Lúc đầu là thái độ năn nỉ nói rằng sao lại phải làm khó anh em (tức cơ sở Ngọc Hải) và muốn trao đổi thêm thông tin. Sau đó, một vài số điện thoại lạ được nhân viên Ngọc Hải sử dụng nhắn tin hăm dọa nhóm PV.
Cơ sở Ngọc Hải vắng lặng sau khi bị báo Đời sống và Pháp luật phanh phui. |
Nhiều nạn nhân tiếp tục lên tiếng tố cáo
Sau khi loạt bài viết về cơ sở Ngọc Hải được đăng tải, trong hai tuần qua, hàng trăm người dân đã gọi điện đến đường dây nóng của báo chia sẻ lời cảm ơn tới nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật đã phanh phui hoạt động làm ăn trá hình của Ngọc Hải. Chị Nguyễn Thị T. (ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho hay: “Mẹ em là nạn nhân của cơ sở này, khi bà đi khám bệnh ở đây về, em đã nghi ngờ về chất lượng thuốc và đội ngũ tay nghề của bác sỹ “rởm”. Em đã khuyên mẹ không tham gia nữa, nhưng mẹ em nói để xem họ chữa có khỏi bệnh không đã. Tuy nhiên, mấy tháng ròng, mẹ em mất thời gian đi lại phòng khám mà bệnh thì không khỏi, mỗi lần đi giác hơi về xong bà cảm thấy rất mệt, kêu đau người. Sau đó, mẹ em phát hiện ra nơi đây có dấu hiệu “treo đầu dê bán thịt chó” thì đã muộn”.
Cũng theo lời chị T., chính chị đã trực tiếp đến Ngọc Hải để nắm bắt quá trình khám chữa bệnh. Khi mới nhìn qua, chị T. đã biết nơi đây là một “ổ” làm ăn đa cấp biến tướng tinh vi, có lắp đặt camera theo dõi cẩn mật. Chị T. cho biết thêm, đến nay khi đọc xong loạt bài viết của báo Đời sống và Pháp luật, nhiều người thân tỏ vẻ vui mừng vì bộ mặt gian trá, lừa đảo của cơ sở Ngọc Hải đã được vạch trần, đồng thời, khuyến cáo tới bà con khu vực huyện Thống Nhất và vùng lân cận, tránh xa cơ sở chữa bệnh trá hình này.
Bà Bùi Thị C. (ngụ huyện Trảng Bom) cho hay: “Tôi cũng bị lừa vào đây mất một khoản tiền khám bệnh rồi. Sau đó, do phát hiện họ làm ăn không đúng như quảng cáo nên tôi bỏ cuộc không theo nữa. Khổ nỗi, tôi giấu con cái mang số tiền tiết kiệm đi khám bệnh. Bây giờ, tôi biết bị mắc lừa nhưng vẫn không đòi lại được tiền, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Sau khi đọc loạt bài viết của báo Đời sống và Pháp luật, dù không lấy được tiền nhưng cũng vui vì cơ sở này đã được báo chí vào cuộc làm rõ, để nhiều người khác không bị lừa nữa”.
Mới đây, bà Nguyễn Thị N. (ngụ huyện Thống Nhất) tìm đến tận trụ sở cơ quan đại diện phía Nam báo Đời sống và Pháp luật để bày tỏ bức xúc. Bà N. cho biết: “Tôi đã bị lừa từ một người quen giới thiệu vào Ngọc Hải khám bệnh. Sau một thời gian vừa trị bệnh, vừa đi lôi kéo người quen vào đó để được hưởng phần hoa hồng, cơ sở Ngọc Hải còn hứa hẹn sẽ trả lại tiền sau vài tháng nhưng thực chất họ chỉ hứa suông. Khi đó, tôi ngẫm lại sao mình già rồi còn dại dột nghe lời mấy đứa con nít nó lừa. Đến nay, tôi khẳng định chắc nịch 100% rằng, công ty Ngọc Hải là nơi massage trá hình, lừa người dân cả tin”.
Nhân viên Ngọc Hải liên tục đòi gặp, hăm dọa phóng viên
Suốt hai tuần qua, nhóm PV cũng nhận được nhiều phản ứng “mạnh” từ nhân viên cơ sở Ngọc Hải. Ngay khi bài viết “Lật tẩy trò biến tướng kinh doanh đa cấp bằng hình thức chữa bện” khởi đăng, Giám đốc cơ sở Ngọc Hải Trần Thế Sơn (SN 1991) đã sử dụng số điện thoại 0968094991 gọi cho nhóm PV nói: “Sao anh em lại làm khó nhau vậy. Anh muốn gặp tụi em trực tiếp để trao đổi thêm thông tin”. Khi PV nói: “Có vấn đề gì cứ lên gặp Ban Biên tập sẽ được giải quyết”, Sơn lại nhấn mạnh: “Anh chỉ muốn gặp người viết bài thôi”. Sau đó, một số người tự xưng là nhân viên của Ngọc Hải dùng những lời lẽ đe dọa nhóm PV.
Khi bài viết: “Vào “hang ổ bịp” vạch trần vở diễn bỏ 10 triệu thu về…200 triệ” được đăng tải, nhóm PV tiếp tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0909800416 với nội dung: “Anh là đại diện của công ty Ngọc Hải ở cơ sở quận 6 (TP.HCM), anh muốn gặp người viết loạt bài này có việc. Trong nội dung bài viết có nhiều chỗ còn thiếu, anh chỉ muốn cung cấp thêm”.
Khi PV trả lời: “Mời anh lên cơ quan làm việc với lãnh đạo”, người này tiếp tục nói, muốn gặp PV viết bài. Trước khi ngừng cuộc nói chuyện, PV nhấn mạnh: “Sau khi cơ quan cử PV đi điều tra, báo đã có đủ cơ sở, chứng cứ, ghi âm, clip về hoạt động của công ty mới đăng bài. Do đó, phía Ngọc Hải có vấn đề gì thì đến gặp lãnh đạo của báo để phản ánh. Đại diện báo sẽ sẵn sàng tiếp nhận thông tin để tiếp tục chỉ đạo PV làm việc”. Thế nhưng, đại diện cơ sở Ngọc Hải chỉ nằng nặc nói: “Muốn gặp PV viết bài để trao đổi thêm thông tin!”.
Khi bài viết: “Rớt đại học, đào tạo 3 tháng thành… chuyên gia đại tài (!?” đến bài viết “Thủ đoạn “đánh lạc hướng điều tra” và biến tướng chữa bệnh đa cấp”, một số điện thoại khác 0989062853, tiếp tục gọi điện và nhắn tin cho nhóm PV. Chủ nhân số điện thoại này giới thiệu lúc đầu là bạn đọc rất căm tức cơ sở Ngọc Hải vì đã lừa tiền của người thân họ hơn 1 triệu đồng. Do đó, muốn cung cấp thêm thông tin cho báo để tiếp tục phanh phui. Nhưng khi nhóm PV cho biết cần gọi tới đường dây nóng của báo để cấp trên chỉ đạo làm việc thì đầu dây số điện thoại trên đổi giọng: “Anh là đại diện cơ sở Ngọc Hải đây, anh muốn gặp em (người viết bài về Ngọc Hải để nói chuyện)”. Sau đó người này nói với giọng hăm dọa: “Anh sẽ gặp em, anh sẽ gặp em hoài hoài nhé…”.
Số điện thoại trên còn liên tiếp gọi hàng chục cuộc điện thoại ngoài giờ hành chính khác đòi gặp mặt nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật viết bài. Sau đó, nhắn tin hăm dọa: “Em phải chịu trách nhiệm với tờ báo em viết ra chứ? Tôi sẽ không để yên đâu, hãy đợi đó”. Sau đó, phía Ngọc Hải thường xuyên gửi các tin nhắn đe dọa: “Sẽ cho người lên gặp báo để kiện người viết bài”.
Sẽ tiếp nhận thông tin từ bạn đọc Qua loạt bài đăng tải các thông tin về cơ sở đa cấp Ngọc Hải, Ban Biên tập báo Đời sống và Pháp luật chân thành cảm ơn quý độc giả đã đón đọc và theo dõi mọi thông tin trên. Ban Biên tập cũng đã cử PV liên hệ tới lãnh đạo địa phương trước đó, về việc độc giả, quý bà con là nạn nhân của công ty Ngọc Hải muốn tố cáo về công ty này hãy làm đơn trình báo đến chính quyền địa phương để được hướng dẫn thủ tục hoặc tiếp tục gửi thông tin về báo Đời sống và Pháp luật. |