Với thông điệp “Kết nối và hợp tác” nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử, VEPF 2015 có hai nội dung thảo luận chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới. Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận ghi nhớ liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”, dưới sự chứng kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Theo đó, Diễn đàn năm nay là dịp để các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác thu thuế điện tử, mở rộng thanh toán điện tử trong bán lẻ và thương mại điện tử, cũng như cập nhật thông tin về những giải pháp, công nghệ mới nhất trên thế giới trong lĩnh vực này.
Với khoảng 20 bài tham luận, cùng với gần 4 tiếng đồng hồ đối thoại và thảo luận trực tiếp giữa 16 diễn giả, VEPF 2015 sẽ đưa ra các gợi ý, kiến nghị phù hợp để hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong xã hội, cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán và các công ty công nghệ tài chính phối hợp phát triển thanh toán điện tử nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 1990 với sự xuất hiện của máy chấp nhận thanh toán (POS) và thẻ thanh toán quốc tế. Sau 25 năm, phương thức này đã có những bước tiến vượt bậc, song hành với nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng và sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại. Dù vậy, thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Trong lĩnh vực hành chính công, ngành thuế nhiều năm qua đã nỗ lực tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục điện tử và từ 1/12/2015 đã yêu cầu các ngân hàng dừng thu thuế bằng tiền mặt tại quầy. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy đến ngày 9/12, 92% doanh nghiệp trên cả nước đã đăng ký làm thủ tục thuế điện tử nhưng mới có 66% nộp theo hình thức này, trong khi mục tiêu đến cuối năm nay phải có 90% doanh nghiệp nộp qua đường điện tử. Phương thức này cũng chưa áp dụng được với các hộ kinh doanh cá thể nộp thuế khoán và thiếu chế tài đối với việc không thực hiện nộp thuế điện tử.
Với thương mại điện tử và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, dù Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2014 – 2020, song theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64% trong khi doanh số mua hàng trực tuyến của người Việt ước tính khoảng gần 4 tỷ USD
Báo cáo của Hiệp hội Thẻ ngân hàng cho thấy đến hết năm 2014, cả nước đã có gần 170.000 POS được lắp đặt trên toàn quốc, tăng 1.330% so với năm 2006. Tuy nhiên, giá trị giao dịch thanh toán qua POS lại tăng chậm hơn và hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với rút tiền mặt tại ATM. Cuối năm 2014, doanh số rút tiền mặt tại ATM lên đến gần 1,1 triệu tỷ đồng, trong khi phần thanh toán qua POS chỉ hơn 106.000 tỷ đồng.