tai tôi nói nhỏ: Đây là nhà chị Hồ Thị Bình, 19 tuổi. Đứa bé là con chị ấy, năm nay đã gần 2 tuổi nhưng chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ lên 1 tuổi. Nó là kết quả của tình yêu giữa Bình và Hồ Viết Bốn. Điều đáng nói, trong quan hệ gia đình, Hồ Thị Bình là con em và Hồ Viết Bốn là cháu anh. Bình lập gia đình năm tròn 17 tuổi. Hỏi chuyện hôn nhân, Bình đáp: “Không lấy nó thì lấy ai. Cái duyên cái số, yêu nhau thì lấy nhau thôi”.Câu chuyện hôn nhân cận huyết của người Chứt xuất hiện từ lúc nào thì không ai biết rõ. Chỉ biết, đã có hàng chục đứa trẻ ra đời từ những cuộc hôn nhân như thế. Trong đó, không ít đứa trẻ sinh đã bị thiểu năng trí tuệ, bại liệt bẩm sinh. Người Chứt hiểu rõ hệ lụy của hôn nhân cận huyết. Nhưng làm sao bước ra khỏi hủ tục này thì câu trả lời là một ẩn số. Không giấu nổi băn khoăn, ông Đậu Xuân Lệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Liên, người được giao nhiệm vụ “cắm” bản Rào Tre gần 10 năm nay, đọc vanh vách tên tuổi của 32 hộ dân với 128 nhân khẩu ở cái bản Rào Tre bé nhỏ này. “Dân Chứt còn nghèo, nhận thức còn thấp lắm. Số tiền mà Nhà nước đầu tư vào bản Rào Tre không ít, nhưng đời sống người Chứt thì chẳng thay đổi được bao nhiêu. Đáng buồn hơn, tục lệ hôn nhân cận huyết vẫn không thể xóa bỏ được. Người Chứt chỉ lấy người Chứt. Thanh niên trong bản lớn lên, quẩn quanh rồi lấy nhau. Hôn nhân huyết thống, cận huyết thống là chủ yếu. Những điển hình như trường hợp Hồ Viết Lương lập gia đình với Hồ Thị Loong có mối quan hệ huyết thống rất gần là con chị và con em, nay lấy nhau đã có 4 mặt con; Hồ Viết Bốn lấy Hồ Thị Bình; Hồ Viết Hà lập gia đình với Hồ Thị Sâm cũng có quan hệ huyết thống gần gũi… và nhiều đôi vợ chồng khác là anh em nội tộc”.So với gia cảnh chị Hồ Thị Bình, thì cặp vợ chồng Hồ Cương, Hồ Thị Thành rất đáng thương. Cương và Thành có con 5 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Cả hai cùng chung máu mủ ruột rà, cùng sinh ra và lớn lên ở bản Rào Tre. Đứa con của vợ chồng này đau ốm triền miên, hai vợ chồng chạy xuôi chạy ngược lo thuốc thang nhưng đến nay cháu bé ngày càng ốm yếu. Mới tháng trước, vợ chồng bồng bế con xuống BV Hà Tĩnh chữa trị. Biết hoàn cảnh, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ hơn 17 triệu đồng. Khi được chúng tôi hỏi: “Có biết như thế là vi phạm pháp luật, làm sai không?”. Thì Hồ Cương trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Đây là truyền thống từ lâu rồi. Nếu như sang Quảng Bình (dân tộc Chứt sống ở 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình) thì trai làng bên đó đuổi không cho sang. “Trai làng ta quyết giữ gái làng ta mà”! Còn người Kinh trong vùng thì ai chịu lấy chúng tôi chứ, thành ra chuyện hôn nhân cứ quanh quẩn trong bản thôi”.Ở nơi đây, chuyện anh em trong họ lấy nhau đã là chuyện như cơm bữa nhưng còn chuyện tảo hôn, một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ cũng không phải là hiếm. Theo ông Hồ Kính, Trưởng bản Rào Tre cho biết, người dân tộc Chứt ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đi lại với nhau nhưng chỉ có những người nữ mới được phép sang bản kia. Bởi vậy việc phụ nữ trong bản sang Quảng Bình chơi rồi bị “bắt” làm vợ là chuyện thường xảy ra. Như gia đình Hồ Sỹ lấy Hồ Thị Tình, Tình sang Quảng Bình rồi ở bên đó làm vợ người ta, Hồ Sỹ ở nhà một mình lại đi lấy Hồ Thị Hường-vợ của Hồ Văn Bòng…Con đường hôn nhân ngoại tộc của người Chứt vẫn mịt mờ. Bản Rào Tre đang đối mặt với vấn nạn tuyệt giống nòi. Đặc biệt khi mà gần đây lại gia tăng tình trạng chênh lệch giới tính (18 nam/6 nữ). Để giải quyết dứt điểm vấn nạn nhức nhối này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương, các cấp các ngành giúp người Chứt xóa bỏ hủ tục lạc hậu này.
Hải Nguyễn
PLXH