Ngày 11/11, chiếc tàu hút cát trên sông Luộc thuộc địa phận xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương bị một số đối tượng trấn áp, dùng súng hoa cải bắn vào tàu rồi dùng rơm đốt cabin.
Súng nổ, lửa cháy
Thông tin từ công huyện Tứ Kỳ vừa cho biết, hiện đơn vị này đang phối hợp với phòng cảnh sát giao thông đường thủy Hải Dương nhằm điều tra và làm rõ vụ việc xảy ra vào khoảng 22h15′ ngày 11/11. Theo đó, khi chiếc tàu mang BKS HP-2523, trên tàu có 4 người, trong đó có 3 thuyền viên gồm: Ông Lư A Diễn (SN 1963), anh Đỗ Văn Đoan (SN 1975) và anh Trần Tăng Đồng (SN 1991), cùng trú tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) do anh Trần Tăng Du (SN 1985) điều khiển đang nạo hút cát trên dòng sông Luộc thuộc địa phận của xã Hà Thanh, giáp ranh địa phận huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), thì bất ngờ bị một số đối tượng đi trên 2 chiếc thuyền nan ép sát hai bên ngăn chặn không cho thuyền viên thực hiện công việc của mình.
Không chỉ có thế, nhóm người này còn “vãi đạn” về phía các thuyền viên. Tiếp sau đó, các đối tượng lạ mặt bắt tất cả những người có mặt trên tàu lên bờ rồi dùng dầu máy, rơm, châm lửa đốt toàn bộ khoang lái của con tàu này. Hậu quả, tàu bị hư hỏng nặng, anh Du và ông Diễn do trúng đạn hoa cải bị thương phải nhập viện cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Vĩnh Bảo.
Một con tàu đang khai thác cát trên sông Luộc.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, công an huyện Tứ Kỳ lập tức xuống địa bàn thu thập thông tin nhằm sớm làm sáng tỏ vụ việc. Trong quá trình này, cơ quan công an đặt ra một số giả thiết và giả thiết về việc người dân địa phương vì bức xúc trước vấn nạn nạo hút cát triền miên trong một thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn hoa màu, đất đai… nên dẫn đến sự việc trên được cơ quan điều tra chú ý hơn cả. Điều này có cơ sở bởi trong quá trình điều tra, cho thấy toàn bộ số rơm, rạ dùng để đốt cabin chiếc tàu trên được người dân huy động từ một số hộ gia đình ở xã Hà Thanh.
Từ những thông tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật thu thập được cho thấy, khi phát hiện tàu HP- 2523 đang hút cát trên sông thì một số người dân ở xã Hà Thanh chia nhau trên 2 chiếc thuyền nan với mục đích đuổi khỏi địa bàn vì cho rằng những người này đang khai thác cát trái phép, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn. Thế nhưng, thay vì di chuyển đi nơi khác theo sự yêu cầu của người dân, thì những thuyền viên trên tàu khai thác cát lại chống trả quyết liệt, thậm chí còn thách thức số người trên.
Trước hành vi có phần ngang ngược, bất chấp của nhóm người trên chiếc tàu khai thác cát, một người trong nhóm đã rút khẩu súng hoa cải bắn chỉ thiên với mục địch đe dọa. Tuy nhiên, một số thuyền viên trên tàu HP-2523 không chịu dừng lại vẫn cố tình chửi bới và lao về phía 2 chiếc nan trên, nên bị chĩa súng bắn thẳng vào gây thương tích.
Người dân bức xúc với nạn cát tặc
Nhằm làm sáng tỏ vụ việc, chúng tôi đã tìm gặp một số người dân sống gần sông Luộc. Theo những người dân này, từ lâu họ rất bức xúc trước nạn khai thác cát một cách bừa bãi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con.
Chị Nguyễn Thị H., một người dân chịu ảnh hưởng từ việc khai thác cát, bức xúc: “Dù có cách xa hàng trăm mét nhưng tiếng máy nổ của những chiếc tàu kia vang cả một vùng khiến chúng tôi chẳng có một ngày được yên giấc. Không chỉ có vậy, một diện tích lớn đất cát ven sông, nơi canh tác hoa màu thì nay đã bị trôi xuống sông. Chúng tôi có gửi đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương. Địa phương cũng rốt ráo xử lý nhưng xem ra cũng bất lực trước những đối tượng này. Chẳng nhẽ, không còn cách nào để xử lý, ngăn chặn nạn cát tặc hay sao?”.
Nạn cát tặc hoành hành ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của người dân (ảnh minh họa)
Anh Trần Văn L., sống gần nơi xảy ra sự việc cho hay: “Khoảng hơn 22h, tôi chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng hô của những hộ dân sống ven sông, láng máng bảo tàu bị cháy. Nghe thấy vậy, tôi có chạy ra xem thì thấy chiếc tàu khai thác cát này đang cháy đùng đùng giữa sông. Mặc dù nhìn thấy nhưng tôi cũng chẳng thể bơi ra mà dập lửa được. Thêm nữa đây là tàu của bọn hút cát nên việc chiếc tàu bị cháy có khi lại hay với người dân sống gần vùng này”.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Phạm Duy Đông, Trưởng công an xã Hà Thanh, cho biết: “Hiện vụ việc đang được cơ quan công an làm rõ. Còn việc có liên quan đến cát tặc hay không thì phải có ý kiến, sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND xã thì tôi mới trả lời được”. Tuy nhiên, khi liên hệ qua UBND xã Hà Thanh thì nhân viên thông báo Chủ tịch xã đang bận đi họp nên chưa thể gặp được(!).
Được biết, nhiều con sông trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng rơi vào trường hợp như sông Luộc khi rất nhiều phương tiện khai thác cát gần bờ gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê, kè như khu vực: Ngã ba Kèo (sông Kinh Thầy) thuộc địa phận thị xã Chí Linh, sông Thái Bình thuộc huyện Cẩm Giàng, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, xã Đại Đồng huyện Tứ Kỳ, khu vực sông Luộc… Trước tình trạng đó, tỉnh Hải Dương đã thành lập một ban chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng trên nhưng xem ra nạn “cát tặc” vẫn không thuyên giảm mà nguyên nhân chính là lợi nhuận lớn từ cát mang lại. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể “móc” từ dưới lòng sông lên khoảng 200-300m3 cát.
Có nhiều trường hợp, đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối hoặc nộp phạt rồi sau đó lại ngang nhiên tái phạm thách thức chính quyền địa phương; nhiều đối tượng còn chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho lực lượng chức năng vào tàu kiểm tra…
Hiện công an tỉnh Hải Dương đã và đang phối hợp cùng công an huyện Tứ Kỳ khoanh vùng các đối tượng và truy tìm hung khí làm rõ nguyên nhân gây ra sự việc vào tối 11/11 vừa qua.
Đào Giang