Anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan, là người con của Hà Tĩnh, sinh ra tại làng Mai Lâm, xã Mai Phú, huyện Lộc Hà vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7, là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại nhà Đường (Trung Quốc) và xưng Đế. Truyền thuyết kể lại rằng, trong một chuyến đi cùng phu khuân vải cống nộp cho nhà Đường, Mai Thúc Loan đã kêu gọi phu khuân vải khởi nghĩa.
Chung quanh vị vua này, có rất nhiều truyền thuyết, huyền sử. Dân gian truyền lại rằng, vì có nước da đen nên ông thường được gọi là Vua Đen, sau này lấy tên là Mai Hắc Đế. Thân thế, gia đình, năm sinh của ông cho đến nay vẫn bao phủ làn sương mờ của truyền thuyết. Sử sách, tư liệu về ông rất ít. Trong Việt giám thông khảo tổng luận viết năm Giáp Tuất (1514), nhà sử học Lê Tung viết: “Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt”. Còn Ngô Thì Sĩ trong cuốn Việt sử tiêu án viết: “Người châu Hoan là Mai Thúc Loan giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài giao kết với nước Lâm Ấp và Chân Lạp, có đến 30 vạn quân. Nhà Đường sai tướng quân là Dương Tư Húc đánh bình được. Thúc Loan người làng Hương Lãm, huyện Nam Đường… Đương thời nội thuộc, Mai Hắc Đế không chịu bọn ngược lại kiềm thức, cũng là người xuất chúng trong đám thổ hào”. Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn viết về Mai Thúc Loan như sau: “Năm Nhâm Tuất [722] (Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên thứ 10). Tháng 7, mùa thu, ở Hoan Châu, Mai Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế”.
Hội đồng nghệ thuật bao gồm các họa sĩ Trần Khánh Chương (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), họa sĩ Lưu Quang Tuấn, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, họa sĩ, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, kiến trúc sư Trần Quang Cường, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn…
Tượng đài Mai Hắc Đế dự kiến được đặt tại khu du lịch biển Cửa Sót, dưới chân núi Bằng Sơn. Toàn bộ khu du lịch có diện tích khoảng 250 ha. Công trình đã được khởi công, và dự kiến sẽ phải hoàn thành trong năm 2016. Kinh phí dự kiến khoảng 107 tỷ đồng, do tập đoàn Vingroup tài trợ hoàn toàn.
Mẫu tượng số 1 của nhóm tác giả Nguyễn Kim Xuân.
Ông Đặng Quốc Vinh, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã có chủ trương và kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ tham gia sáng tác, và đã có rất nhiều mẫu phác thảo được gửi tới. Có sáu phương án lựa chọn từ các mẫu này, được giới thiệu tại buổi họp, gồm nhóm bốn tượng của nhóm tác giả Nguyễn Kim Xuân, và hai tượng của nhóm tác giả Mai Khắc Kế (vốn là hậu duệ của vua Mai).
Mẫu tượng số 4 của nhóm tác giả Nguyễn Kim Xuân.
Bốn tượng của nhóm tác giả Nguyễn Kim Xuân thiên về tả thực vua Mai, trong hình dung ông là một vị quan võ, tay nắm đốc kiếm, tay giơ cao lên hiệu triệu dân chúng hoặc cầm biểu, dáng vóc khỏe khoắn, thân hình đậm đà, đường nét mạnh mẽ vạm vỡ tới tư thế hướng ra phía biển. Cụ thể hơn, vua Mai được mô tả với nước da đen đặc trưng, nét mặt, mũi thể hiện “nét võ” khá rõ rệt.
Hai tượng của nhóm tác giả Mai Khắc Kế “ôn hòa” hơn, với hình dáng một vị vua ung dung tự tại, tuy nhiên đường nét lại thiên về một vị quan văn hơn cả về trang phục, đường nét, vẻ mặt và dáng vóc…
Mẫu tượng số 5 của nhóm tác giả Mai Khắc Kế.
Ông Trần Khánh Chương, một trong những họa sĩ tham gia hội đồng nghệ thuật đánh giá: “Cả sáu phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng, và cả sáu tượng này đều chưa đạt được mức hoàn thiện để có thể lựa chọn riêng một phương án. Tượng thì có bệ tượng hòa nhập tốt với thân tượng, nhưng dáng vóc lại chưa phù hợp. Tượng có tư thế lạ, độc đáo thì thể hiện lại chưa tới. Các tác giả cũng phải lưu ý đến trang phục, khăn quấn, và đặc biệt là bảo kiếm, vì những chi tiết này tuy nhỏ nhưng thể hiện hình ảnh một vị vua”. Ông Trần Khánh Chương nhận xét, phần lớn các tượng đều mới thể hiện vua Mai Hắc Đế là một vị quan võ hơn là một vị vua.
Chung ý kiến với họa sĩ Trần Khánh Chương, họa sĩ Lưu Danh Thanh cho rằng, những bức tượng này phần lớn mới thể hiện là một vị võ tướng và có một thời gian làm vua chứ chưa có sự hoàn thiện, định hình của một triều đại.
Hội đồng nghệ thuật gồm nhiều chuyên gia tên tuổi.
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Trịnh Quang Vũ đưa ra những ý kiến rất sát sao chung quanh thể hiện ngoại hình của vua Mai. Theo ông, người Việt là dân tộc quấn khăn chứ không phải là đội mũ, và thời gian Mai Thúc Loan tồn tại thì văn hóa Việt chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc nên các chi tiết trang phục, khăn, tóc, kiếm càng phải nghiên cứu, lựa chọn những chi tiết thuần Việt.
Các nhà điêu khắc, họa sĩ như Lưu Quang Tuấn, Nguyễn Phú Cường… đều có ý kiến cho rằng nên đặt tượng vua Mai Hắc Đế như một hình tượng nghệ thuật, phải đẹp, toát lên vẻ uy nghi và tài thao lược của một ông vua. Ngoài ra, bố cục chặt chẽ, động tác đẹp, hợp lý và tạo sự khác biệt so với nhiều tượng đài khác hiện nay cũng là những yêu cầu mà các thành viên trong hội đồng nghệ thuật đưa ra.
Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn hai phương án đại diện cho hai nhóm tác giả, với những yêu cầu chỉnh sửa cụ thể đối với mỗi phương án, gồm các mẫu tượng số 1 và 4 của nhóm Nguyễn Kim Xuân, và mẫu 5 của Mai Khắc Kế. Ngày 24-6 tới, tại buổi khởi công khu du lịch biển Cửa Sót, một lần nữa các phương án sau khi được chỉnh sửa và tăng kích thước (1,2m) sẽ được đưa ra thảo luận và lựa chọn mẫu cuối cùng cho tượng đài.
ĐỖ QUYÊN