Kỳ Anh

Kỳ Anh: Lấy đất của dân chia cho mình và người thân?

Năm 2005, Công ty Rau Hà Tĩnh quản lý đất rừng của 8 xã vùng giữa huyện Kỳ Anh, đã ký hợp đồng với dân trồng rừng, thời hạn 40 năm. Khu công nghiệp Vũng Áng ra đời, công ty này giải thể. Năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi gần 3.000ha giao về cho UBND các xã quản lý. Nhiều địa phương hiểu luật làm tốt. Chỉ có Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng tự ý lấy đất của hai chủ rừng người ngoài xã chia cho chính mình và người thân.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng, Hà Tĩnh tự ý lấy đất của hai chủ rừng người ngoài xã chia cho chính mình và người thân.
Đất ông Túy bị xã đào hào phân chia.
Đất ông Túy bị xã đào hào phân chia.

Các “Hợp đồng Kinh tế” mang tên Phan Hồng Cảnh ở xã Kỳ Tân và tên ông Nguyễn Văn Túy ở xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh đều chung nội dung: “Nhận khoán đất – Trồng – Chăm sóc – Bảo vệ rừng” ký kết với Công ty Rau quả Hà Tĩnh với đầy đủ tính pháp lý. Khi Khu Công nghiệp Vũng Áng hình thành, Công ty Rau quả giải thể.

Ngày 18/6/2010, UND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 1777/QĐ-UBND thu hồi 2.648 ha đất giao về cho các xã quản lý. Xã Kỳ Hưng được giao 380ha, trong đó có hai hộ gia đình là dân ngoài xã Kỳ Hưng. Thời điểm 2010 cây trên đất chưa đủ tuổi thu hoạch, ông Túy và ông Cảnh vẫn chăm sóc, bảo vệ để thu hoạch.

Công  văn số 1140 ngày 14/4/2014 của Liên Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Tài nguyên Môi trường – Tài chính… Hướng dẫn “Thực hiện giao đất, cho thuê đất…”. Trong  đó có quy định về việc “Giải quyết các đối tượng đã sử dụng đất rừng…” ghi rõ: “Đối với phần diện tích các gia đình, cá nhân đang nhận khoán đúng quy định, sử dụng có hiệu quả… nếu đủ điều kiện được giao đất thì giao cho các hộ đó theo ranh giới diện tích hộ đang sử dụng nhưng không vượt quá giới hạn 30ha… Nếu không đủ điều kiện giao thì xem xét cho các hộ ấy chuyển sang thuê đất, thuê rừng theo diện tích và hiện trạng đang sử dụng…”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Túy và Phan Hồng Cảnh đều đang làm tốt những điều mà Nhà nước quy định. Vậy mà, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng lấy cớ hai gia đình này đều không phải là công dân xã mình, chẳng cần thông báo cho họ biết mà tự ý lấy đất của hai gia đình nói trên chia cho chính mình và người thân.

Trong đơn ngày 2/8/2015 của ông Túy và ông Cảnh gửi lãnh đạo thị xã Kỳ Anh khẳng định: “Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng là Mai Văn Long vi phạm pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế, làm trái với Thông tư 1140 của Liên Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn – Tài nguyên Môi trường – Tài chính. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công dân”.

Trong Công văn số 01 năm 2015 của ông Mai Xuân Long – Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng ký tên, đóng dấu gửi UBND thị xã Kỳ Anh cho rằng: “Việc lấy đất của ông Cảnh và ông Túy là hợp lý vì  hai công dân ấy không phải là người của xã Kỳ Hưng”. Cái lý của ông Mai Xuân Long rất vô lý bởi Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995 của Thủ tướng Chính phủ, tại Điều 3 “Quy định về điều kiện nhận khoán…”  ghi rõ: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở địa phương khác có vốn đầu tư vào sản xuất theo quy định của bên giao khoán” có quyền được nhận đất.

Nay ông Mai Xuân Long không còn giữ chức Chủ tịch UBND xã Kỳ Hưng  nhưng đáng tiếc người kế nhiệm vẫn chưa nhận thức ra những sai phạm của người tiền nhiệm để khắc phục hậu quả.

Võ Minh Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP