Lao Động - Việc Làm

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn và những hệ lụy

Thời gian qua, do ý thức vô kỷ luật của một số lao động, trong đó có con em Hà Tĩnh đã tự ý bỏ trốn ngay sau khi đến Hàn Quốc. Hệ lụy kéo theo, phía đối tác Hàn Quốc tạm hoãn việc tuyển dụng làm cho hàng ngàn lao động đã qua thi tuyển hay đang học tiếng Hàn lo lắng.

Những năm qua, công tác xuất khẩu lao động đã đóng góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Chính từ xuất khẩu lao động đã làm cho bộ mặt nhiều vùng quê như: Cương Gián, Thiên Lộc, Kỳ Ninh thay da đổi thịt, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, thời gian qua, do ý thức vô kỷ luật của một số lao động trong đó có con em Hà Tĩnh đã tự ý bỏ trốn ngay sau khi sang tới Hàn Quốc. Hệ lụy kéo theo phía đối tác Hàn Quốc tạm hoãn việc tuyển dụng lao động làm cho hàng ngàn lao động đã qua thi tuyển hay đang học tiếng Hàn phải quan tâm, lo lắng.


Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn và những hệ lụy

Một buổi học tiếng Hàn tại Trung tâm giới thiệc việc làm Hà Tĩnh



Sau 3 năm xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Phan Văn Thọ ở xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh) đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với tiện nghi khá đầy đủ tại quê nhà. Sau thành công chuyến thứ nhất, vừa qua anh Thọ tiếp tục trúng tuyển và được xuất lao động sang Hàn Quốc theo chương trình cấp phép lao động EPS của Chính phủ Hàn Quốc. Nhưng ngay sau khi xuống sân bay In – Chơn (Hàn Quốc), anh Thọ cùng 22 lao động Việt Nam khác đã tự ý bỏ trốn.


Qua tìm hiểu được biết, do các lao động này có sức khỏe không đáp ứng nhưng vẫn bằng mọi cách lọt qua hàng rào kiểm tra trong nước, hoặc đăng ký thi tuyển các nghề có chi phí thấp nhưng sang đến Hàn Quốc muốn tìm các công việc khác có thu nhập cao hơn nên đã bỏ trốn. Không chỉ lao động bỏ trốn khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, mà hiện nay đang có hàng ngàn lao động Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng lao động vẫn cư trú tại Hàn Quốc không về nước.


Hàn Quốc được xem là thị trường lao động tiềm năng, chi phí thấp, phù hợp với trình độ, năng lực, sức khỏe của người Việt Nam, đồng thời có thu nhập khá so với nhiều thị trường khác. Hiện nay, Hà Tĩnh có khoảng 3.100 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, riêng từ đầu năm đến nay tỉnh ta đã xuất khẩu được hơn 1.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép lao động EPS. Với mức thu nhập bình quân từ 900 đến 1100 USD/người/tháng, thì đây là thị trường lao động cho thu nhập khá cao so với một số nước khác.


Tuy nhiên, vừa qua đã xẩy ra 22 trường hợp người lao động Việt Nam bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc. Những người lao động này chủ yếu là người Hà Tĩnh, trong đó, có 8 lao động, thuộc các xã: Cương Gián (Nghi Xuân) Kỳ Ninh (Kỳ Anh) và xã Cẩm Nam (Cẩm Xuyên).


Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn và những hệ lụy

Bà Nguyễn Thị Mai (xóm Nam Mới, xã Cương Gián) bật khóc khi đọc thông báo dừng XKLĐ đi Hàn Quốc của Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: Minh Thùy.



Ông Nguyễn Xuân Thông – Phó Giám đốc Sở LĐ, TB & XH cho biết: “Việc lao động tự ý bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc không chỉ vi phạm pháp luật của 2 nước, gây bức xúc cho cơ quan hữu quan của Hàn Quốc và thiệt hại cho chủ sử dụng lao động mà còn dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, có nguy cơ bị Chính phủ Hàn Quốc cắt giảm chỉ tiêu hoặc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Thực tế, ngày 7/8 vừa qua, Bộ việc làm và lao động Hàn Quốc đã hoãn kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho người lao động Việt Nam”.


Mặc dù đã hoàn thành thi tuyển, ký hợp đồng với chủ lao động Hàn Quốc và chờ ngày để bay, nhưng anh Mai Văn Cường ở xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) vẫn hết sức lo lắng vì chưa biết đến khi nào phía Hàn Quốc mới tiếp nhận lao động Việt Nam.


Không chỉ mình anh Cường lo lắng mà hiện nay còn có hơn 1.000 lao động đã qua kỳ thi tuyển và khoảng 3.000 lao động đang học tiếng Hàn tại các trung tâm giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh cùng chung số phận.


“Ngày 8-9 tới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động TB&XH) sẽ phối hợp với sở Lao động TB&XH Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo về chống bỏ trốn của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Mục đích của hội thảo nhằm cung cấp thông tin đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức kỷ luật cho người lao động và gia đình về chính sách lao động cũng như luật pháp Hàn Quốc. Song song với tổ chức hội thảo, Trung tâm lao đông ngoài nước sẽ sang Hàn Quốc để đàm phán với Bộ việc làm và lao động Hàn Quốc xin phía đối tác cho số lao động đã học tiếng Hàn được tiếp tục thi tuyển trong thời gian sớm nhất”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH cho biết thêm.


Thanh Hoài

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP