Địa Chí Hà Tĩnh

Làng rèn Trung Lương đạt doanh thu hơn… 100 tỷ đồng/năm

Các sản phẩm chủ yếu của nghề rèn, đúc truyền thống ở đây chủ yếu là các nông cụ như lưỡi cày, lưỡi bừa, dao, cuốc, liềm, vên, xuổng, kéo.

Nghề rèn, đúc đã gắn với đời sống văn hóa của người dân Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) trên 700 năm.
Vợ chồng anh Kiều Minh Cương tôi thép rèn lưỡi đục.

Ông Phạm Hồng Quý- Phó Chủ tịch UBND phường Trung Lương:  

   “Nghề rèn hàng năm giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập trung bình từ 3-6 triệu đồng người/ tháng. Giá trị doanh thu từ nghề rèn, đúc truyền thống đạt khoảng hơn 100 tỷ đồng/năm”.  
 

Ông Võ Sỹ Ích một trong những người có thâm niên nghề rèn ở Trung Lương kể: Nghề rèn đúc ở đây đã gắn với tên tuổi của một số người thợ nổi tiếng như ông Hoàng Văn Lịch và ông Trương Quang Sừng từ những năm 1839; Sau cách mạng Tháng 8 có cụ Trần Thái Lợi là nghệ nhân chế tạo súng phục vụ kháng chiến, tiếp đó con trai cụ là Trần Thái Lương.

Trong thời kỳ đổi mới nghề rèn đúc Trung Lương càng phát triển mạnh và có nhiều thành tựu mới trong nghiên cứu chế tạo. Như Nguyễn Ngọc Dương chế tạo thành công búa máy truyền động cơ khí thay thế búa máy công nghiệp truyền động hơi.

Đặc biệt gần đây có ông Nguyễn Bùi Hiển nguyên quán trú tại xóm Cầu, khối 8 Trung Lương (nay tạm trú tại tỉnh Bình Dương) đã chế tạo thành công máy bay lên thẳng. Đây là máy bay không dùng cánh quạt định hướng mà áp dụng nguyên lý đối phản lực nhờ bố trí hai hệ cánh quạt quay ngược chiều…

Theo thống kê của UBND phường Trung Lương, tính từ năm 1975 lại nay hàng trăm gia đình có 4 đời theo nghề rèn kiểu cha truyền con nối. Mặc dù có truyền thống lâu đời nhưng trước sự hội nhập nghề rèn nhiều phen bị lung lay.

Ông Phạm Hồng Quý- Phó Chủ tịch UBND phường Trung Lương cho biết: Một thời nghề rèn nông cụ ở Trung Lương hắt hiu trước sự đổ bộ ồ ạt của hàng dao, kéo đến từ Trung Quốc, Thái Lan. Nhờ những người thợ trẻ chịu khó học nghề, học làm sản phẩm mới mà làng lại khởi sắc.

Dù đã hơn 11 giờ trưa nhưng lò rèn của anh Kiều Minh Cương ở tổ dân phố Tiên Sơn vẫn đỏ lửa. Theo anh Cường, khoảng 3-4 năm trước nghề rèn ảm đạm chỉ làm phụ ngoài thời gian làm đồng về. Nhưng bây giờ việc làm không xuể, một ngày hai vợ chồng làm ra được 30 cái lưỡi đục tiền công khoảng 250 ngàn đồng/ người.

Anh Cường là thế hệ thứ 4 trong gia đình nối nghiệp nghề rèn. Còn Anh Kiều Đình Hòa ở khối phố Tiên Sơn cho biết: “Lò rèn gia đình tôi chuyên rèn dao, liềm và các nông cụ sản xuất nông nghiệp. Mỗi tháng công xá đạt khoảng 9 triệu đồng, có tiền nuôi các con ăn học”.

Không chỉ đủ ăn nhiều người mạnh dạn đầu tư phát huy từ nghề truyền thống mà chẳng mấy chốc trở thành ông chủ trẻ giàu có. Tiêu biểu như anh Kiều Đình Sơn ở khối phố Tiên Sơn, mới ngoài tuổi 30 nhưng anh Sơn đã gây dựng cho mình một xưởng rèn, đúc theo mô hình công nghiệp có từ 7 – 10 công nhân, sản phẩm chủ yếu là hàng thô sau đó bán lại cho các xưởng tinh chế lại. Từ đôi tay người thợ rèn, anh Sơn xây được nhà hai tầng trên 1 tỷ đồng.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP