Phóng sự - Ký sự

“Loạn” thực phẩm chức năng (Bài cuối): Gian nan câu chuyện quản lý

Thấy đứa con hơn 2 tuổi bị xỉn màu răng, chị Trần Thị Hiền (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) lo lắng đưa con đi khám.

Một nhà thuốc chỉ cần có chứng nhận là nhà thuốc GPP (thực hành tốt nhà thuốc) thì cơ sở ấy có đủ pháp lý để kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN). Trong khi đó, theo luật của ATVSTP, thực phẩm có bao gói sẵn thì không cần bảo quản đặc biệt, hay nói cách khác là không cần giấy đủ điều kiện ATVSTP. Bởi thế, khi bạn cần mua sản phẩm TPCN, điều đó cũng dễ như mua rau ngoài chợ…Bác sĩ “bắt tay” với… TPCN?

Chọn địa chỉ theo chị là “có tiếng” nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, bác sĩ S. (chủ phòng khám) kết luận cháu bị thiếu canxi. Dù không kê đơn bằng giấy trắng mực đen nhưng bác sĩ này “ngầm” tư vấn cho chị Hiền sử dụng TPCN bổ sung canxi trẻ em Thiên Sư của Công ty TNHH Thiên Sư. Mỗi hộp 10 gói dạng bột (pha vào nước cho trẻ) có giá 508.000 đồng, mỗi tháng trẻ phải uống hết 3 hộp canxi này, dùng đều trong vòng 3 tháng.

Chị Trần Thị Hiền cho biết: “Tôi nghe bác sĩ nói thực phẩm canxi dành cho trẻ em của Thiên Sư hiện đang đứng đầu về hàm lượng và tinh chế từ canxi hữu cơ nên giúp cho canxi có thể hấp thụ đến 98%. Có bệnh phải vái tứ phương, tôi mua đủ 3 hộp cho con dùng trong tháng đầu tiên”.

Người bệnh gánh chịu hậu quả!
Không có đơn vẫn dễ dàng mua được thuốc

Giữa “hằng hà sa số” sản phẩm bổ sung có mặt trên thị trường, việc một bác sĩ tin tưởng và tư vấn cho bệnh nhân trong số các sản phẩm đó cũng là chuyện bình thường. Nếu câu chuyện chỉ có thế thì chẳng nói làm gì, trong một lần tham gia chương trình giới thiệu về các sản phẩm của Công ty TNHH Thiên Sư, vô tình tôi “gặp” bà bác sĩ này với cương vị là người bán hàng xuất sắc. Tất nhiên, bà cũng không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm, sự hiểu biết để tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm của công ty lại với tư cách của một… bác sĩ. Có hay không chuyện bác sĩ lợi dụng uy tín nghề nghiệp để trục lợi cho một nhóm lợi ích và việc tư vấn sử dụng loại TPCN cho con của bạn tôi có phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Lần khác, từ đơn thuốc mà bác sĩ chuyên khoa nhi A., chúng tôi hỏi mua loại thực phẩm sữa bổ sung Kinne Kids tại một quầy bán thuốc. Điều ngạc nhiên là vừa nói tên sản phẩm, chị dược sĩ đã biết ngay bác sĩ nào và lấy hàng mà không cần nhìn đơn. Thấy tôi ngần ngại, chị khoát tay và trấn an rằng: nếu là đơn của bác sĩ A. kê thì yên tâm, chỉ có loại này thôi.

Tâm lý của người bệnh là luôn tìm đến bác sĩ giỏi để được khám và tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, TPCN nào tốt cho sự hỗ trợ điều trị bệnh của mình. Thậm chí, để nhanh chóng khỏi bệnh hoặc để có sức khỏe tốt hơn, vẻ đẹp hình thức viên mãn hơn, nhiều người không tiếc tiền tìm bằng được loại sản phẩm có công dụng tốt nhất. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào cái sự “đáng chữ tiền” ấy cũng đi kèm với chất lượng!

Bất cập trong quy định quản lý

TPCN thường ở dưới 2 dạng, thực phẩm tự nhiên và thực phẩm có bổ sung, biến đổi. Lý thuyết là vậy, song để phân định được đâu là thuốc, đâu là TPCN thì vẫn… “lộn tùng phèo”! Ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “TPCN được chiết xuất từ thiên nhiên. Hai sản phẩm có cùng một công thức nhưng nếu nhà sản xuất đăng ký nó là TPCN thì sẽ là TPCN, còn không thì vẫn là thuốc và ngược lại. Bởi thế, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn, dẫn đến sử dụng sai mục đích. Các công ty sản xuất TPCN đăng ký quảng cáo, bán ra thị trường ở Chi cục ATVSTP, tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể kiểm tra trên giấy tờ (giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, đảm bảo VSATTP, điều kiện quảng cáo), còn lấy mẫu thì rất hạn chế”.

Trong khi đó, theo các quy định hiện hành thì TPCN không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là, loại hàng này không cần đăng ký và kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ cần niêm yết và bán với giá niêm yết. Thế mới sinh ra chuyện TPCN có mặt hầu khắp các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh, chỉ có điều mỗi nơi mỗi giá. Ông Trần Hữu Hạnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: “Cơ quan Quản lý thị trường chỉ kiểm tra cơ sở đó có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết hay không; hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hay không, còn giá thấp hay cao thì ngoài chức năng của chúng tôi. Bên cạnh đó, các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu kinh doanh theo hình thức nhà thuốc – gia đình (kinh doanh ngay trong nhà – PV) nên cơ quan chức năng rất khó để thu thập bằng chứng xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng vì số hàng này được “cố thủ” nơi bí mật chứ không bày mẫu ở quầy hàng”.

Có điều, cả 2 cơ quan quản lý trực tiếp này đều phải thừa nhận đó là sự bành trướng của hình thức bán hàng đa cấp là một trong những tác nhân gây nhiễu loạn thị trường hiện nay. Với mô hình kinh doanh hình tháp, nhóm lợi ích này chỉ chú trọng đến phát triển mạng lưới dưới hình thức bán dạo, trao tay là chính. Không thể kiểm soát thị trường cho nên lợi ích khách hàng chỉ có thể “bắc thang mà hỏi ông trời”!

Các nhà quản lý có thể dễ dàng khuyên người tiêu dùng hãy “thông minh hơn” khi bỏ tiền mua TPCN, giống như các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, có những mặt hàng mà việc dùng đầu óc bình thường không thể xem xét chất lượng, có cần thiết sử dụng hay không, nguồn gốc xuất xứ, tác dụng phụ của nó, nhất là ở thời điểm thị trường bành trướng mạnh mẽ và cuộc cạnh tranh bán hàng rất khốc liệt như hiện nay. Vậy nên, TPCN là một ân huệ cho sức khỏe hay trở thành một trò “lang băm” lừa gạt vẫn là một dấu hỏi lớn khi vấn đề quản lý còn nhiều lỗ hổng!

Nhóm P.V Kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP