Ông Trần Minh Cừ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia gặp gỡ ngư dân trước khi về nước. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Indonesia)
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, các ngư dân chủ yếu quê ở Kiên Giang và Bình Định, bị giam giữ 5-7 tháng tại đảo Pontianak, tỉnh Kalimantan, Indonesia.
Trong dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã hoàn thành thủ tục bảo hộ công dân để đưa tổng cộng 111 ngư dân về nước. Đây là đợt trao trả ngư dân Việt Nam lớn nhất từ đầu năm đến nay. Các ngư dân này sẽ được đưa về nước lần lượt trong 3 ngày, bao gồm các ngày 5/4 (39 người), ngày 6/4 (40 người) và ngày 11/4 (32 người).
Tình trạng ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia và bị bắt giữ thời gian qua có xu hướng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay đã có 42 tàu với 392 ngư dân bị bắt giữ, trong đó riêng trong tháng 3, số tàu vi phạm và bị bắt đã tăng đột biến lên con số 35 tàu với 330 ngư dân.
Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của phía Indonesia để đưa về nước tổng số 440 ngư dân, trong đó có 390 ngư dân tại Indonesia và 50 người tại Papua New Guinea. Hiện nay vẫn còn 370 ngư dân đang bị giam giữ tại các đảo của Indonesia.
Ông Trần Minh Cừ, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng gia tăng này, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan ở trong nước để phổ biến, tuyên truyền các thông tin cảnh báo, kiến nghị đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng này.
Các chủ tàu cũng như các địa phương có tàu ra khơi cần tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, theo dõi để ngăn chặn việc vi phạm; truyền đạt các thông tin đối với các ngư dân, các địa phương cũng như với các chủ tàu tăng cường phối hợp hơn nữa trong các giải pháp để ngăn chặn tình trạng gia tăng đó gây ảnh hưởng đến kinh tế của bà con ngư dân, cũng như ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh đất nước, ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam và Indonesia”.
Ngư dân Đỗ Thanh Bạch, quê ở Kiên Giang, cho biết ông đã bị giam ở đây 6 tháng, sau khi bị phía Indonesia bắt ở vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Indonesia. Ông đã làm nghề đi biển được hơn 20 năm, và đây là lần đầu tiên ông bị bắt. Ông nói: “Sau khi được về tôi cũng chưa biết có tiếp tục nghề đi biển hay không, tuy nhiên nếu tiếp tục nghề đi biển tôi sẽ phải hỏi kỹ chủ tàu cũng như tài công về hợp đồng cụ thể chứ không để bị mắc lừa như hiện nay dẫn đến bị bắt”.
Từ năm 2014 đến nay, Indonesia chủ trương xử lý cứng rắn với các tàu đánh bắt cá nước ngoài vi phạm vùng biển nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và giữ chủ quyền quốc gia.
Gần đây nhất, ngày 1/4, nước này đã cho đánh chìm 81 tàu cá nước ngoài tại 12 địa điểm trên khắp cả nước, trong đó có nhiều tàu cá của Việt Nam. Trong hơn 2 năm áp dụng các biện pháp mạnh, đã có 317 tàu thuyền nước ngoài vi phạm đánh bắt trái phép tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia bị tịch thu và phá hủy.
TTXVN/Tin Tức