Grab đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" nếu dự thảo Nghị định 86 được Chính phủ thông qua (ảnh: Internet) |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đáng chú ý, trong nội dung quản lý xe sử dụng hợp đồng điện tử, tiêu biểu là Grab, Bộ GTVT đề xuất không còn khái niệm xe taxi điện tử.
Nếu dự thảo Nghị định 86 được thông qua, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn phù hiệu “xe TAXI”; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe. Đặc biệt, phải gắn hộp đèn trên nóc như taxi truyền thống. Các xe Grab cũng phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi.
Lo ngại trước việc có thể bị “xóa sổ” tại Việt Nam, ông Lim Yen Hock - Giám đốc Công ty TNHH Grab - vừa gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Giám đốc Grab bày tỏ, với vai trò là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần đưa ngành vận tải Việt Nam hòa nhập, bắt kịp với làn sóng công nghiệp 4.0, Grab cảm thấy hết sức bất ngờ và quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ GTVT vừa trình Chính phủ.
Theo ông Lim Yen Hock, Grab đã có cơ hội cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng và cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Số thuế đóng góp của Grab tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Grab đã đóng góp 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018.
Giám đốc Grab cho biết, rất nhiều doanh nghiệp taxi đã thức thời và hợp tác rất tốt với Grab cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác trên thị trường. Vào một vài thời điểm, doanh thu của các lái xe, đơn vị taxi kết nối ứng dụng Grab tăng đến 300% so với thời điểm chưa sử dụng ứng dụng kết nối. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh.
Với Dự thảo Nghị định 86 đang trình Chính phủ, ông Lim Yen Hock nêu quan điểm: Nếu chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi, là cái cúi đầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành vận tải. Ông này cũng cho rằng nếu dự thảo này được thông qua sẽ là dấu hiệu tiêu cực về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam.
Ông Lim Yen Hock mong muốn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu, để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí