Địa Chí Hà Tĩnh

Bút ký: Ốc đảo sóng vùn (xã Cẩm Lĩnh)

Từ xa xưa, người dân xứ biển Cẩm Lĩnh dẫu ngụp lặn trong vòng sinh nhai luẩn quẩn đầy lao lung vất vả, với nghề muối, nghề nông…nhưng bất cứ nghề nào của họ cũng đều có một mối liên hệ đầy mật thiết với biển cả. Họ sống với biển, chết với biển như con sóng vô thường vỗ mãi tự ngàn năm!

hatinh24h

Xã Cẩm Lĩnh, (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vỏn vẹn trên 1.700 ha, nhưng ba bề bốn bên bị bao bọc bởi sông sâu và biển lớn nên chẳng khác nào một “ốc đảo” nằm tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Có lẽ mọi thế hệ người dân ở đây khi bắt đầu cất tiếng khóc o oe đã biết chuẩn bị cho mình hành trang vào đời bằng tinh thần lạc quan tự tại! Họ coi đó như một thứ “vũ khí bí mật” để chống chọi với đói nghèo, cách trở và thiên tai. Dĩ nhiên đó không phải là ý thức thủ thường cam chịu thả mặc số phận nổi trôi cho con tạo đất trời, mà vượt lên tất cả là họ luôn ấp ủ niềm tin vững bền, luôn sẵn sàng vượt qua mọi thách đố, và luôn biết kiên nhẫn đợi chờ bất cứ một cơ hội nào có thể để làm nên những điều kỳ diệu.

Từ xa xưa, người Cẩm Lĩnh dẫu ngụp lặn trong vòng sinh nhai luẩn quẩn đầy lao lung nhằn nhọc với nghề muối, nghề nông… nhưng bất cứ nghề nào của họ cũng đều có một mối liên hệ đầy mật thiết đến nghề biển. Nghề biển luôn thao túng tất cả mọi sinh hoạt của họ, đến nỗi nó không còn đơn thuần là nghề mà trở thành “nghiệp” tự lúc nào cũng không ai biết nữa! Trong tâm thức của họ luôn ám ảnh bởi cảnh tượng vỡ đê và những con vùn sóng, đòm giằng (sóng trở ở cửa lạch) đầy chết chóc hiểm nguy! Đặc biệt, họ luôn canh cánh một mối lo truyền kiếp trước câu sấm truyền: “Bè trôi/ Trúc lở/ Hương tàn”. Câu sấm không rõ xuất xứ? Họ chỉ ngầm hiểu rằng, nếu như xóm Bè, đền Trúc, cồn Hương bị sạt lở thì tai họa của cả làng, chưa biết sẽ khôn lường tới đâu và vận hạn đen đủi ấy kéo theo đến bao giờ mới có hồi kết ?…

Lần dở từng trang gia phả phấp phỏng với máu và nước mắt của các dòng họ góp mặt từ buổi đầu lập nghiệp ở xứ này, không thể không nhắc tới tên tuổi lớn của họ Trần, Nguyễn, Phạm, Đặng, Lê…và như thế, nếu đi hết dọc lộ trình thế gian đời ta, ta vẫn không thể nào khám phá hết cả kho tàng bí mật về nghiệp biển của họ giữa bao biến dâu, suy, thịnh luân hồi!…

Với lớp hậu duệ đang ôm lấy chữ “Nghiệp” của tổ tiên, họ thế hệ hôm nay, trước hết phải nhắc đến ông Trần Văn Lênh, ở thôn Một. Ông Lênh sinh năm Canh Dần (1950), nay đã sáu mươi sáu tuổi mà vẫn còn rắn chắc, vạm vỡ như tráng niên. Ông từng theo cha lênh đênh trên biển cả từ năm mới lên chín, lên mười, rồi bỏ biển lên bờ làm nghề muối theo chủ trương của xã từ những năm bao cấp. Vậy mà, cuối cùng ông vẫn không tài nào thoát khỏi được tiếng gọi thao thiết vọng về từ biển khơi! Ông có công cùng bà con diêm dân làm ra những vựa muối khổng lồ, tạo nênthương hiệu muối Cẩm Lĩnh nổi tiếng. Thế nhưng, cơn Đại hồng thủy năm 1989, đã xóa đi tất cả, đúng vào một đêm ương họa hãi hùng!.. Đó cũng là cái đêm phũ phàng nhất, nó làm đảo lộn mọi quy luật và mở đầu cho một giai đoạn khốn quẫn nhất như ứng với câu sấm truyền của “ốc đảo” từ thủa nảo thủa nào! Bởi từ đó cả xóm Bè, đền Trúc, cồn Hương chính thức bị khai tử khỏi cửa biển cửa Nhượng.

Giã biệt nghề muối, ông Lênh tiếp tục trở lại nghiệp biển tái xuất vó câu trong lộng với con ruốc, con chuồn… và trong những lần mưu sinh chỉ biết bấm bụng trông chờ vào rủi may, như thế ông kịp nhận ra rằng, không có con đường nào khác là phải sắm được thuyền to, tàu lớn đủ sức vươn ra khơi xa mới có thể khắc chế được đói nghèo, vận hạn, và mới phát huy được sức mạnh của nghiệp biển cho con cháu mai sau.

Ốc đảo sóng vùn! - Ảnh 2

Cùng chung với ý tưởng với ông Lênh còn có cha con ông Trần Đình Uân, ở thôn Sáu. Trước đó, vào năm 1982 cha con ông Uân từng dốc hết tài sản và vay mượn khắp nơi đóng mới con thuyền máy có công suất: 16,5 CV (mã lực) với hy vọng ra xa hơn ngoài hòn Én, hòn Bớc vài ba mươi hải lý. Nhưng khi mà giấc mơ sắp thành hiện thực, ai ngờ họ lại gặp phải sự ngăn cản của chính quyền địa phương! Sau này cha con ông Uân mới biết được sở dĩ thuyền của họ không được hạ thủy là chỉ vì thời điểm ấy ở cửa Nhượng thường xuất hiện nhiều xác chết của người vượt biên do gặp phải giông tố chìm tàu, chìm thuyền từ ngoài khơi trôi dạt vào. Với việc đóng con thuyền vượt quá công suất cho phép dưới 12 CV theo quy định của xã, cha con ông còn bị nghi ngờ về tội tiếp tay cho bọn phản động tổ chức đưa người đi vượt biên.

Và cuộc cách mạng đánh bắt xa bờ đầu tiên của ngư dân “ốc đảo”, do cha con ông Uân khởi xướng coi như bị thất bại. Từ đó cho đến cả một quãng thời gian dài, nhất là từ sau cái đêm xảy ra sự kiện sấm truyền khiếp đảm ấy, thời điểm cao nhất cả xã cũng chỉ có 23chiếc thuyền đơn đánh bắt quẩn quanh trong vùng. Thực tế, giai đoạn ấy việc khai thác nguồn lợi hải sản trong lộng không còn được thuận lợi như trước kia nữa. Nhưng vì nặng nợ với nghiệp biển, hơn nữa có lẽ những ngư dân ấy muốn được chứng tỏ lòng trung thành của mình đối với thần thiêng biển cả nên họ sẵn sàng làm kẻ “hiến tế” cho thủy thần, đổi lấy mọi hình phạt mà chuốc nợ cho cả làng,  hy vọng mong manh vào một sự đổi thay nào đó?!..

Mãi tận bây giờ anh Trần Đình Diêu, con ông Trần Đình Uân vẫn nhớ như in: Một lần trên đường cha con anh đánh cá từ hòn Én về tới cửa lạch, chuẩn bị tháo đôộng (vượt qua sóng trở) thì bất ngờ thuyền bị sóng đánh lật úp. Giữa lúc vô vọng bỗng xuất hiện một con sóng khác cao như ngọn Tượng Lĩnh từ ngoài khơi dồn đến tấp cha con ông lên bờ! Tuy vậy, với kinh nghiệm trong nghề đi biển cho thấy, trước khi biển động mặt nước bỗng lặng ngắt, cá từ đâu cứ thế mà sôi lên. Đó cũng chính là thời điểm tốt nhất để người đi biển cất những “mẻ lưới vàng”. Và một lần nữa vào một hôm đứng trước cơ hội như thế, cha con anh lại lao thuyền ra hòn Bớc tính “đánh bài ngửa” với đại dương . Ấy nhưng người tính sao bằng trời tính, giông tố nhanh hơn đã nhấn chìm con thuyền của họ, khi họ chưa kịp quay về. Sự việc xảy ra quá nhanh, nên anh chỉ kịp mường tượng lại hình như trong cơn nguy biến ấy có một con cá ông (cá voi) cõng hai cha con hất lên hòn Bớc!

Ốc đảo sóng vùn! - Ảnh 3

Theo tập tục của ngư dân Cẩm Lĩnh thì bất cứ ai mỗi khi dong buồm ra khơi đều vào miếu Phật Lát (ngôi miếu cổ tọa lạc bên cửa sông) khói hương cầu nguyện, cởi bỏ hết mọi lụy phiền, không nó tục, nói xấu ai… nếu gặp những sự cố không may xảy ra ngoài ý muốn thì ai cũng cần phải biết coi đó là lẽ vô thường của nghiệp biển, không được ta oán, trách cứ bất luận một điều gì với đấng phi phàm!..

Ông Phạm Văn Tưu- Trưởng Công an xã không dấu nỗi chút buồn thoáng qua khuôn mặt dầu dãi gió sương tâm sự: Chỉ riêng trong anh em họ hàng thân thích của ông qua ba thế hệ nay đã có sáu người chết tại cửa lạch lúc tháo đôộng. Ngoài ra, không biết bao ngư dân khác đã gửi lại thân mạng cho thủy thần bằng nhiều kiểu khác nhau, nhưng nhiều và thiêng nhất vẫn là chết ở cửa lạch. Những kiểu chết như thế gọi là “giuộc” nên bà con ở đây còn có tục cúng gió, cầu cho những linh hồn không may mắn như thế được siêu thoát!..

Tục cúng gió ở Cẩm Lĩnh có nhiều nét tương đồng với cúng gió ở Lý Sơn ( Quảng Ngãi) bởi tính đạo lý nhân văn. Điểm khác nhau cơ bản là ở Lý Sơn chỉ cúng cho những binh phu thời Nguyễn thừa lệnh triều đình đi canh giữ, đo đạc thủy trình, khai thác hải vật… ở Hoàng Sa mà không về. Để ghi công họ, người Lý Sơn dùng đất sét nặn hình nộm từng người, rồi làm lễ nhập hồn và an táng đầy đủ… những ngôi mộ ấy gọi là mộ gió. Còn cúng gió ở Cẩm Lĩnh lại chỉ cúng tại miếu Phật Lát vào ngày Rằm và mồng Một hàng tháng, cúng cho cả người chết đã rõ danh tín hay không rõ danh tín và bất luân họ là ai, chết bằng cách nào miễn rằng họ chết vì nghiệp biển!

Ốc đảo sóng vùn! - Ảnh 4

Người Cẩm Lĩnh ăn sóng, nói gió, nhưng cũng tỏ ra rất lãng mạn, đó là phẩm chất đáng quý nhất mà tạo hóa luôn rộng rãi ban tặng cho mọi đứa con vốn sinh ra nơi “ốc đảo” vô cùng hào phóng và ẩn chứa vô số những truyền thuyết này. Có lẽ vậy, nên trong lúc điêu lụy nhiều người vẫn hè nhau đi làm nghề lặn mà quyên nghĩ rằng, bản thân họ đang phiêu lưu với trò chơi đùa giỡn tử thần theo kiểu “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”.

Cẩm Lĩnh ăn thông sang xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, bởi những dãy núi cao và dốc nằm cắt ngang trên bản đồ miền Trung. Núi chồng núi đua nhau liên tiếp lao ra biển như Hoành Sơn, Hải Vân thu nhỏ. Dưới mép sóng lô nhô kéo dài  tới hàng chục hải lý có vô số bãi đá ngầm mà người dân ở đây gọi là “rạn”. Rạn chính là môi tường hấp dẫn nhất cho các loài hải sản như ốc, sò, cua, ghẹ, tôm hùm càng xanh…sinh sống.  Tuy vậy, do khai thác bừa bãi theo kiểu mạnh ai nấy được. Hơn nữa, thời điểm ấy thương lái Trung Quốc đột ngột đội giá con giống tôm hùm càng xanh lên cao ngất. Đó là loài tôm quý hiếm, chỉ xuất hiện ở vùng rạn Cẩm Lĩnh và Kỳ Xuân mà nhiều vùng biển khác không có. Vì thế, cánh thợ lặn đua nhau săn lùng khai thác một cách tận diệt, không tuân thủ quy luật sinh tồn của tự nhiên như các thế hệ cha ông họ đã làm, khiến cho nguồn lợi trở nên cạn kiệt.

Khi mà những bãi rạn đã quay lưng lại với chính họ, thì không có cách nào khác là họ đành phải li quê kéo nhau vào các tỉnh miền Nam đi lặn thuê với môi trường vô cùng nghiệt ngã, mỗi lần đi như thế hàng tháng, có khi hàng năm mới về. Công việc hết sức lao khó và hiểm nguy, trong lúc thu nhập bình quân cũng chỉ giao động ở mức 200 ngàn đến 500 ngàn đồng một ngày, nên quẫn bách cứ chồng lấn lên quẫn bách! Hơn ai hết, ông Trần Văn Lênh là người quá thấu hiểu thế nào về cái giá quá đắt của nghiệp lặn. Ông đã chứng kiến những cái chết đầy thương tâm của bao kiếp lặn làng mình, trong đó có người cùng kíp lặn với ông bất ngờ gặp nạn trước khi chết chỉ muốn được gửi lời trăng trối cho người thân qua ông. Vậy nhưng, dưới lòng đại dương đâu cho phép ai làm được cái điều tưởng chừng như hết sức bình dị ấy!..

Xa xót hơn, kiếp đời lặn thuê còn đẩy bao kẻ đến chỗ thân tàn ma dại, phải chịu cảnh bại liệt nằm một nơi, trút cả núi gánh nặng lên cho gia đình và xã hội! Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của chính quyền xã: Ít nhất đến thời điểm này ở Cẩm Lĩnh có gần 30 người chết và trên 30 gười khác bị thương nặng, trong đó có nhiều người liệt toàn thân đang rất cần tới sự giúp đỡ của cộng đồng.

Anh Nguyễn Xuân Doãn, ở thôn Hai là một điển hình trong số những người không may mắn đó, anh từng được ví như “Yết Kêu” sẵn sàng làm việc nhiều giờ liền dưới độ sâu trên 20 sải nước. Thế nhưng, trong một kíp lặn bình thường như mọi ngày, “diêm phủ” đã lạnh lùng nhắc đến tên anh, biến anh trở thành kẻ tàn tật suốt đời! Nằm bất động trong căn nhà ọp ẹp trống hoang trống hoắc, mặc kệ sương muối thả sức lùa vào, không cầm nổi những giọt nước mắt muộn màng, anh Doãn tâm sự rằng, giờ thì anh chỉ mong kết thúc cuộc sống sớm được ngày nào hay chừng đó,  có như thế mới đỡ phải đày ải vợ và hai đứa con tội nghiệp của anh đang đến độ ăn học, trưởng thành.

Thợ lặn Cẩm Lĩnh làm thuê khắp nơi, mà nghiệp này khác gì “con dao hai lưỡi”, đó là nguyên nhân đi tới đâu họ cũng chỉ được nhận hợp đồng làm việc bằng miệng theo thời vụ, không có bảo hiểm. Vì vậy, lời tâm sự của anh Doãn khác nào một lời thỉnh cầu thống thiết gửi đến những nhà chức trách, cần phải làm thế nào để có những biện pháp bảo vệ quyền lợi cho họ?  Điều đó, càng khiến tôi ray rứt mãi, sau khi chia tay anh ra về giữa một chiều chạng vạng, mây trôi đến úa trời !..

Ốc đảo sóng vùn! - Ảnh 5

Xuất phát từ hệ lụy ấy, và trước hết để tự vệ cho chính mình, không ai khác, chính ông Trần Văn Lênh đã sáng chế ra một dụng cụ trợ giúp lặn, có độ an toàn cao. Nhờ kinh nghiệm học hỏi được trong nghề lái xe những năm chống Mỹ, ông dùng bình hơi ô tô lắp vào hệ thống máy  thuyền, rồi khoan các lỗ  trên bình để tra các vòi hơi; mỗi thợ lặn trước khi xuống nước ngậm một chiếc vòi để thở, vòi được thắt qua dây lưng cho tiện thao tác và cũng vừa để làm dây bảo hiểm. Ông Lênh còn truyền cho cánh thợ lặn dùng bài thuốc gia truyền chống lại bệnh tụt huyết áp, bệnh đông máu và các bệnh khác do ảnh hưởng sức ép của nước bằng công thức: Cứ 5 lít rượu nếp đem ngâm với 2kg nghệ tươi giã dập, 2kg ngãi cứu và 0,5 lít mật ong hoặc mật mía. Sau mỗi kíp lặn, mỗi người chỉ cần uống từ 3 đến 5 chén như vậy sẽ chóng phục hồi sức khỏe và tăng thêm độ tỉnh táo, dẻo dai.

Dẫu vậy, khi mà người Cẩm Lĩnh đã nắm thêm được chút khả năng tự vệ trong tay thì cũng là giai đoạn nghiệp lặn thuê tại các tỉnh miền Nam bắt đầu trở nên khó khăn, ngày công của họ làm ra không còn đủ nuôi vợ con nữa. Do đó, nhiều người bắt đầu rủ nhau trở về quê chung vốn mua sắm tàu thuyền, chuyển hướng làm ăn mới. Và anh Trần Đình Diêu là một trong những người như thế. Anh nổi lên như với vai trò một người hùng giữa “ốc đảo”. Sau khi trở về từ miền Nam năm 2002 anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng đóng mới con tàu lớn nhất xã hồi đó với công suất: 45 CV; và tổ chức làm ăn theo phương thức: “Hai ăn, Tám chia”. ( 20% thu nhập trừ vào chi phí hao tổn tàu, 80% còn lại được chia đều cho các thành viên).

Với con tàu mới, anh Diêu đã thực hiện những chuyến biển dài ngày, tạo việc làm cho 10 lao động; mỗi ngày tàu của anh có thể đánh bắt được trên dưới 01 tấn hải sản, chủ yếu là cá ngừ đại dương, mực Lá, cua nghẹ, ốc hương, ngọc nữ, tô hoài…thu nhập bình quân cho mỗi người từ 2 triệu đến 3 triệu đồng trên ngày công. Thuận lợi nhất của việc đánh bắt xa bờ là khai thác tới đâu bán tới đó; và khi cần tiếp dầu, nước ngọt cũng như các nhu yếu phẩm khác lại có sẵn tàu dịch vụ cung cấp tại chỗ.

Vậy nhưng, con tàu của anh Diêu vẫn còn qúa nhỏ so với tàu cá của các làng nghề ngư khác, nhất là so với tàu cá Trung Quốc. Không riêng gì anh mà đại đa số ngư dân Cẩm Lĩnh đều rất mong muốn có được những con tàu lớn, được trang bị các loại máy dò cá, dò rạn, đo sóng và các ngư cụ hiện đại…vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường vô cùng hấp dẫn, mới thỏa cái chí tang bồng vốn bao giờ cũng rạo rực trong huyết quản họ! Dẫu sao con tàu của anh xuất hiện vào thời điểm ấy đã làm nên một bước đột phá, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ làm ăn nhỏ lẻ bó hẹp trong từng hộ cá thể; đồng thời trở thành nhân tố giúp ngư dân ở đây lần đầu tiên ý thức được giá trị của việc đi biển tập thể, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp đi biển sau này ở Cẩm Lĩnh.

Ốc đảo sóng vùn! - Ảnh 6

Liên tưởng đến câu sấm truyền trên ốc đảo, ngay những năm gần đây thôi hẳn nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước cảnh tượng bao đợt triều cường khủng khiếp đã hốt luôn cả con đê bao, nhấn chìm bao tàu thuyền, nhà cửa, ruộng vườn của người dân…Vậy nhưng, dường như trước mỗi lần tàn phá mang tính hủy diệt như thế càng khiến cho bản năng sinh tồn của người Cẩm Lĩnh càng phát huy tối đa, tạo nên những bước thay đổi khác biệt! Điều đó không lấy gì làm bất ngờ khi ta nghe con số báo cáo: Hiện nay toàn xã có 153 tàu thuyền các loại, trong đó có 4 chiếc tàu đạt công suất trên 175 CV tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động. Riêng vụ mùa đánh bắt vừa qua, đội tàu cá Cẩm Lĩnh đã khai thác được trên 1.000 tấn hải sản, trong đó có nhiều hộ thu về hàng trăm triệu đồng.

Cẩm Lĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Nhà nước về phát triển nghề biển. Đến thời điểm này xã đã thành lập được mười tổ đoàn kết khai thác trên biển, mỗi tổ từ 7 đến 8 tàu; thành lập được bốn tổ thu mua chế biến hải sản; phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển hỗ trợ bà con làm ăn cứu hộ, cứu nạn trên biển. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, tỉnh còn hỗ trợ cho mỗi tàu đóng mới có công suất trên 90 CV là 200 triệu đồng, hỗ trợ cải hoán nâng công suất tàu thuyền, ưu tiên cho bà con vay vốn Ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhất; huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ cho mỗi tàu cá một bộ giàn đèn trị giá 40 triệu đồng; xã cũng hỗ trợ mỗi tàu cá 10 triệu đồng…ngoài ra, ngư dân còn được tham gia các lớp đào tạo nghề miễn phí về kỹ thuật lái tàu, thợ máy…

Có thể nói, chưa bao giờ không khí đi biển ở đây lại sôi động như hiện nay. Tuy vậy, bên cạnh đó điều trăn trở nhất  là lạch cửa Nhượng đang ngày một cạn dần, những con vùn sóng, đòm giằng càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết ! Để có được âu thuyền neo đậu an toàn, tiến tới hiện thực hóa đề án sắm tàu sắt hiện đại… cần phải có những biện pháp hữu hiệu trong việc nạo vét, khơi thông luồng lạch ngay từ bây giờ. Nếu không, Nghiệp biển vốn song hành với ốc đảo thiêng này từ bao đời sẽ chỉ còn lại trong ký ức mà thôi!

Ngược thời gian, mãi tới năm 1999, lần đầu tiên ốc đảo này mới có được chiếc cầu Trung Lĩnh bắc bắc qua cửa sông Rác, nối với đất liền. Vậy mà niềm vui đó cũng không hề trọn vẹn, bởi vào mùa mưa lũ chiếc cầu luôn chìm dưới mặt nước khiến việc đi lại vô cùng trở ngại. Không những vậy, vô hình dung chiếc cầu còn gây cản trở tàu thuyền ra vào. Phải đợi đến năm 2013, Cẩm Lĩnh mới lộ rõ vóc dáng của một vùng đất đầy tiềm năng, nhờ Dự án cầu vượt lũ Trung Lĩnh và Dự án Đê bao chống lũ với tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng được khánh thành. Đặc biệt, cầu Cửa Nhượng với chiều dài gần 1.400 mét bắc qua cửa Nhượng, nối xã Cẩm Nhượng với Cẩm Lĩnh dọc theo tuyến mỏ sắt Thạch Khê – Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng được hợp long, chính thức rũ bỏ lời sấm truyền ngày ấy lại phía sau, mở ra cơ hội vô cùng thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế xã hội… nhanh, mạnh và bền vững.

Mặc dù Cẩm Lĩnh đang là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhưng chỉ cần đưa ra phép so sánh với hơn hai năm trước, khi mà tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn chiếm gần 54% thì nay còn lại trên 12%; phong trào xây dựng nông thôn mới còn ì ạch với hai tiêu chí đã nhảy lên chín tiêu chí; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường trước đâu còn bấp bênh thì nay luôn ổn định với 100%…là quá đủ để ta tin tưởng vào một tương lai rạng rỡ trên “ốc đảo” này.

Ốc đảo sóng vùn! - Ảnh 7

Bút ký của Nguyễn Ngọc Vượng/Lao động và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP