Địa Chí Hà Tĩnh

Làng nghề truyền thống Hà Tĩnh: Làm gì để vực dậy các làng nghề?

Thực tế cho thấy, nghề truyền thống ở tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn đang “lay lắt”; một số làng nghề hiện vẫn tương đối ổn định nhưng về lâu dài cũng sẽ đối mặt với nguy cơ mai một. Vậy, chúng ta cần làm gì để vực dậy, phát triển các làng nghề?

Làng nghề đang cần gì?


Sau nhiều chuyến thâm nhập thực tế ở rất nhiều làng nghề truyền thống và nghề nông thôn, chúng tôi được nghe nhiều băn khoăn, trăn trở của cán bộ địa phương và của chính những người thợ, người dân trực tiếp làm nghề. Một trong những vấn đề mà nhiều làng nghề đang rất bí trong mở rộng quy mô là mặt bằng sản xuất. Mặt bằng hẹp còn gây ô nhiễm môi trường sống, như làng mộc Thái Yên, làng nước mắm Cẩm Nhượng…


Chị Hồ Thị Thu – Chủ nhiệm HTX Chế biến hải sản Thu Hùng (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cho biết: Nước mắm của HTX được nhiều nơi biết đến, đã xây dựng được thương hiệu và được cấp đầy đủ các loại giấy tờ, chứng chỉ liên quan đến chất lượng, VSATTP…, nên sản phẩm sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Tuy nhiên, chị không thể mở rộng quy mô vì diện tích đất quá chật hẹp. HTX có 7 xã viên, GQVL cho 5 lao động thường xuyên và khoảng 8-10 lao động thời vụ, doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm, nhưng hàng trăm vại nước mắm được đặt trong sân rộng khoảng 100 m2 của gia đình. Phần lò sấy, chị phải làm nhờ tại nhà chị gái. Chị Thu mong muốn HTX có diện tích rộng hơn để mở rộng quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm ngoái, Sở KH&CN đặt vấn đề sẽ hỗ trợ cho HTX một lò sấy năng lượng nhưng do không đủ mặt bằng nên đành chịu.


Ông Nguyễn Huy Thắng – Chủ nhiệm Cụm TTCN Thái Yên (Đức Thọ) cũng lo lắng: “Hiện nay, làng mộc Thái Yên có gần 800 hộ dân sản xuất mộc tại gia đình, suốt ngày bụi gỗ và các loại dầu phun gỗ om mù mịt, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Chúng tôi mong muốn có đủ mặt bằng tập trung để vừa có điều kiện mở rộng quy mô, vừa đảm bảo môi trường. Nhưng, với thực tế hiện nay của địa phương, giải quyết vấn đề này không hề đơn giản”.


Hiện người dân rất mong có vốn ưu đãi và ưu đãi đầu tư cho các làng nghề sản xuất. Chị Phạm Thị Hồng – Chủ nhiệm Hiệp hội nước mắm Cẩm Nhượng cho biết, cách đây mấy năm, những người sản xuất nước mắm ở đây chỉ được vay vốn ưu đãi 1 lần, với thời hạn rất ngắn. Chị băn khoăn: “Nghề nước mắm “nâm” vốn từ 13-16 tháng mới xuất bán để thu hồi vốn nên người dân rất khó khăn nếu vay lãi suất cao. Nhiều mô hình sản xuất nước mắm đầu tư tiền tỷ, nhưng lại không được vay ưu đãi; trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi, có những mô hình thậm chí được Nhà nước cho không cả mấy trăm triệu đồng”. Chị Bùi Thị Tuyết – Bí thư kiêm Thôn trưởng thôn 4 Nam Sơn (thị trấn Nghèn) cũng có chung băn khoăn như vậy, khi người dân làm chiếu nơi đây không tiếp cận được vốn ưu đãi, không có điều kiện để tích trữ nguyên liệu sản xuất!


Xung quanh vấn đề đầu tư cho nghề truyền thống, ông Phan Đình Hinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ (Lộc Hà) cho rằng, tại Quyết định 24/ 2011/QĐ-UBND, ngày 9/8/2011 của UBND tỉnh quy định ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng để sản xuất muối sạch, đối với Hộ Độ là không thể thực hiện được. Bởi lẽ, Hộ Độ có 15 km kênh mương chính (kênh N1) phục vụ sản xuất muối, với giá đầu tư hiện nay khoảng 3 tỷ đồng/km. Với quy định này, địa phương và nhân dân phải bỏ ra gần 15 tỷ đồng (30%) thì mới hoàn thành được kênh trục chính, điều này hoàn toàn nằm ngoài khả năng của địa phương, đó là chưa kể kênh N2, N3. Ông Lê Sơn – một người dân ở Hộ Độ, bức bối: “Trồng lúa thì được Nhà nước đầu tư kênh mương bê tông, còn làm muối thì kênh mương không ai quan tâm đến. Kênh N1, N2, N3 ở tất cả các ruộng muối Hộ Độ đều là kênh đất, nếu không được đầu tư thì nghề muối sẽ lụi dần!”.


Ngoài ra, còn một số vấn đề cần được quan tâm, đó là nên thành lập các HTX làng nghề; liên danh liên kết để bao tiêu sản phẩm; có thị trường nguyên liệu ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất…


Đâu là giải pháp?


Vực dậy nghề truyền thống và phát triển ngành nghề nông thôn là vấn đề cần được quan tâm ưu tiên, nhất là trong phong trào xây dựng NTM hiện nay. Vấn đề đầu tiên cần tập trung quyết liệt là quy hoạch các làng nghề và đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng các làng nghề để khôi phục, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.

Làm gì để vực dậy các làng nghề?

Sản xuất chiếu tại Nam Sơn

Tiếp đến, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về vốn cho các nghề truyền thống, nghề nông thôn để người dân có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Song song với đó là các chính sách giãn thuế, giảm thuế, thậm chí là miễn thuế cho các cơ sở sản xuất mới đi vào hoạt động; các chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật; tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu; giải quyết vấn đề môi trường cho các làng nghề…


Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tập trung xây dựng định hướng, chiến lược và có các chính sách cụ thể cho từng nghề cũng như quan tâm hơn đến công tác tập huấn tay nghề, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; tổ chức sản xuất; đẩy mạnh việc thành lập các tổ hợp, HTX; đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất… để phát triển làng nghề truyền thống nói riêng, các nghề nông thôn nói chung…


Lời kết


Làng nghề truyền thống và nghề nông thôn lâu nay chưa được quan tâm đúng mức nên có thể không quá khi nói rằng, bức tranh về lĩnh vực này hiện rất ảm đạm. Khôi phục, phát triển nghề truyền thống nói riêng, nghề nông thôn nói chung là việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách. Hiện nay, làng nghề đang loay hoay tìm lối đi cho mình nhưng vô cùng khó khăn bởi gặp rất nhiều vướng mắc. Giải quyết được các vấn đề nêu trên là cơ bản giải quyết được những “nút thắt”. Từ đó, vực dậy làng nghề truyền thống và nghề nông thôn, góp phần tạo việc làm cho phần lớn lao động nông thôn, đưa kinh tế làng nghề nói chung, nghề nông thôn nói riêng phát triển lên một tầm cao mới.


Chính Thu

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP