Địa Chí Hà Tĩnh

Ký ức Núi Nài

Thành phố Hà Tĩnh có một ngọn núi đã đi vào lịch sử. Khi nhắc đến tên ngọn núi ấy, ở thế hệ chúng tôi – những người đã một thời được chứng kiến sự tàn phá ác liệt của hai cuộc chiến tranh phá hoại, không thể không nhớ đến những chiến công oanh liệt của quân dân Hà Tĩnh trong trận đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Tôi không biết nhiều về lịch sử Núi Nài, chỉ biết rằng trước đây núi có tên là Cảm Sơn. Vào những năm đầu của thập niên 30 – thế kỉ XIX, khi đó tỉnh thành còn đóng ở phủ thành Hà Hoa, Tổng đốc An Tĩnh và Tuần phủ Hà Tĩnh đã chọn vùng đất Trung Tiết để được xây tỉnh thành. Tờ trình gửi lên triều đình Nhà Nguyễn (thời vua Minh Mạng) ghi rõ: “Đây là vùng đất có địa thế cao ráo rộng rãi, đằng trước có núi Cảm Sơn, lại có một giải sông dài chạy quanh phía trước, vòng sang bên tả, trên thông với Nại Giang, dưới thông ra Cửa Luật (Cửa Sót) (Đại Nam thực lục, t. XII, tr. 25). Người xưa đã chọn đất Trung Tiết, nơi có hình sông thế núi để lập tỉnh thành, hẳn diện mạo Núi Nài lúc ấy không phải như bây giờ, khi thế núi đã thay đổi qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử Ngày còn bé, nhà tôi cách Núi Nài chừng năm cây số. Tôi chưa một lần xuống đấy để xem nó ra sao. Ngày đó, đứng ở quê tôi có thể nhìn thấy núi. Đầu những năm 60 của thế kỉ trước, tôi mới hơn 10 tuổi. Đứng xa dăm bảy cây số, thấy trên đỉnh núi có một vật gì như cái chảo lớn, cứ quay qua, quay lại. Tôi hỏi, được cha tôi giải thích, đấy là cái ra đa của các anh bộ đội dùng để canh chừng máy bay địch. Đầu năm 1965, tuổi thơ êm đẹp của thế hệ chúng tôi chưa qua đi thì cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã ập đến. Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi chẳng có đủ sách để mà xem, vớ được cuốn nào là đọc cuốn đó. Dù tuổi còn nhỏ nhưng tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh, như “Phía sau hàng rào dây thép gai”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Chiến tranh và hoà bình”, “Đất nước đứng lên”… Đọc sách trên lưng trâu. Đọc sách dưới bóng cây lộc vừng già giữa cánh đồng làng. Sách và quê hương đã nâng đỡ tôi lớn lên. Tuy vậy, vì tuổi còn nhỏ nên sách vở không giúp tôi hình dung được đầy đủ sự tàn khốc của chiến tranh. Ở thời điểm đó, Mĩ nguỵ đang thất bại nặng nề trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam. Để cứu vãn, chúng mở rộng chiến tranh ra cả nước bằng cuộc chiến tranh phá hoại của máy bay và tàu chiến.Ngày 26 tháng 3 năm 1965, ngày đánh dấu mốc mở đầu cho những chiến công tiêu diệt máy bay Mĩ của quân và dân Hà Tĩnh. Ngày đó cũng đánh dấu sự trưởng thành của thế hệ chúng tôi. Tháng ba, trời đã nắng ráo. 13 giờ 15 phút, 26 chiếc máy bay, với nhiều loại hiện đại, chia thành nhiều tốp, quần lượn trên bầu trời. Rồi những loạt bom, những loạt rốc két xé gió lao xuống, nổ chát chúa trên một ngọn núi nhỏ nhoi. Địch đang đánh vào trận địa ra đa trên Núi Nài. Cùng với tiếng bom, tiếng rốc két của máy bay địch là tiếng súng phòng không giòn giã của quân và dân ta. Bọn trẻ chúng tôi không mấy ngỡ ngàng khi thấy máy bay, vì những ngày trước đó chúng đã xuất hiện nhiều trên bầu trời quê tôi. Nhưng lúc ấy, khủng khiếp quá khi tận mắt thấy những trận bom, những loạt rốc két. Địch chỉ tập trung đánh vào Núi Nài và một số điểm quan trọng ở thị xã, còn ở quê tôi không hề hấn gì. Vậy là chúng tôi từ chổ ngạc nhiên, sợ hãi, rồi tò mò muốn biết, muốn theo dõi trận đánh. Từ chỗ tìm nơi ẩn nấp, chúng tôi mò lên các mô đất cao để xem, để nhìn cho rõ. Những chùm đạn cao xạ của các các anh bộ đội sáng rực, hướng thẳng vào những chiếc máy bay đang lao xuống, nhìn mà thích quá. Cả cánh đồng dậy lên tiếng hò reo, hoan hô khi được chứng kiến những chiếc máy bay mang đầy lửa, kéo theo những khối khói đen đang lao gấp ra phía biển.Trong trận chiến đấu chiều hôm ấy, bộ đội đã cùng dân quân tự vệ (công nhân các xí nghiệp mộc, xí nghiệp bánh kẹo, thầy giáo và học sinh Trường cấp 3 Phan Đình Phùng…), đã không quản hiểm nguy, chiến đấu dũng cảm, xông pha tiếp đạn, tải thương, sửa chữa công sự… Hai công nhân của xí nghiệp gỗ đã anh dũng hi sinh khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trận đánh diễn ra gần tiếng đồng hồ. Bầu trời yên tĩnh trở lại. Ngày hôm sau nghe đài, chúng tôi mới biết được số máy bay địch bị quân và dân ta tiêu diệt. Trận đầu ra quân, quân dân Hà Tĩnh đã chiến thắng giòn giã: 9 máy bay Mĩ bị tan xác. Vậy là chúng tôi đã mục kích được thế nào là bom, là đạn, là sự tàn phá. Sau ngày 26 tháng 3, đế quốc Mĩ đã mở rộng chiến tranh khắp các tỉnh khu Bốn (cũ), chúng đánh phá ngày một khốc liệt hơn. Mục tiêu sau đó của cuộc chiến mà chúng hướng vào ở quê tôi không chỉ có Núi Nài mà còn vô số các điểm khác: cầu cống, đường sá, kho tàng… Có thể nói, ở đâu cũng là mục tiêu đánh phá của chúng, kể cả trường học, bệnh viện. Nhưng Núi Nài vẫn là trọng điểm của những trận oanh kích của địch. Tuổi trẻ chúng tôi cứ vậy mà lớn lên dưới bom đạn của chiến tranh.Trận địa núi Nài – ảnh tư liệuSau trận 26 tháng 3, tôi nhìn về Núi Nài, không còn thấy chiếc ra đa quen thuộc. Trên ngọn núi đã lộ ra những mảng lớn đất đá bị bom đạn cày xới nham nhở, vàng quạch. Sau này mới biết, trước khi địch oanh kích, người ta đã chuyển ra đa đến một nơi oan toàn. Chiếc ra đa có trên đó mà máy bay Mĩ thi nhau trút bom đạn xuống chỉ là ra đa giả, bằng gỗ, do công nhân Xí nghiệp gỗ chế tạo. Một chiếc ra đa bằng gỗ, Mĩ đã phải mất 9 chiếc máy bay hiện đại và hàng chục tấn bom đạn! Tuy không còn trận địa ra đa phòng không trên núi, nhưng 4 năm chiến tranh phá hoại, Núi Nài đã hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù. Ngọn núi nhỏ nhoi ấy vẫn sừng sững đứng đó như thách đố.Cùng với năm tháng, chúng tôi cứ vậy mà lớn lên dưới bom đạn của kẻ thù. Và có lẽ, cứ mỗi trận trận bom là một lần thử thách để chúng tôi lớn lên, để chúng tôi rèn luyện một bản lĩnh đối diện với cuộc sống gian khổ, ác liệt để tồn tại và nên người. Rồi ngày một quen đi những trận bom dữ dội, những loạt rốc két xé gió; những đêm hò nhau cấp tốc đi chữa nhà cháy, đi cứu người bị thương; những lúc lòng thắt lại khi tìm nhặt từng mẩu da thịt của bạn mình sau một trận bom… Và cả những đêm hò nhau chạy theo chiếc pháo sáng chập chờn, lửng lơ bay để lấy dù chia nhau làm chăn, làm khăn quàng khi khi tiết trời se lạnh. Năm tháng cứ qua đi, nhưng chắc rồi chẳng ai quên, vì những kỉ niệm ấy đã hằn sâu trong kí ức. Những chiếc hầm Triều Tiên kiên cố, những hệ thống giao thông hào chằng chịt trong làng, ngoài xóm; những lán học nằm sâu dưới bốn bức thành luỹ… đã trở thành thân quen trong sinh hoạt. Tất cả đã tạo ra cho lớp trẻ chúng tôi một tính cách gan lì, bền bỉ nhưng rất tự tin mà lớn lên. Chúng tôi cứ vậy mà trưởng thành cùng đất nước và lớn lên cùng quê hương trong bom đạn, trong gian nan và khổ đau. Rồi mỗi đứa chọn một phương trời mà đi. Đứa vào bộ đội. Đứa thanh niên xung phong. Đứa đi dân công hoả tuyến. Đứa chưa đi xa thì vào đội dân quân trực chiến của địa phương, trực tiếp cầm súng chiến đấu với máy bay Mĩ. Tôi cũng đi xa, nhưng may mắn hơn là được vào đại họcNgồi trên ghế trường đại học, tuy đế quốc Mĩ đã ngừng ném bom miền Bắc, nhưng đất nước đang có chiến tranh, cũng chẳng phải là chuyện bình yên. Đầu những năm 70, sau khi đế quốc Mĩ thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt hơn. Lệnh tổng tổng động viên được thực hiện. Sinh viên bọn tôi nhiều người đã nhập ngũ. Tôi nằm trong số đó. Từ biệt tuổi thơ, từ biệt những kỉ niệm máu và lửa của quê hương, tôi khoác ba lô ra trận. Gần bốn năm rong ruổi khắp chiến trường Thừa Thiên, dù phải đối mặt với những trận đánh ác liệt, những trận bom khủng khiếp của kẻ thù, nhưng tôi không ngỡ ngàng, lạ lẫm vì tuổi thơ tôi đã từng được chứng kiến, từng chịu đựng, dẫu không phải là tất cả. Những lúc như vậy, tôi lại nhớ về một Núi Nài oanh liệt, một Núi Nài nơi bắt đầu cho tôi một khái niệm về chiến tranh. Ở chiến trường, nhiều lúc đứng trên các cao điểm ở miền tây Thừa Thiên, nhìn xa xăm về đồng bằng, đâu đó thấy một một ngọn đồi lẻ loi, tôi lại nhớ về Núi Nài quê tôi. Đế quốc Mĩ lại gây chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc. Núi Nài có bị đánh phá nữa không? Còn trận đánh nào oanh liệt như trận 26 tháng 3 năm ấy nữa không?Đất nước hết chiến tranh. Tôi về tiếp tục việc bút nghiên, rồi ra trường đi công tác xa. Hai mươi sáu năm biền biệt, muốn tìm lại tơ vương nguồn cội, tôi lại về sống ngay dưới chân Núi Nài. Hai mươi sáu năm, dẫu trăm ngàn người đã đi xa, Núi Nài vẫn đứng đó. Giờ đây, diện mạo của núi không còn như xưa. Bom đạn của kẻ thù, mưa nắng và thời gian đã làm cho núi đổi thay. Núi thấp hơn, nhỏ hơn. Tôi về quê, đứng giữa cánh đồng làng, không còn nhìn thấy núi. Lòng thấy trống vắng một hình ảnh thân quen của tuổi thơ.Núi Nài bây giờ đã phủ một màu xanh thẫm của rừng keo. Dưới chân núi, phía nam là Nghĩa trang Liệt sĩ của thành phố. Nghĩa trang có 1260 ngôi mộ. Nhiều lúc, tôi cứ thẩn thơ trước những hàng bia. Các anh nằm đây, có ai là người đã chiến đấu để bảo vệ Núi Nài năm ấy? Đất nước thanh bình rồi, mãi mãi Núi Nài sẽ che chở cho các anh trong giấc ngủ ngàn thu. Những nén hương tôi thắp, không cắm hết được lên các phần mộ của các anh. Dẫu sao, vẫn là tấm lòng của một người đã từng được chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng của các anh để bảo vệ Núi Nài, bảo vệ quê hương; của một chiến binh, đã một thời đi cùng các anh trong cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc. Xin hương hồn các anh hãy ghi nhận tấm lòng tri ân của chúng tôi!Ngày xưa trên núi có hai ngôi chùa. Ở lưng chừng núi phía tây là chùa Cảm Lĩnh, còn ở phía nam là chùa Nài – Cảm Sơn tự. Cảm Sơn tự được xây dựng từ thời nhà Lê, có thể cùng thời với chùa Thành Sơn (Cẩm Thành) và chùa Nghĩa Sơn (Thạch Lâm). Theo tài liệu nghiên cứu của ông Thái Kim Đỉnh, có thể nhiều danh sĩ nổi tiếng như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Đào Tấn… đã đến chùa Nài. Trong đó người để lại lại nhiều dấu ấn ở Núi Nài là nhà thơ, nhà dinh điền Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858). Vừa được nghỉ hưu, ông đã chọn Cảm Sơn làm nơi an dưỡng. Ông cất một nếp nhà tranh cạnh chùa sống với người vợ thiếp thứ tám Phan Thị Bảo, một đào nương quê ở Như Sơn (Cửa Sót). Qua hai cuộc chiến tranh tàn phá, hai ngôi chùa trên núi Cảm Sơn không còn nữa. Sau hoà bình, chùa Nài được xây dựng lại và mang tên chùa Cảm Sơn. Giờ đây, chùa là nơi tĩnh tâm của Phật tử gần xa khi về dưới cửa Phật. Đêm đêm, tiếng chuông chùa thỉnh lên ngân nga trong trầm lắng, tiếng mõ tụng kinh đều đều trong thanh bình như luôn nhắc người đời hãy sống thiện tâm hơn. Thay vào chiếc ra đa trên đỉnh núi ngày xưa, bây giờ là một tháp nước. Tháp nước sừng sững đứng đó như để minh chứng cho một dự án đầu tư của nước ngoài không hiệu quả, một cơ chế quản lí kém cỏi. Tháp xây xong không sử dụng được, vì thi công không đảm bảo các thông số kĩ thuật. Nhiều tỉ đồng đầu tư, không sử dụng được lấy một ngày!? Tháp không sử dụng được, nhưng dưới chân tháp và một con đường xuống đến chân núi, được láng xi măng rộng rãi, sạch sẽ. Thật là một nơi lí tưởng để tản bộ, để luyện tập cho người già. Chạy phía tây của núi con đường mang tên 26 tháng 3 – ngày chiến thắng của Núi Nài. Hôm nay, khi hoàng hôn đã khuất, tôi đi vòng quanh tháp nước, lòng cứ vẩn vơ. Vì sao giữa thành phố có một ngọn núi đã ghi đậm dấu ấn của bao nhiêu sự kiện văn hoá – lịch sử, người ta lại không xây dựng một tượng đài kỉ niệm? Nếu có, để cứ đến ngày 26 tháng 3 hằng năm, tượng đài sẽ nhắc nhở thế hệ trẻ hãy mãi mãi nhớ về một điểm sáng văn hoá, nhớ về những chiến công oanh liệt, nhớ về một ngày lịch sử của thành phố. Bao nhiêu điều còn trăn trở về một địa danh lịch sử của thành phố. Tôi chưa làm được gì to tát cho Núi Nài, chỉ ước ao, bao giờ Núi Nài được mang đầy đủ dáng vẻ một di tích lịch sử – văn hoá, xứng tầm với những gì mà núi đã trải qua?


Tác giả: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP