Xã hội

Kẻ giết người hàng loạt và vụ kiện liên quan đến ‘vong hồn kêu oan’

Tòa Cầu Giấy không chỉ yêu cầu Báo bồi thường, mà còn bắt xin lỗi cả “vong linh" một tên tội phạm khát máu, một kẻ giết người hàng loạt, gây tang thương cho biết bao người ở Quảng Ninh.

Lời tòa soạn: Ngày 24/4 tới đây, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “Yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại” của bà Nguyễn Thị Mùi (thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) với Báo Gia đình Việt Nam.

Điều gây xôn xao dư luận, là trước đó, Ngày 22/9/2017, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi, yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam và Tổng biên tập Hồ Minh Chiến phải xin lỗi độc giả, bà Mùi và gia đình cùng vong linh người chết (?!).

Ngoài ra, Tòa yêu cầu Báo gia đình Việt Nam bồi thường cho bà Nguyễn Thị Mùi tổng số tiền 72.726.000 đồng, trong tổng số tiền 300 triệu đồng mà bà Mùi yêu cầu đền bù.

Cả Báo Gia đình Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Mùi đều không chấp nhận bản án này, nên sẽ “gặp nhau” ở Tòa dân sự Hà Nội.

Điều thú vị, xoay quanh vụ kiện đòi bồi thường này, đó là tấm ảnh chân dung bà Nguyễn Thị Mùi được đăng trên một ấn phẩm của Báo Gia đình Việt Nam. Bà Mùi vin vào việc Báo không có văn bản đồng ý của bà khi đăng hình ảnh, và điều đó làm tổn hại đến sức khỏe, uy tín, tinh thần... khiến bà thiệt hại đến 300 triệu đồng (?!).

Điều khó tin nổi với giới báo chí, là Tòa dân sự Cầu Giấy không chỉ yêu cầu Báo bồi thường, mà còn bắt xin lỗi cả “vong linh người chết”. Mà “vong linh người chết” ở đây chính là Bùi Đức Lợi, một tên tội phạm khát máu, một kẻ giết người hàng loạt, một kẻ gây tang thương cho biết bao người hiện còn sống ở Quảng Ninh.

Mấy mạng người bị sát hại, mấy gia đình mất người thân, người đàn bà bệnh tật chưa được người thân của tên sát nhân này đền bù đồng nào, chưa được một lời xin lỗi, vậy mà Tòa dân sự Cầu Giấy lại bắt lãnh đạo của một tờ báo xin lỗi “vong linh người chết”, tức là phải xin lỗi “vong linh” của tên giết người khét tiếng, đã bị tử hình bởi quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao.

Câu chuyện chỉ xoay quanh vụ việc Báo Gia đình Việt Nam đăng ảnh chân dung bà Mùi có đúng quy định hay không, mà đẩy lên thành vụ việc phức tạp.

Luật sư Phạm Ngọc Minh Công ty TNHH Everest cho biết: “Bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng Báo Gia đình Việt Nam đã tự ý đăng ảnh cá nhân của bà, tự ý đăng đời tư của bà lên báo chí, xúc phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của bà mà không được sự đồng ý của bà là không có căn cứ. Khi phóng viên chụp các bức ảnh này, bà Nguyễn Thị Mùi không phản đối. Cụ thể là cả hai bức ảnh chụp trực diện thể hiện rõ thái độ chủ động của bà Nguyễn Thị Mùi khi được chụp ảnh. Như vậy, bà Nguyễn Thị Mùi không phản đối việc phóng viên chụp và đăng ảnh”.

Ngoài ra, theo ông Minh, việc bà Mùi liên tục kiện cáo các cơ quan thi hành án, tuyên truyền mê tín dị đoan với cảnh “tử tù Bùi Đức Lợi” nhập vong vào cô đồng Sinh (ở Hải Dương), khiến dư luận hiểu sai vụ án, thì với trách nhiệm của cơ quan báo chí, cần thiết phải làm rõ hiện tượng này, do đó, việc chụp ảnh bà Mùi như nhân vật tuyên truyền mê tín dị đoan, là trách nhiệm của báo chí, không cần phải xin phép bằng văn bản.

Câu chuyện về tên sát nhân giết người hàng loạt Bùi Đức Lợi “hiện hồn” gây náo loạn xã hội, từng được nhóm phóng viên của Báo điện tử VTC News cùng với Gia Đình Việt Nam kết hợp điều tra, bóc mẽ từ năm 2013. Báo điện tử VTC News tiếp tục thông tin về câu chuyện này, để độc giả hiểu rõ bản chất của sự việc.

Kỳ 1: Người đàn bà mê tín và những câu chuyện “dị đoan”

Người mẹ đau khổ

Thời điểm 2012-2013, cho đến tận bây giờ, dư luận cả nước vẫn xôn xao về những video clip liên tục được tung lên mạng, về chuyện “hồn ma tử tù” đã nhập vào nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Sinh (thường gọi là cô đồng Sinh ở thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương) để kêu oan. Rồi cả “hồn ma” các cụ nhà tử tù cũng nhập vào cô đồng này để kể lể những chuyện kỳ quái.

Theo đó, những “vong hồn” này khẳng định rằng, Bùi Đức Lợi (trú ở Thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) không phải thủ phạm trong vụ giết người hàng loạt, cướp của, hiếp dâm. Không những thế, “hồn ma” cả nạn nhân của vụ giết người man rợ cũng “nhập” vào cô đồng Sinh để kêu oan cho “tử tù”.

Kinh dị hơn, “hồn ma” còn tố cáo lực lượng thực thi pháp luật, đã bí mật móc mắt, moi gan, lấy tim, óc… của tử tù để bán sang Trung Quốc, chứ không hề tử hình theo quy trình! Những thước phim rùng rợn với nhiều người vây quanh xem, đã khiến không ít người rùng mình sợ hãi. Thậm chí, những người không biết gì về vụ án kia đã tỏ ra bức xúc, cho rằng mạng người chết oan, mà kẻ tội đồ vẫn nhởn nhơ pháp luật.

Người mẹ của “hồn ma tử tù” trong những video trên mạng là bà Nguyễn Thị Mùi, trú ở tổ 4, thị trấn Cái Rồng.

Núi Cái Rồng, nơi xảy ra vụ án giết người man rợ.

Hôm đó, đường ra huyện đảo Vân Đồn lộng gió. Thời tiết rất lạ. Lúc trời nổi giông gió, mây đen vần vũ, mưa như trút nước, rồi nắng lại vàng ruộm khắp núi non, biển một màu xanh ngọc.

Đón chúng tôi ở ngã ba Bưu điện trung tâm, bà Nguyễn Thị Mùi ngó trước, nhìn sau, rồi lôi tuột chúng tôi vào ngôi nhà trong ngõ nhỏ. Mảnh đất rộng rãi, ngôi nhà to, mà cổng rả xộc xệch. Ngôi nhà khang trang, nhưng chẳng có đồ đạc gì. Bàn ghế cũng không có. Bà trải chiếu tiếp khách dưới nền đất.

Người đàn bà tóc muối tiêu, điểm nhiều sợi bạc, đôi mắt hõm sâu, đủ biết đã trải đau đớn nhường nào. Mẹ nào mà chẳng thương con. Mất đứa con ngoan thì đau lắm, nhưng mất đứa con hư, thì nỗi đau cũng chẳng kém hơn, bởi vừa mất con, vừa đau xót vì đã mang nặng đẻ đau một đứa con hư đốn. Nhưng giờ, bà lại nặng trĩu nỗi lòng, vì mang suy nghĩ con mình chết oan uổng, thì thử hỏi còn nỗi đau nào kinh khủng hơn nữa?

Bà Mùi mang cốc nước lọc, lần mò trong ánh điện yếu ớt tìm cặp kính lão, lật xếp hồ sơ. Bao năm nay, bà chạy đôn chạy đáo, bán cả đất, thuê luật sư, thảo cả tạ đơn thư khiếu kiện mong gỡ tội cho con mình. Giờ con đã sang cát, bà vẫn không ngừng soạn đơn, thuê luật sư, và còn tính bán hết cả đất ở, đất rừng với mong muốn con mình được giải oan, linh hồn được siêu thoát! Bà lập trình tư tưởng cho mình và quyết tâm làm việc đó, bởi bà có niềm tin con mình vô tội.

Tôi hỏi bà: “Các bản án, rồi kết luận của công an, viện kiểm sát, tòa án các cấp đều khẳng định con bà mắc trọng tội giết người, hiếp dâm, cướp có vũ khí. Con bà cũng đã nhận tội bằng ghi hình, ghi âm, bằng chữ ký vào các bản cung. Vậy bà vin vào điều gì mà mang niềm tin con mình vô tội?”. Bà Nguyễn Thị Mùi giở từng trang giấy, dùng bút chỉ vào những chỗ đánh dấu và phân tích như một chuyên gia. Tôi hiểu rằng, những điều bà nói, phân tích, hầu như là do luật sư chỉ dẫn, vạch vòi ra giúp. Nếu chỉ đi sâu và để tâm vào một số chi tiết ấy, thì có thể sẽ còn nghi vấn, nhưng nhìn chung toàn bộ hồ sơ vụ án, thì Bùi Đức Lợi đã phạm tội kinh hoàng. Nhưng trong câu chuyện dài dòng, miên man, tôi tin rằng, đức tin con mình vô tội của bà mẹ đau khổ này, có phần nhiều xuất phát từ những buổi gọi hồn kỳ lạ.

Bà Nguyễn Thị Mùi quê ở xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Bà sinh ra trong gia đình có 6 chị em. Bà là cả. Bà Mùi vốn học trường kỹ thuật bưu điện ở Phủ Lý. Học xong ngành bưu điện thì tiếp tục học Báo vụ ở Núi Đọi (Hà Nam). Bà được điều ra Quảng Ninh làm ở bưu điện Móng Cái. Sau chuyển về Hòn Gai. Làm việc ở đây vài năm, bà về Thái Bình cưới chồng bộ đội. Đến năm 1977, chồng bà, ông Bùi Đình Quyền phục viên, thì sống với nhau ở Vân Đồn. Ông bà sinh được 3 người con trai. Người con cả sinh năm 1975, đã có vợ con ở Hà Nội. Con thứ 2 là Bùi Đức Lợi, sinh năm 1979, kẻ đã bị tử hình vì tội giết người hàng loạt. Người con thứ 3 sinh năm 1982, từng làm ở bưu điện huyện, nhưng vì không chịu nổi sức ép khủng khiếp sau vụ án của anh trai, đã bỏ việc Nhà nước lên Hà Nội sinh sống.

Nhắc đến Bùi Đức Lợi, bà lại ngẩng mặt nhìn lên ban thờ lạnh lẽo khói hương. Nhìn căn nhà trống hoác, bàn thờ Lợi cũng lạnh lẽo, hoang tàn, chỉ có di ảnh và bát hương lâu ngày không nhang khói. Bà bảo rằng, bà đã đưa hài cốt con trai về Thái Bình và giải quyết xong vụ kiện, bà cũng bán nốt nhà rồi về Thái Bình ở.

Thấy thái độ tôi có vẻ lo sợ, bà Mùi trấn an rằng, con trai bà (tức tử tù Bùi Đức Lợi) rất thiêng, sẽ đi theo bảo vệ tôi vì bà nghĩ tôi đi đòi "công bằng" cho bà. Bà cũng luôn miệng kể rằng không có "vong hồn con trai" đi theo bảo vệ, thì bà khó còn bảo toàn tính mạng đến ngày nay.

Bùi Đức Lợi diễn lại cảnh bắt cóc và sát hại các nạn nhân.

Rồi bà Mùi kể về vụ tai nạn khủng khiếp diễn ra cách nay không lâu. Hôm đó, bà lên nhà cô đồng Sinh ở Hải Dương gọi hồn con. Xong việc, bà bắt xe khách về. Lên xe, như thường lệ, bà chọn ngồi giữa xe cho an toàn. Bà kiện cáo nhiều năm nay, từng bị án vì tội gây rối, nên trong đầu lúc nào cũng thường trực suy nghĩ có người hãm hại. Để bảo toàn cho tính mạng mình, nên bà cũng cẩn thận hết mức. Tuy nhiên, đang ngồi giữa xe, thì bà bị đẩy xuống gần cuối xe. Một người phụ nữ chiếm mất chỗ ngồi của bà. Người phụ nữ này cứ liên tục gọi điện, bảo là xe đã đến chỗ này, xe đã đến chỗ kia. Bà đang thiu thiu ngủ, thì rầm một cái. Cả phần đuôi xe bị nhấc bổng lên trời. Cả xe náo loạn, người kêu, người khóc. Hóa ra, chiếc xe tải chở gạch mất lái đã húc thẳng vào đuôi xe khách. Đầu xe tải chúi xuống, nhấc bổng đuôi xe khách lên trời. Thân thể bà Mùi bị một số mảnh kín găm vào, chảy máu.

Tuy nhiên, vụ va chạm không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà. Bà Mùi phân tích vụ tai nạn và khẳng định với tôi rằng, bà đã bị… ám sát! Bà nghi ngờ người phụ nữ lạ kia lên xe, chiếm chỗ ngồi của bà với mục đích đẩy bà xuống cuối xe, rồi gọi điện thông báo địa điểm xe đi tới, để điều sát thủ đến. Tôi phân tích rằng, nếu muốn hại bà, thì có nhiều cách hại, chứ chẳng ai dại dột lại đâm cả xe tải vào xe khách chở nhiều người như vậy, nhưng bà Mùi vẫn mang đức tin cho riêng mình. Sự sống sót của bà trong vụ tai nạn không chết ai ấy, được bà tin rằng do linh hồn con trai “chết oan” theo sát bảo vệ. Và cũng vì thế, bà luôn trấn an tôi rằng, con trai bà luôn theo sát bảo vệ nhà báo đi tìm lẽ phải, sẽ không ai hãm hại được.

“Thằng con Dại”

Trở lại chuyện người con trai thứ 2, tên là Bùi Đức Lợi của bà. Trong câu chuyện với tôi, bà gọi là “thằng Dại”, ý nói đó là đứa con dại dột, nông nổi.

Theo bà, Bùi Đức Lợi vốn là đứa con ngoan, học hành cũng tạm được. Tuy nhiên, đen đủi xảy đến với Lợi từ năm học lớp 10. Hồi Lợi đang học lớp 10, ở thị trấn Cái Rồng xảy ra một vụ hiếp dâm trẻ em ở nghĩa trang. Mấy cán bộ ở thị trấn bảo Lợi sang trụ sở khiêng hộ bàn ghế, rồi giữ luôn lại để lấy lời khai. Họ kiểm tra trên người xem có vết chạm trổ như lời nạn nhân nói không. Không thu thập được chứng cứ gì, nên họ thả Lợi về. Sau lần đó, Lợi bị ám ảnh lắm, chịu nhiều lời đồn, dị nghị. Cũng vì thế, Lợi sống kín đáo, xa rời mọi người.

Học xong lớp 12, Lợi thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội và đỗ vào khoa Điện tử viễn thông. Lúc đó, người anh trai của Lợi, cũng học khoa này, sắp ra trường. Ngày đó, gia đình bà Mùi rất khó khăn. Vợ chồng ly thân, mình bà nuôi 3 người con với đồng lương ba cọc ba đồng. Thương mẹ, 2 tháng sau ngày nhập học, Bùi Đức Lợi đã bỏ học. Lợi vào thẳng Đắk Lắk làm thuê cho một gia đình trồng cà phê trong đó. Làm được 3 tháng, biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê, lợi bỏ về Vân Đồn. Khi đó, gia đình được chia 10 héc-ta rừng, nên Lợi bàn với mẹ trồng cà phê. Tuy nhiên, bà Mùi đã không đồng ý cho Lợi trồng cà phê, vì đất và thời tiết không phù hợp. Nghe lời mẹ, Lợi vào Cái Bầu, làm thuê cho nhà bà Hẹn, là người quen, để học cách trồng rừng. Học được 2 tháng thì Lợi về nhà và quyết tâm trồng rừng, với mong ước làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà.

Thấy con chịu khó, lại quyết tâm làm giàu, nên bà Mùi đã để cho Lợi đứng tên toàn bộ 10 héc-ta đất rừng. Lợi đã bỏ học, hy sinh riêng mình, để anh tiếp tục được học, em trai có điều kiện vào đại học, nên bà Mùi bù đắp hết cỡ cho Lợi. Trồng trọt suốt mấy năm trời, đến tháng 6-2006, chuẩn bị thu hoạch, thì rừng cháy đùng đùng. Mẹ con bà Mùi nhờ cả đơn vị bộ đội đóng gần đó lên cứu giúp, nhưng không chữa nổi. Nước thiếu, mà ngọn lửa quá hung dữ, đã thiêu trụi toàn bộ rừng keo mà mẹ con bà vất vả trồng trọt suốt mấy năm qua.

Không chấp nhận thất bại, bà Mùi và con trai tiếp tục gây dựng lại sự nghiệp trồng rừng. Mẹ con bà thuê tới 20 nhân công, làm việc suốt ngày để trồng lại rừng. Quá trình trồng rừng đang diễn ra, thì xảy ra bi kịch kinh hoàng, khiến không những cả huyện đảo Vân Đồn, mà cả tỉnh Quảng Ninh chấn động: Một vụ hiếp dâm, giết người hàng loạt xảy ra trên một quả đồi…

Theo lời bà Mùi kể lại, thì năm 2009, bà lên thăm con, mới biết con đã bị tử hình rồi. Bà tìm ra nghĩa địa, thấy mộ Lợi. Mấy năm sau, bà đào xác con về. Bà thấy một cánh tay của Lợi bị gẫy.

Sau đó, bà liên tục gặp "báo mộng" rằng con trai bà bị người ta đục đầu, khoét mắt, cắt lưỡi con, rồi mổ bụng moi tim, gan, cắt cả quả cà...

Cô Đồng Sinh bày trò mê tín dị đoan, giả mạo "vong linh" Bùi Đức Lợi và các nạn nhân để kêu oan, tố Công an Quảng Ninh giết người bán nội tạng sang Trung Quốc.

Chuyện Lợi về báo mộng khiến bà Mùi mất ăn, mất ngủ. Bà kể chuyện này với nhiều người. Sau khi có được lời khuyên, bà quyết định tìm đến “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thị Sinh. Bà rủ 2 cô em đi cùng.

Từ Vân Đồn đến nhà ngoại cảm ở Bình Giang (Hải Dương) khá xa, nên phải đi sớm. Thế nên, tối hôm trước, hai người em đã lên nhà bà ở thị trấn Cái Rồng ngủ cùng, để sáng sớm bắt xe khách. Nửa đêm, một cô em của bà hét ầm ĩ lên, rồi tỉnh dậy kể rằng mơ thấy Bùi Đức Lợi bị khoét mắt về dọa.

Những giấc mộng kinh dị khiến 3 người đàn bà đều có niềm tin rất lớn vào sự "báo mộng" của "vong hồn Bùi Đức Lợi". Sớm hôm sau, 4 giờ sáng, 3 người phụ nữ đã trở dậy cơm nước. 5 giờ sáng, mọi người ra bến xe Vân Đồn để đi Hải Dương, tìm đến nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Sinh, còn gọi là cô đồng Sinh, ở làng Ngọc Cục (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương). Câu chuyện “hồn ma tử tù” cùng nạn nhân nhập vào nhà ngoại cảm khiến không ít người bàng hoàng, rùng rợn.

Theo các tài liệu từ cơ quan điều tra, khoảng 8 giờ ngày 11-8-2006, Bùi Đức Lợi (SN 1979, trú thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) cầm khẩu súng thể thao tự chế, cuộn dây thừng nhỏ, chiếc khăn bông, cái cuốc và một túi bánh từ xã Hạ Long (Vân Đồn) lên đồi Máy Bay (huyện Vân Đồn) chặt cây giống về trồng. Đến khu vực lưng chừng đồi nghe có tiếng chặt củi và bóng người, hắn nảy sinh ý định cướp tài sản nên lần theo tiếng động đến gần. Thấy chị Nguyễn Thị Duân (SN 1969, trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) cùng hai con là Nguyễn Thị Mai (SN 1993) và Nguyễn Văn Lâm (SN 1995) đang chặt củi, Lợi lấy khăn bịt mặt, chỉ để hở hai mắt, tiếp cận đối tượng. Hắn đã nảy sinh ý định hiếp dâm chị Duân, nhưng không được, nên dùng dao chém nhiều nhát vào đầu chị. Sau đó, hắn giết cả cháu Mai và Lâm.

Khoảng 19 giờ 30 ngày 29-1-2007, Lợi đội mũ len trùm kín mặt chỉ để hở hai mắt, cầm khẩu súng trèo tường đột nhập nhà ông Phan Đình Hùng (tổ 92, khu Đồn Điền, Hà Khẩu, TP. Hạ Long). Ông Hùng dùng tay hất khẩu súng. Lợi bắn ngay khiến ông gục xuống nền nhà, chết tại chỗ. Trước đó, 19 giờ 30 ngày 7-1-2007, Lợi cầm khẩu súng nói trên, đội mũ len bịt mặt đột nhập nhà ông Nguyễn Sỹ Điều. Lợi lấy một đoạn dây đưa cho bà Lân bắt bà trói chồng lại. Xong việc, hắn lục soát lấy 30 triệu đồng rồi khóa cửa nhốt vợ chồng ông Điều lại, bỏ trốn. Khoảng 20 giờ ngày 15-1-2007, Lợi đội mũ len bịt kín mặt cầm súng đột nhập nhà anh Trần Văn Hậu (ở tổ 16, khu 2, phường Cửa Ông) cướp tài sản. Hắn lục soát lấy 200 ngàn đồng, một đôi hoa tai và 3 nhẫn vàng, một đồng hồ Rado rồi trói mọi người lại và biến mất.

TAND tỉnh Quảng Ninh và TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên xử tử hình đối với Bùi Đức Lợi.

Còn tiếp...

Tác giả: PHẠM DƯƠNG NGỌC

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP