Xã hội

Không mạnh tay, sẽ còn tiếp diễn gánh xiếc lừa đảo

Những gánh xiếc rong khá dễ dàng để đăng kí biểu diễn tại một địa phương, nhưng chất lượng thì khó lòng quản lý nổi. Thế nên mới có những câu chuyện làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo người dân để trục lợi.

Gánh xiếc dùng nhiều chiêu trò lừa đảo người dân ở Đồng Nai, bị phạt và phải trả lại tiền vé.

Bùng nổ xiếc lừa

Mới đây, một gánh xiếc biểu diễn tại Đồng Nai đã bị người dân nổi giận đòi lại tiền vé vì chất lượng biểu diễn quá tệ so với quảng cáo. Không chỉ thế, gánh xiếc này còn có dấu hiệu “bẫy” người dân bằng các chiêu trò.

Trước đó, gánh xiếc này đã quảng cáo rất hoành tráng như xiếc thú, xiếc người lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đến tận trường học phát vé miễn phí cho học sinh dưới 7 tuổi. Người dân tưởng lầm đây là đoàn xiếc uy tín, chất lượng, phục vụ cho học sinh nên nô nức đưa con em đến xem. Tuy nhiên, khi đến họ mới vỡ lẽ ra đó là chiêu trò “câu khách” của đoàn xiếc.

Trẻ em có vé miễn phí, người lớn đi kèm trẻ em vẫn tốn 100 ngàn đồng mỗi vé.

Trẻ em không có vé phải tốn thêm 50 ngàn đồng cho vé vào cửa, chưa tính đến tiền thuê ghế ngồi, dù trong quảng cáo có ghi là ghế ngồi máy lạnh miễn phí.

Chưa hết, sự cẩu thả, tạp nham của chương trình đã khiến người dân “hết chịu nổi”, nổi giận đòi lại tiền ngay tại đêm diễn. Cách đây vài năm, cũng tại địa điểm Quảng trường Đồng Nai, một gánh xiếc khác từng “treo đầu dê bán thịt chó”, bị người dân phản ứng dữ dội, phải hoàn lại phần nào tiền.

Trước đó, một gánh xiếc khác đã biểu diễn tại Hà Tĩnh cũng với một thủ đoạn tương tự như thế. Với sự quảng cáo rầm rộ về những màn xiếc thú hấp dẫn nhất Việt Nam, các trò thú bay lượn, các nhân vật cổ tích đến hoạt hình hiện đại biểu diễn..., đêm diễn này đã thu hút đông đảo phụ huynh đưa con đến xem, dù giá vé khá “chát”: 200 ngàn đồng/vé.

Tuy nhiên, khi khán giả đến xem thì cảm giác như bị lừa bởi những màn xiếc thú quảng cáo không hề xuất hiện, chỉ có vài ba trò xiếc thô sơ và chọc cười kiểu “chọt lét”, thô thiển, thời lượng còn bị cắt đáng kể so với dự kiến. Tuy nhiên, đoàn xiếc này may mắn hơn vì khán giả chỉ biết chịu ấm ức chứ không làm gì được.

Được biết, các trường hợp những gánh xiếc có dấu hiệu lừa đảo kiểu như trên đã xảy ra nhiều, tại nhiều địa phương khác nhau. Một gánh xiếc đã thuê cả nhà thi đấu Đa Năng của Vũng Tàu để biểu diễn, cũng quảng bá rầm rộ những màn xiếc có một không hai, bán vé giá cao, nhưng người dân xem xong thì... tức anh ách vì bị lừa.

Vài trường hợp tương tự khác cũng từng xảy ra tại Bến Tre, Đắk Lắk. Tại Đắk Lắk, thủ đoạn của gánh xiếc giống hệt như chương trình tại Đồng Nai vừa qua: cũng đến trường phát vé miễn phí cho trẻ, cũng thu phí “cắt cổ” với phụ huynh đi kèm, rồi bán vé nhưng vẫn bắt người dân thuê ghế ngồi... Chỉ khác là đoàn xiếc vẫn yên ổn “hốt bạc” mà không gặp phản kháng của người dân.

Cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý

Có thể thấy, hiện tượng “gánh xiếc lừa đảo” đã có từ nhiều năm, xuất hiện ở nhiều nơi, bỏ túi không ít tiền của người dân mong muốn được xem biểu diễn xiếc đàng hoàng. Thế nhưng, con số làm ăn chụp giật bị xử lý thì lại quá ít ỏi.

Vụ việc tại Đồng Nai vừa qua, Công ty Nguyễn Hưng, đơn vị tổ chức biểu diễn bị phát 40 triệu đồng và buộc phải hoàn tiền vé cho người dân. Đồng thời, cơ quan chức năng đã gửi thông tin đi các địa phương không để đoàn xiếc này tiếp tục đi lừa đảo tại nơi khác. Tuy nhiên, động thái mạnh tay như ở Đồng Nai vẫn chưa nhiều.

Đó là còn chưa kể đến, các đơn vị tổ chức biểu diễn xiếc chủ đích lừa đảo có lắm chiêu để qua mặt cơ quan chức năng. Hầu như các gánh xiếc lừa đảo từng xuất hiện tại các địa phương có chung một chiêu bài: Quảng bá xiếc thú hấp dẫn, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chương trình phong phú, phát vé miễn phí... Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là các đơn vị này không phải là một, khi thì là Công ty tổ chức biểu diễn Nguyễn Hưng trụ sở tại TP HCM, lúc thì Công ty Bông Hồng Trắng trụ sở ở miền Tây, khi thì là đơn vị tổ chức biểu diễn Khánh Nam ở TP Thanh Hoá...

Phải chăng tổ chức gánh xiếc lừa đảo là một mảnh đất màu mỡ cho nhiều người khai thác, hay thực tế chỉ có một, vài nhóm người liên tục lập ra các công ty khác nhau để tiếp tục lừa khán giả khắp nơi, bị vạch mặt ở nơi này thì thay đổi danh tính để đến nơi khác tiếp tục “bẫy” khán giả?

Nếu không có sự kiểm tra chất lượng, siết chặt khâu cấp phép ở các địa phương, thì những gánh xiếc như thế sẽ vẫn còn tiếp tục lộng hành, móc túi của người dân.

Tác giả: Đông Phương

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP