Thiệt hại ban đầu có 3 ngôi nhà bị trôi, 5 xe tải loại 10 – 15 tấn, 2 xe con, 1 xe cẩu 25 tấn, 2 xe múc, 1 máy ủi bị trôi và hư hỏng nặng.
Việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích đã được tiến hành suốt đêm qua. Hiện số người mất tích được xác định là 15 người chứ không phải 2 ngời như thông tin ban đầu.
Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, mưa lớn kéo dài trên khu vực hồ chứa công trình Thuỷ điện Sông Bung 2 làm cho nước hồ lên nhanh. Lưu lượng đỉnh lũ vào trưa 13/9 là 560m3/s (theo thông báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung Trung bộ).
Vào lúc 16 giờ 25 phút ngày 13/9, tại hạ lưu khu vực hầm dẫn dòng, nhà thầu Tổng công ty xây dựng thuỷ lợi 4 (HYCO4) cùng Ban Quản lý dự án (QLDA) và các đơn vị tư vấn đang tổ chức đắp đê quai hạ lưu và bơm thoát nước để đổ bê tông nút hầm dẫn dòng thì phát hiện tình trạng nước chảy vào hầm dẫn dòng với lưu lượng khá lớn và chảy về phía hạ lưu, gây ngập.
Hầm có chiều dài 400 m, rộng 12 m và cao 14 m. Sự cố xảy ra làm hư hại một số thiết bị thi công, đặc biệt là làm mất tích 02 công nhân vận hành máy đào của nhà thầu HYCO4. Hai nạn nhân gặp nạn hiện còn mất tích là anh Nguyễn Minh Luân, sinh năm1992, trú tại Ngọc Lập, Phú Thọ và anh Đặng Văn Tuyền, sinh năm 1979, trú tại Cẩm Giàng, Hải Dương.
Đập thủy điện Sông Bung 2.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Tổng Công ty Phát điện 2 (đơn vị chủ đầu tư dự án) và các ngành chức năng đã có mặt tại công trường để chỉ đạo các bên liên quan có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng phối hợp khắc phục sự cố.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: ngay sau khi nhận được tin xảy ra sự cố tại thuỷ điện Sông Bung 2, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng, huyện Nam Giang triển khai lực lượng để rà soát, tìm kiếm những nạn nhân mất tích.
Quan sát của phóng viên TTXVN tại hiện trường, đến thời điểm 1 giờ 30 phút ngày 14/9 có thể khẳng định đập chính của thuỷ điện Sông Bung 2 vẫn ổn định. Tuy nhiên, qua rà soát, cơ quan chức năng huyện Nam Giang cho biết, vào thời điểm trước khi vỡ đường ống dẫn dòng của công trình thủy điện có khoảng 20 người dân đi trồng rừng thay thế và một số người khác hành nghề khai thác thuỷ sản khu vực hạ du thuỷ điện Sông Bung 2 đến nay vẫn chưa về nhà. Ngay trong đêm 13/9, lực lượng công an huyện Nam Giang đã đến từng hộ gia đình để cập nhật số lượng người dân chưa về đến nhà.
Ông Ngô Việt Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty phát điện 2 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết: chúng tôi tiến hành tích nước từ ngày 3/9, tại thời điểm xảy ra sự cố, nước đã lên đến cao trình 572m, trong khi đó mực nước dâng bình thường là 605 m, như vậy còn đến 33 m nữa nước mới đầy hồ để đi vào vận hành. Tuy nhiên sự cố vẫn xảy ra. Nước đã tràn qua đường hầm dẫn dòng và tràn ra phía hạ lưu gây ra hậu quả khá nghiêm trọng khi có 2 công nhân mất tích. Tuy nhiên qua kiểm tra, chúng tôi vẫn khẳng định là toàn bộ tuyến đập vẫn cơ bản ổn định. Do lượng nước qua hầm dẫn dòng vẫn còn lớn nên chúng tôi chưa thể thực hiện ngay việc khắc phục sự cố, phải chờ cho nước rút dần, lúc đó chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra toàn bộ hồ sơ về an toàn đập để có những giải pháp xử lý tiếp theo nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đập.
Theo thống kê ban đầu, sự cố tại thuỷ điện Sông Bung 2 đã làm ảnh hưởng đến 5 xã vùng hạ du gồm La êê, La Dêê, Chơ Chun, Chà Val và Zuôl (huyện Nam Giang), trong đó có 3 nhà dân bị nước cuốn trôi và một số phương tiện phục vụ công tác thi công cũng đã bị nước cuốn làm hư hỏng nặng ( gồm 2 máy đào, 1 máy ủi, 1 cần cẩu và 2 xe ô tô loại 7 chỗ ngồi).
Đến 2 giờ 30 phút sáng 14/9, do trời tối, nước còn đang chảy xiết nên lực lượng chức năng tạm dừng tìm kiếm, chỉ bố trí lực lượng đón ở khu vực cầu Sông Bung 4 (hạ lưu của thuỷ điện Sông Bung 2) nhằm phát hiện những người bị trôi.
Nguyễn Sơn – Đỗ Trưởng
TTXVN