Giáo dục

Lần đầu tiên 2 trường Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới

Lần đầu tiên, 2 trường đại học của Việt Nam lọt top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings). Đó là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM.

2 đại diện của Việt Nam lọt vào top 1000 đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS 2019

ĐH Quốc gia TP.HCM nằm trong nhóm 701-750 của bảng xếp hạng QS 2019, trong khi ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 801-1000.

Trước đó, Việt Nam mới chỉ có 6 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á 2018. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội xếp vị trí thứ 139. ĐHQG TP.HCM ở vị trí 142. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 291-300, Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301-350. ĐH Huế ở nhóm 351-400. ĐH Đà Nẵng xếp 417.

Còn với bảng xếp hạng THE châu Á năm ngoái, Việt Nam không giành được bất cứ vị trí nào.

Trong khi đó, với các bảng xếp hạng khu vực, những quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore từ lâu đã giành được các thứ hạng cao. Với THE châu Á 2018, Trung Quốc có 63 trường đại học lọt vào danh sách này. Nhật Bản thống trị với 89 trường, trong khi Singapore tiếp tục giữ ngôi đầu bảng sau khi tiếp tục cải thiện môi trường giáo dục và nghiên cứu của mình.

Đứng đầu bảng xếp hạng QS 2019 năm nay là Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Theo sau lần lượt là Stanford, Harvard và Viện Công nghệ Caltech (Caltech).

Vị trí số 5 dành cho một đại học lâu đời của Anh là Oxford, tiếp sau đó là Cambridge.

Thuỵ Sĩ là cái tên lạ nằm trong top 10 với Viện Công nghệ liên bang Thuỵ Sĩ ETH Zurich ở vị trí thứ 7. Quốc gia này cũng giành vị trí số 22 với EPEL – Ecole Polytechnique Federale de Lausanne.

Anh và Mỹ nắm giữ những suất cuối cùng của top 10, cụ thể: Imperial College London – số 8, ĐH Chicago – số 9 và University College London – số 10.

Singapore là quốc gia châu Á đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này với ĐH Quốc gia Singapore – số 11 và ĐH Công nghệ Nanyang Singapore – số 12.

Đáng chú ý, những tên tuổi nằm trong Ivy League như Princeton, Cornell, Yale lại chỉ khiêm tốn ở vị trí thứ 13, 14 và 15.

ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc với vị trí thứ 17, nằm trên cả ĐH Michigan, Johns Hopkins. ĐH Tokyo của Nhật Bản là ngôi trường thứ 4 của châu Á giành được một suất trong bảng xếp hạng với vị trí thứ 23.

xếp hạng đại học,xếp hạng đại học Việt Nam,bảng xếp hạng QS

Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) - Anh Quốc.

Nó đánh giá các trường đại học dựa trên 6 tiêu chí: danh tiếng học thuật, danh tiếng trường, tỷ lệ giảng viên/ sinh viên, số trích dẫn mỗi giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế.

Trong đó, yếu tố danh tiếng học thuật chiếm trọng số cao nhất – 40%. Các yếu tố như tỷ lệ giảng viên/ sinh viên, số trích dẫn trên mỗi giảng viên chiếm 20% mỗi tiêu chí. Tiếp đó là danh tiếng của trường chiếm 10%. Tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế chiếm 5% mỗi tiêu chí.

QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới, bên cạnh các bảng xếp hạng phổ biến khác như Times Higher Education (THE), Webometrics và ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.

Trong một hội thảo bàn về nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học hồi tháng 4, một số chuyên gia cho rằng đại học Việt Nam nên nhắm vào bảng xếp hạng QS để đưa tên tuổi của mình ra thế giới, bởi đây là bảng xếp hạng phù hợp với chúng ta hơn cả. “Nếu đi theo THE hay ARWU thì việc Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng là rất xa vời, bởi 2 bảng xếp hạng này yêu cầu cao về nghiên cứu và hợp tác quốc tế - 2 tiêu chí không phải là thế mạnh của các trường đại học Việt Nam” – GS. Nguyễn Lộc tới từ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng QS vốn dĩ là một doanh nghiệp và việc kêu gọi các trường đại học tham gia bảng xếp hạng của họ mang nhiều yếu tố thương mại.

Một số khác băn khoăn về việc tăng xếp hạng của trường đại học liệu có tỷ lệ thuận với nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam, hay chỉ đơn thuần là cuộc chạy đua về thông số kỹ thuật.

Tác giả: Nguyễn Thảo

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP