Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: Getty) |
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ đã phê chuẩn các hợp đồng vũ khí với Đài Loan với “tốc độ” nhanh hơn hẳn so với các chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush. Ngoài ra, Đài Loan cũng công khai các động thái quân sự của Mỹ ở gần eo biển Đài Loan, trong khi các thông tin như vậy thường không được tiết lộ dưới thời các chính quyền Mỹ trước đây.
Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền hồi năm 2016, cả chính phủ và Quốc hội Mỹ đều chuyển từ chính sách không “chọc giận” Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan sang một chính sách mới được cho là “thách thức” Bắc Kinh và tập trung nhiều hơn vào quan hệ quân sự với Đài Bắc. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng chính quyền nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cần tính toán tầm quan trọng cũng như tác động của chính sách mới trong mối quan hệ rất nhạy cảm giữa Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Hồi đầu tháng, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề An ninh châu Á - Thái Bình Dương Randfall Schriver xác nhận Washington đang chuyển hướng sang một mối quan hệ bình thường hơn với Đài Loan liên quan tới các thương vụ mua bán thiết bị quân sự. Hồi tháng 9, chính quyền Trump đã thông qua hợp đồng 330 triệu USD cung cấp linh kiện và hỗ trợ hậu cần cho máy bay quân sự của Đài Loan. Chưa đầy một năm trước đó, Lầu Năm Góc cũng đồng ý bán các tên lửa, ngư lôi và hệ thống cảnh báo sớm cho Đài Loan với giá trị hợp đồng lên tới 1,4 tỷ USD.
Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đài Loan có trụ sở tại Chicago, đơn vị tổ chức Hội nghị Công nghiệp Quốc phòng Mỹ - Đài Loan thường niên kể từ năm 2002, việc thông qua hợp đồng quân sự với Đài Loan được khuyến khích vì “dường như thoát ra khỏi phạm vi bó hẹp của các hợp đồng vũ khí trước đây”. Hội đồng này thậm chí kêu gọi chính quyền Mỹ nhanh chóng đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào từ phía Đài Loan về các hợp đồng vũ khí mới mà không cần xem xét tới phản ứng có thể xảy ra của Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, Trung Quốc đại lục vẫn luôn là lý do chính khiến Mỹ phải lựa chọn cách tiếp cận cẩn trọng nếu muốn thông qua bất kỳ hợp đồng vũ khí nào hoặc thực hiện bất kỳ trao đổi cấp cao nào với Đài Loan. Đây là thông lệ của Mỹ kể từ khi nước này hủy bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chuyển sang công nhận Trung Quốc vào năm 1979, đồng thời cam kết tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc.
Các quan chức Đài Loan và giới phân tích nhận định hợp đồng quân sự mới nhất cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng đáp ứng nhanh hơn các yêu cầu mua vũ khí từ phía Đài Loan nhằm giúp hòn đảo này tăng cường năng lực phòng vệ trong bối cảnh phải đối mặt với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc đại lục.
“Chúng tôi đặc biệt trân trọng việc Mỹ sẵn sàng xem xét các đề xuất mua vũ khí của chúng tôi theo từng vụ việc cụ thể, thay vì cách tiếp cận chung tổng hợp như trước đây”, phó lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Shen Yi-ming phát biểu hồi đầu tháng.
Hợp tác công khai
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn thị sát tập trận quân sự tại Đài Loan. (Ảnh: AFP) |
Bắc Kinh đã dừng các cuộc trao đổi với Đài Bắc và tiến hành một loạt các cuộc diễn tập quân sự xung quanh Đài Loan để “nắn gân” hòn đảo này kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, người không chấp nhận nguyên tắc Một Trung Quốc, lên nắm quyền từ năm 2016. Bắc Kinh cũng tìm cách cô lập Đài Loan trên trường quốc tế khi gây sức ép với 5 đồng minh ngoại giao của Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn nhận nhiệm sở.
“Điều này dẫn đến việc chính quyền Thái Anh Văn phải tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn từ Washington. Trong bối cảnh ông Trump xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược hơn là đối tác, việc phát triển mối quan hệ gần gũi hơn và giúp nâng cao năng lực phòng vệ của Đài Loan đã trở thành một phần trong chiến lược an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ khi đối phó với Bắc Kinh”, Wang Kung-yi, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Bắc, nhận định.
Theo Giáo sư Wang, sau khi Tổng thống Trump ký thông qua Đạo luật Đi lại Đài Loan hồi tháng 3 nhằm cho phép các quan chức cấp cao hai bên thăm viếng lẫn nhau, quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan thậm chí còn được thắt chặt hơn.
Hồi tháng 5, hàng trăm doanh nhân trong ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ và các cựu quan chức quân sự Mỹ đã tới Đài Loan để dự diễn đàn công nghiệp quốc phòng đầu tiên do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đài Loan và Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Phòng vệ Đài Loan đồng tổ chức tại thành phố Cao Hùng phía nam Đài Loan. Sự kiện này diễn ra một tháng sau khi Tổng thống Trump đồng ý ban hành giấy phép, cho phép các nhà sản xuất Mỹ bán cho Đài Loan công nghệ mà hòn đảo này cần để đóng 8 tàu ngầm.
Kể từ tháng 7, ít nhất 4 tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan trong các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải, bất chấp nguy cơ leo thang căng thẳng với Trung Quốc đại lục. Động thái này của Washington được cho là nhằm thách thức tham vọng mở rộng ảnh hưởng quân sự của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong hai lần vào các ngày 7/7 và 22/10, khi các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đang di chuyển qua eo biển Đài Loan, lực lượng quân sự của Đài Bắc đã phát đi thông báo về vụ việc. Theo giới phân tích, Đài Loan trước đây thường không công bố thông tin về các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực nhằm tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi dưới thời Tổng thống Trump khi Mỹ công khai thách thức Trung Quốc trong một loạt vấn đề từ thương mại cho tới an ninh.
Ian Easton, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Đề án 2049 có trụ sở ở Mỹ, nhận định sự di chuyển của tàu Mỹ là “động thái khôn ngoan” nhằm công khai gửi thông điệp tới Trung Quốc đại lục rằng, eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế và Mỹ - Đài Loan có thể hợp tác với nhau mà không cần che giấu các hoạt động. Truyền thông gần đây cũng đưa tin Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ đang lên kế hoạch tập trận tại eo biển Đài Loan và lực lượng quân sự Đài Loan sẽ được mời tham gia sự kiện này.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí