Kinh tế

Kỳ Anh: Ra mắt mô hình thanh niên nuôi chim Trĩ và Rắn mối

Câu Lạc bộ Thanh niên Phát triển kinh tế huyện Kỳ Anh phối hợp với Đoàn thanh niên xã Kỳ Lạc vừa ra mắt mô hình kinh tế thanh niên nuôi chim Trĩ và Rắn mối.

Anh Nguyễn Văn Hữu giới thiệu về đặc tính của loài Chim trĩ

Qua nghiên cứu, học hỏi và đi tham quan thực tế các mô hình, anh Nguyễn Văn Hữu, ở thôn Lạc Tiến, xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) đã mạnh dạn mua 10 cặp chim Trĩ về nuôi và nhân giống trong khuôn viên diện tích chuồng 20m2.

Sau một thời gian thử nghiệm, đàn chim Trĩ phát triển, sinh sản tốt, cho thu nhập cao. Anh Hữu đã quyết định mở rộng khuôn viên chuồng trại với tổng diện tích là 60m2 để nuôi chim Trĩ cảnh và chim Trĩ thịt. Đến nay, mô hình đã xuất bán 60 cặp chim Trĩ con cho hộ chăn nuôi trong và ngoài địa bàn.

Từ 10 cặp chim giống đến nay anh Hữu đã nhân được nguồn giống phục vụ nhu cầu của người dân địa phương

Theo kinh nghiệm của anh Hữu, kỹ thuật nuôi chim Trĩ không quá phức tạp. Hệ thống chuồng trại không khác nhiều so với nuôi gà, trong khi đó tỷ lệ thành công cao vì đây là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt. Thức ăn cho chim trĩ chủ yếu là cám gạo, ngô, cám tổng hợp cho gà, rau xanh, cỏ… Chim trĩ nhân đàn nhanh, một con chim mái có thể đẻ một đợt kéo dài 3 tháng với khoảng 90 quả trứng. Trứng sau 25 đến 27 ngày ấp là nở thành chim non. Chăm sóc chim mới nở như chăm sóc gà con.

Cùng với thành công bước đầu từ nuôi chim trĩ, anh Nguyễn Văn Hữu hiện cũng đang xây dựng mô hình nuôi rắn mối với số lượng 500 con/1lứa.

Mạnh Hải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP