Trong thời gian tới, Báo SGGP sẽ tiếp tục cải tiến trang Trường Sơn hôm nay theo hướng giúp bạn đọc có thêm những thông tin, tư liệu bổ ích về Trường Sơn, để Trường Sơn mãi là một niềm tự hào của tất cả chúng ta, hôm nay và mai sau. Từ số này, bên cạnh những chuyên mục cũ, chúng tôi mở thêm mục Khám phá Trường Sơn (xuất bản xen kẽ với mục Mỗi kỳ một địa danh). Rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc gần xa. Thư từ, bài viết xin gửi về: Trang Trường Sơn hôm nay, Báo SGGP, số 399 Hồng Bàng phường 14 quận 5 TPHCM. Email: [email protected].Một cây thị cổ thụ (ảnh) tọa lạc trong khu vực vườn của gia đình bà Trần Thị Nhuận, 73 tuổi, ở xóm 13 (Kim Sơn 2), xã Sơn Phúc, huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hàng trăm năm nay, được người dân đặt tên là “Cây thị ăn thề” hay “Gốc thị sử tích”.Trải qua bao nhiêu thăng trầm, sự tàn phá khốc liệt của thời gian, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng cho đến nay cây thị vẫn xanh tốt, cành lá sum suê, sừng sững giữa đất trời. Và cứ vào mùa vụ lại cho ra hàng ngàn quả thị to tròn, chín vàng mọng lan tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp xóm làng.
Gốc “Cây thị ăn thề” có chu vi lớn nhất gần 13m, chiều cao khoảng từ 35m đến hơn 40m, tán rộng gần 30m, thân thon nhỏ dần lên phía ngọn, lớp da bên ngoài với chi chít những hốc, khối u thịt, đường gân sần sùi, ở ruột thân cây khoét rỗng tự nhiên tạo thành cái hốc lớn, cao 4-5m có thể vào trú ẩn được. Nhiều năm nay, đã có nhiều đoàn khách từ Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Hà Tĩnh… về đây tìm hiểu, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây thị.
Tâm sự với chúng tôi, cụ ông Nguyễn Văn Thiệu (78 tuổi, đời thứ 24 trong dòng tộc họ Nguyễn) đang được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ cây thị và nhiều bậc cao niên ở xóm Kim Sơn 2, xã Sơn Phúc đều khẳng định, trước khi họ lớn lên thì cây thị đã có từ rất lâu rồi. Nếu dựa vào lịch sử và gia phả dòng họ về nguồn gốc thì cây thị có thể đã trên dưới 700 năm tuổi. Cây thị được xem như “báu vật sống gia truyền” vô giá, là niềm tự hào không chỉ thuộc về dòng tộc họ Nguyễn mà còn của toàn thể nhân dân vùng sơn cước Hương Sơn.Tương truyền rằng chính nơi đây vào những năm 1425, khi Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn tại Thanh Hóa gặp khó khăn đã chuyển vào lập căn cứ ở thành Lục Niên, trên núi Thiên Nhẫn (giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Tĩnh – Nghệ An ngày nay). Nghe danh ông Nguyễn Tuấn Thiện thủ lĩnh đội quân Cốc Sơn lãnh đạo nhân dân trong vùng đứng lên chống giặc Minh xâm lược, Lê Lợi đã đích thân tìm đến kết nghĩa anh em và mời hội quân với nghĩa quân Lam Sơn. Sau đó, cả hai người cùng giết ngựa trắng uống máu, cắt tóc ăn thề ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này.
Kể từ đó cây thị được người dân trong vùng đặt tên “Cây thị ăn thề” hoặc “Gốc thị sử tích”. Cho đến nay khi về xã Sơn Phúc vẫn còn nghe dân địa phương lưu truyền câu thơ: Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ.Khi về xã Sơn Phúc, chúng tôi còn được các cụ cao niên, kể lại nhiều câu chuyện truyền thuyết liên quan đến cảnh gian truân của người khởi nghiệp nhà Hậu Lê – Lê Lợi.
Trong đó, vào khoảng năm 1424, Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi ráo riết đã chui vào ẩn nấp ở trong hốc của gốc cây thị ăn thề. Khi giặc Minh đuổi đến thì trời tối, liền cho đàn chó Ngao (chó săn) xúm quanh cây thị sủa vang. Binh lính dùng gươm giáo xỉa vào cây, Lê Lợi phải lấy vạt áo khéo lau những mũi giáo đâm chạm vào mình. Đang hồi nguy cấp thì bất ngờ một con cáo trắng từ bên trong hốc cây thị chạy ra ngoài làm đàn chó săn và binh lính rượt đuổi theo, nhờ vậy mà Lê Lợi thoát nạn…Để ghi nhớ sự tích lịch sử trên, ngày 15-7-2001, con cháu trong dòng tộc họ Nguyễn và nhân dân địa phương đã đóng góp kinh phí xây dựng một ngôi miếu thờ nhỏ ngay dưới chân gốc cây thị, rồi khắc nổi trên tấm bia “Gốc thị sử tích, mùa thu Ất Tỵ 1425 Lê Lợi – Nguyễn Tuấn Thiện tuyên thệ/ Thệ Phát Sơ Thù Minh Thị Hạ/ Quyết Tâm Bất Dịch, Trợ Hòa Đao” (có nghĩa: Cùng nhau nguyện thề dưới gốc cây thị giết giặc Minh xâm lược…).
Và hàng năm cứ vào ngày 17 tháng giêng Âm lịch trước ngày giỗ của Nguyễn Tuấn Thiện (vào ngày 18), người dân ở đây lại tề tựu về dưới gốc cây thị này thắp hương, hoa, dâng thị, làm lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, gia đình, sức khỏe, công việc, mùa màng… mọi sự đều được tốt lành.Cũng theo cụ ông Nguyễn Văn Thiệu, trong thời kỳ kháng chiến nơi đây còn là địa điểm tụ họp, che giấu của bộ đội, du kích địa phương… Chính vì vậy, người dân nơi đây vẫn mong ước sẽ được nhà nước cho nghiên cứu và công nhận đây là cây di sản, di tích quốc gia để bảo tồn, giữ gìn cho thế hệ cháu con đời sau…
DƯƠNG QUANG
SGGP