Kinh tế

Kiểm soát tải trọng xe: Doanh nghiệp vận tải cơ bản chấp hành!

Từ ngày 1/4/2014, cả nước đồng loạt triển khai kiểm tra tải trọng xe, đồng thời xử lý nghiêm đối với lái xe và chủ xe vi phạm chở quá tải trọng, ngay lập tức, tình trạng chở quá tải trọng cầu đường được kiểm soát và dần đi vào khuôn khổ, nhất là đối với các DN vận tải hàng hóa đường dài liên tỉnh. Ông Lê Thanh Đức – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải cho biết: Chúng tôi ký hợp đồng cung cấp xi măng, sắt thép cho Tập đoàn FORMOSA tại Khu kinh tế Vũng Áng cả năm, nhưng do phải hạ tải theo quy định nên số lượng hàng hóa mà Công ty vận chuyển và cung ứng chỉ đáp ứng được 1/3… Trước thực trạng đó, đơn vị đã nghiên cứu, tìm phương án vận tải khác như: bằng đường sắt, đường biển, đồng thời mua sắm thêm phương tiện, tăng chuyến, nhằm đáp ứng đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường.

Hà Tĩnh hiện có 4 doanh nghiệp (DN) lớn chuyên vận tải hàng hóa cung cấp và phân phối đủ nguồn hàng chủ yếu là vật liệu xây dựng cho toàn tỉnh…Theo đó, vào thời điểm trước khi kiểm soát tải trọng xe, mỗi DN bình quân mỗi tháng vận chuyển, cung ứng và tiêu thụ khoảng 20.000 tấn xi măng, 5.000 tấn sắt thép các loại, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Đó là thời hoàng kim, thời điểm mà mạnh ai nấy chở, hầu hết các xe ô tô đầu kéo, xe sơmirơmoóc chở 90-100 tấn xi măng, sắt thép xây dựng các loại, trong khi tải trọng cầu đường thiết kế chỉ cho phép chở 30 tấn.

Kiểm soát tải trọng xe: Doanh nghiệp vận tải cơ bản chấp hành!
Nếu như trước đây những xe này chở 50-60 tấn gạch lát thì nay chỉ chở 30 tấn, đúng với tải trọng cho phép.

Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Bình Nguyên cũng rơi vào tình trạng tương tự. Giám đốc Nguyễn Đức Bình cho biết: “Hiện nay, lượng hàng cung ứng mỗi ngày của doanh nghiệp chúng tôi chưa đạt 1/3 so với trước, nguyên nhân là do hạ tải… Sắp tới, Công ty sẽ đầu tư mua thêm 10 xe đầu kéo, đồng thời tăng cường thêm chuyến vận chuyển nhằm đáp ứng đủ nhu cầu xi măng, sắt thép trên địa bàn toàn tỉnh”.

Tuy nhiên, trong khi hoạt động vận tải đường dài của các DN được thực hiện nghiêm túc và hạ tải theo đúng quy định, thì một bộ phận vận tải hàng hóa đường ngắn (nội tỉnh) vẫn tiếp tục chở quá tải và tìm cách tránh né trạm cân. Ông Phạm Hữu Bính – phụ trách đội xe DN Vận tải Thông Thúy (Đức Thọ) cho biết: Việc chấp hành hạ tải đối với xe vận chuyển hàng hóa đường dài đã được DN thực hiện một cách nghiêm túc, tuy nhiên, các xe ben vận tải nội tỉnh chuyên chở cát, đá cho các nhà máy bê tông ở Khu kinh tế Vũng Áng vẫn đang chở quá tải nhưng cơ bản giảm nhiều so với trước. Tôi nghĩ, nếu trạm cân lưu động tiếp tục làm quyết liệt thì không ai dám chở quá tải nữa, bởi chở 1 chuyến cát từ TX Hồng Lĩnh vào đến Kỳ Anh lãi 1 triệu đồng, trong khi vi phạm tải trọng bị xử phạt 12 triệu đồng (lái xe bị phạt 6 triệu đồng, chủ xe 6 triệu đồng.

Kiểm soát tải trọng xe: Doanh nghiệp vận tải cơ bản chấp hành!
Xe chở đúng trọng tải cho phép

Ông Nguyễn Trần Toản – Trạm trưởng Trạm cân lưu động cho biết: “Thực tế hiện nay, tình trạng chở quá tải đã được kiềm chế và giảm mạnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quyết liệt thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe chặt chẽ và liên tục 24/24h. Tin chắc rằng, tình trạng chở quá tải sẽ được hạn chế”.

Buộc phải hạ tải là một quyết định đúng đắn và hết sức cần thiết vào thời điểm hiện nay khi mà lượng phương tiện ngày càng tăng, các công trình giao thông ngày một hư hỏng và xuống cấp mà nguyên nhân chủ yếu là do xe quá tải. Các đơn vị vận tải rất ủng hộ việc hạ tải của Nhà nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì các DN vận tải mong muốn các cơ quan chức năng phải làm thật quyết liệt, chặt chẽ và liên tục, tuyệt đối không để kẽ hở nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, đưa giá cước vận tải về đúng giá thực. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần tính toán và đưa ra một mức giá sản phẩm hợp lý đối với người tiêu dùng, tránh tình trạng giá cước được đẩy lên thì giá các mặt hàng lên theo.

Việc hạ tải trước hết là các DN vận tải có lợi, bởi theo tính toán của người trong cuộc thì 1 chiếc xe nếu chở đúng trọng tải, tuổi thọ sẽ tăng lên 5-10 lần, đồng thời chi phí giảm xuống khoảng 50%. Còn đối với việc các công trình giao thông nhanh chóng xuống cấp do xe quá tải gây ra, thì theo các chuyên gia trong ngành GTVT, số tiền dành cho việc bảo trì, sửa chữa các công trình giao thông năm 2013 trên cả nước là 4.300 tỉ đồng. Con số này yêu cầu trong năm 2014 là 13.000 tỉ đồng. Sở dĩ, số tiền dành cho việc duy tu, bảo trì đường bộ lớn như vậy là do xe quá khổ, quá tải lưu thông khiến đường sá, cầu cống bị xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, xe quá tải cũng là nguyên nhân chính gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng.

Đức Thiện – Chính Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP