Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn đại diện Việt nam tại Liên Hợp Quốc - cho biết thông tin trên và nhấn mạnh việc Việt Nam đang chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác.
Nữ sĩ quan tham gia giữ gìn hoà bình
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, năm 2013, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam được thành lập trên cơ sở Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, nhằm phục vụ việc ta tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình ở góc độ sâu và quy mô hơn, đồng thời phù hợp với thông lệ của các quốc gia có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình.
Từ năm 2013, Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình đã đề xuất và cử 27 lượt sĩ quan làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở châu Phi.
Việt Nam đã đẩy mạnh việc cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và bắt đầu cử lực lượng tham gia từ tháng 6/2014. Đầu năm 2018, nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử tham gia phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.
Các nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hơp Quốc (ảnh: QĐND) |
Việt Nam đang hoàn tất thủ tục với Liên Hợp Quốc để triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 với quy mô khoảng 70 người (trong đó 10 cán bộ nữ) đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan trong năm 2018, đồng thời xúc tiến công tác chuẩn bị để triển khai Đội Công binh, dự kiến hoạt động vào năm 2019.
“Bắt đầu từ cuối năm 2018, Việt Nam được Liên Hợp Quốc lựa chọn làm địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.” - Đại sứ Đặng Đình Quý cho hay.
Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.
Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế
Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt khác.
Trên cương vị Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hoà bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột, thúc đẩy quyền con người và xây dựng hoà bình hậu xung đột, cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an...
Sau khi hết nhiệm kỳ, Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Việt Nam đã tham gia phát biểu tại nhiều buổi thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với tư cách quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tại nhiều đề mục như: các tổ chức khu vực và những thách thức hiện nay đối với an ninh toàn cầu, tôn trọng các nguyên tắc và tôn chỉ của Hiến chương LHQ, tình hình Trung Đông và vấn đề Israel-Palestine, phụ nữ, trẻ em và xung đột vũ trang...
Với tư cách điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thay mặt các nước ASEAN phát biểu tại nhiều phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về các vấn đề ASEAN quan tâm. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào tiến trình thương lượng liên chính phủ của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an.
Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc |
Ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã tiếp tục ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Ngày 25/5/2018 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương tại Liên Hợp Quốc, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019.
“Việc Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên Hợp Quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.” - Đại sứ Đặng Đình Quý thông tin.
Ngày 5/7/2018, Việt Nam và Liên Hợp Quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên Hợp Quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí