Chính quyền phá hàng rào của dân
Theo tường trình của bà Hường, bà có mảnh vườn đã được nhà nước cấp bìa đỏ vào ngày 19/12/2003 với diện tích 1891 m2, về sau bà đã bán 3 suất đất với tổng diện tích 584 m2. Vì vậy, diện tích đất còn lại trong sổ đỏ của gia đình bà là 1307 m2, trong khi diện tích thực tế được đo lại chỉ còn 1100 m2 và được gia đình sử dụng bấy lâu nay.
Ngày 8/11/2014, gia đình bà bỏ móng xây dựng tường rào với chiều dài 20m, chiều cao 1,5m thì bị hai gia đình đối diện là ông Đoàn Nhật Tiến và gia đình ông Phan Bính ngăn cản không cho xây với lí do: “phải lùi 50cm để xây dựng mương nước, nếu không sẽ đập móng hàng rào”.
Ông Lê Khánh Quyền (con trai bà Thái Thị Hường) bên hàng rào bị tháo dỡ của gia đình |
Ngày 9/11/2014, ông Tiến và ông Bính mời ông Nguyễn Xuân Cảnh, Bí thư chi bộ xóm 6 tới làm việc, ông này nói trong bản đồ đo đạc địa chính không có mương dẫn nước, nên giải quyết dựa trên tình làng nghĩa xóm.
Trong các ngày 10/11, 12/11 và 25/11, một số cán bộ thôn xóm, cùng cán bộ địa chính xã, công an xã đã đến nhà bà Hường yêu cầu dừng việc xây dựng hàng rào lại, tuy nhiên gia đình bà tiếp tục xây vì cho rằng đã xây đúng trên phần đất của gia đình mình.
Chiều ngày 1/12 và chiều 2/12, cán bộ tư pháp xã là ông Cù Xuân Phú gửi giấy mời gia đình đến UBND xã họp bàn chuyện đất đai nhưng vì già yếu nên bà Hường không thể tới dự được.
“Đến khoảng 16 giờ ngày 2/12, ông Cù Xuân Điền là Chủ tịch xã cùng các cơ quan đoàn thể của xã và xóm, có cả đại diện công an huyện là anh Dũng, tất cả khoảng 23 người đến nhà tôi. Họ lấy lí do gia đình tôi vi phạm hợp đồng vì bán bò của dự án Vingroup để ép buộc gia đình tôi phá dỡ hàng rào nếu không sẽ phạt hợp đồng”- Bà Hường bức xúc cho biết.
“Ép bò lo mương”
Bà Hường cho biết thêm, vì là hộ nghèo và là gia đình chính sách nên gia đình bà được Dự án của Tập đoàn Vingroup tài trợ một con bò có giá trị 11 triệu đồng, theo hợp đồng, sau ba năm Dự án sẽ thu hồi lại con bê được sinh ra. Tuy nhiên, vì gia đình đã có một con bò khác nên bà quyết định nhận tiền 11 triệu đồng thay vì nhận bò. Qua thời gian, con bò của gia đình đã già, lại sinh con bò đực, không thể trả lại cho dự án, cho nên bà đã bán cả bò và bê được 22,5 triệu đồng. Bà đã dùng số tiền này mua một con bò khác với giá 22 triệu đồng và hiện đã mang thai được ba tháng. Bà dự định sẽ trả lại con me được sinh ra khi thời hạn thu hồi vẫn còn một năm rưỡi.
Tuy nhiên, “Chủ tịch xã Cù Xuân Điền đã lập biên bản con bò mới mua vì cho rằng gia đình tôi sai hợp đồng và biên bản tháo dỡ công trình, buộc gia đình lùi lại 50cm để làm mương. Sau đó, ép tôi kí vào biên bản nếu không sẽ đòi lại 22, 5 triệu đồng tiền bán bò. Lúc tôi vừa kí vào biên bản tháo dỡ công trình thì họ liền đập vỡ một mảng tường rào rồi ra về”- Bà Hường nói.
“Xã chỉ vận động, không cưỡng chế” ?
Làm việc với PV, Ông Cù Xuân Điền – Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Theo bản đồ đo đạc năm 2013, đoạn đầu đường đi qua nhà bà Hường có chiều rộng 4,2m, đoạn cuối đường có chiều rộng 3,4m. Việc gia đình bà Hường xây dựng bờ rào sát mép đường bê tông là đã lấn chiếm đất công. Còn ở vị trí đó có mương nước hay không thì tôi không biết, nhưng mỗi khi trời thì mưa nước chảy qua đó”.
Còn ông Cù Xuân Phú, Cán bộ địa chính xã khẳng định: “Theo bản đồ địa chính xã năm 2013 thì đoạn đường đi qua gia đình bà Hường có mương nước. Gia đình bà Hường xây dựng tường rào nhưng không giữ nguyên hiện trạng như nó vốn có”.
Biên bản làm việc của chính quyền xã Sơn Bình |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, Bản đồ địa chính 2013 có nhiều điểm khác biệt với bản đồ địa chính năm 2000. Theo đó, tại Bản đồ địa chính 2000 không thể hiện có đường mương và các số liệu thể hiện trên bản đồ năm 2013 cũng chênh lệch đáng kể với số liệu được đo đạc thực tế.
Bà Hường cho biết, “UBND xã vẽ lại bản đồ địa chính xã năm 2013 nhưng không thông báo cho chúng tôi, chúng tôi không hề biết nên không thể công nhận bản đồ này. Trước đây, để nước thoát chảy nên gia đình tôi có đào một đoạn mương, nhưng đào trong khuôn đất của gia đình. Bây giờ tôi lấp lại để xây bờ tường là không có gì sai”.
Ông Điền cho biết thêm: “Khi nhận được phản ánh của Ban mặt trận xóm và cộng đồng dân cư phản ánh gia đình bà Hường xây lấn đất công, chúng tôi đã nhiều lần cử cán bộ đến vận động cũng như mời bà Hường lên làm việc tuy nhiên bà không đi. Vì vậy hôm đó chúng tôi đến nhưng không phải là cưỡng chế, mà chỉ là đến để hòa giải và vận động gia đình. Việc phá dỡ hàng rào là do chúng tôi và gia đình tự nguyện dỡ để đóng mốc ranh giới”.
Tuy nhiên, tại Biên bản làm việc lúc 16h ngày 2/12, tại nhà bà Thái Thị Hường thể hiện: “Yêu cầu gia đình tháo dỡ phần tường rào đã xây lên phần đất tập thể, trả lại nguyên trạng mặt bằng. Thời gian tháo dỡ là 2 tuần tính từ ngày lập biên bản (đến hết ngày 15/12/2014)…Nếu đến hết thời gian nói trên gia đình không tự thực hiện tháo dỡ, trả lại mặt bằng thì UBND xã sẽ tổ chức tháo dỡ theo đúng quy trình luật định”.
“Nội dung của Biên bản làm việc thể hiện đây là Biên bản yêu cầu tháo dỡ công trình. Biên bản này thể hiện ý chí của cơ quan chức năng bắt buộc tháo dỡ công trình nếu không sẽ bị cưỡng chế theo quy định pháp luật, chứ không phải là biên bản hòa giải hay vận động. Như vậy, mặc dù chưa rõ sự thật của vụ việc nhưng UBND xã nếu có phá dỡ hàng rào là thực hiện sai nghiêm trọng quy trình cưỡng chế” – một Luật gia cho biết.
Việc chính quyền xã Sơn Bình có hay không việc ngang nhiên phá hàng rào của dân? Và còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp trong vụ việc này. Đề nghị chính quyền xã Sơn Bình cần nhanh chóng làm sáng tỏ và giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc
Đức Thọ – Nguyễn Mai