Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, Sri Lanka tan hoang sau vụ một đánh bom hôm 21/4. Ảnh: CNN. |
Thấy nhà thờ Thánh Sebastian chật ních người đến dự lễ Phục sinh sáng 21/4, ông Dilip Fernando và vợ quyết định đến một nhà thờ khác hành lễ. Khi họ vừa rời khỏi, một quả bom phát nổ xé toang nhà thờ của thị trấn ven biển ở Negombo, gần thủ đô Colombo của Sri Lanka, khiến hàng chục người tại đây thiệt mạng.
Đó chỉ là một trong số 8 vụ đánh bom diễn ra tại các nhà thờ và khách sạn lớn ở thủ đô Sri Lanka và vùng lân cận. Hiện số người thiệt mạng vượt 290, 500 người bị thương. Chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công này.
"Tôi thường đến đây hành lễ", ông Fernando, 66 tuổi, nói khi quay trở lại nhà thờ vào ngày hôm sau và chứng kiến sự tàn khốc của vụ tấn công mà gia đình ông suýt chút nữa trở thành nạn nhân. "Tôi và vợ đến đây vào lúc 7h30 sáng nhưng nhà thờ đã chật kín người, không còn một chỗ trống. Tôi không muốn đứng suốt thời gian làm lễ nên đã rời đi và đến một nhà thờ khác".
7 người thân trong gia đình của ông Fernando, bao gồm dâu rể và hai cháu ngoại, quyết định ở lại và đứng bên ngoài nhà thờ Thánh Sebastian. Từ chỗ họ đứng, người nhà của ông Fernando quan sát thấy một người được cho là kẻ đánh bom tự sát. "Đến cuối buổi lễ, các con tôi nhìn thấy một gã thanh niên đi vào nhà thờ với một chiếc túi nặng", ông Fernando nói. "Trên đường đi ra, hắn đã xoa đầu cháu gái tôi. Đó chính là kẻ đánh bom".
Gia đình ông Fernando tự hỏi tại sao hắn vào nhà thờ khi mà buổi lễ sắp kết thúc và miêu tả nghi phạm khoảng 30 tuổi "trông rất trẻ và ngây thơ". "Hắn không tỏ ra phấn khích hoặc sợ hãi. Hắn rất bình tĩnh", một người thân của ông Fernando kể.
Sau khi quả bom phát nổ, 7 người nhà của ông Fernando kéo nhau bỏ chạy, rồi gọi điện cho vợ chồng ông vì nghĩ họ ở bên trong. "Tôi thật sự may mắn bởi vì thường thì tôi đến lễ ở đây. Chúng tôi cảm thấy nhẹ cả người nhưng cũng rất buồn cho làng mình", ông Fernando nói và cho biết tang lễ cho các nạn nhân sẽ sớm được cử hành.
Dẫu vậy, ông Fernando tin rằng cộng đồng Công giáo ở Sri Lanka, cộng đồng chỉ chiếm 6% dân số Sri Lanka, sẽ không run sợ trước thảm họa này. "Nếu sáng nay nhà thờ mở cửa, tôi sẽ đến. Chúng tôi không sợ hãi, không để những kẻ khủng bố thắng, không đời nào".
Ông Fernando cho rằng trách nhiệm thuộc về chính phủ vì đã không thể ngăn chặn được các vụ tấn công. "Trả thù không có ích lợi gì", người đàn ông 66 tuổi nói. "Một vụ tấn công như thế này đáng lẽ ra đã có thể tránh được". Cơ quan tình báo Sri Lanka được cho là đã biết thông tin về vụ đánh bom 10 ngày trước đó.
Đây là vụ đánh bom nhắm vào thường dân đẫm máu nhất trong lịch sử của đảo quốc Nam Á này kể từ sau cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009. Bắt đầu từ ngày 23/7/1983, lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil, một tổ chức phiến quân ly khai, nổi dậy chiến đấu cho một nhà nước độc lập ở phía bắc và phía đông của Sri Lanka. Quân đội đánh bại tổ chức này vào tháng 5/2009. Trong gần 26 năm, cuộc nội chiến này khiến 80.000-100.000 người thiệt mạng.
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress