Người tiều phu làm đường
Sơ lược câu chuyện như sau: Ngày xưa, về phía Đông Nam núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có một làng quê nghèo, người dân sống chủ yếu bằng nghề kiếm củi, họ phải vượt qua dốc núi dựng đứng rất khó đi, nguy hiểm.Bấy giờ trong làng có một người tiều phu khoẻ mạnh và hay làm việc thiện, ông nghĩ bụng: Sao không ghép đá thành bậc thang cho dễ đi? Ông đem ý nghĩ ấy bàn với vợ con, nhưng ai cũng can ngăn. Ông lại đem bàn với dân làng nhưng ai cũng lắc đầu.Dù vậy, người tiều phu vẫn quyết chí. Có công mài sắt sẽ có ngày nên kim, ông nghĩ thế. Từ đó, ban ngày đi làm, ban đêm ông lại vác cuốc vác thuổng lên núi. Những chỗ hẹp, ông mở thêm lối. Những chỗ dốc, ông khuân đá ghép thành bậc, bậc nọ cách bậc kia vừa tầm bước chân, cứ thế vượt lên. Ngày qua tháng lại ông làm việc một mình. Càng vượt lên cao, công việc càng khó khăn, ông phải đem nước theo, tranh thủ thời gian, làm việc trên núi cả ngày.Người vợ ở nhà thấy chồng vất vả không làm sao can ngăn được, cuối cùng cũng lên núi chia sẻ công việc với chồng. Đến lượt các con ông cũng thay nhau cùng làm với bố. Con truông cứ thế càng kéo dài, vượt lên cao. Bấy giờ, dân làng thấy công việc của ông có kết quả nên mỗi nhà cũng cử ra một hai người góp công cùng ông. Bằng việc làm nghĩa cử của mình, cuối cùng ông đã lôi kéo được cả làng tham gia. Chẳng bao lâu sau, con đường hoàn thành.Vì con đường được ghép bằng đá, nên người ta gọi là Truông Ghép (truông, tiếng địa phương là con đường xuyên qua núi). Và vì đây là con đường ngắn nhất vượt qua núi nên người ta còn gọi là Truông Vắn. Người có công làm con đường đó, người đời sau cứ quen miệng gọi là Cố Ghép (Cố: tiếng miền Trung là cụ, ông).
Những bằng chứng có thật
Từ thị trấn Can Lộc (Hà Tĩnh) đi về phía đông khoảng 15km sẽ đến địa phận xã Thịnh Lộc, một xã nằm ven biển. Dãy Hồng Lĩnh đến đây đột ngột nhô lên một ngọn núi mà các sách địa chí xưa gọi là ngọn Hồ Trung, ăn sát ra biển, tạo nên một bức thành tự nhiên ngăn cách giữa hai huyện Nghi Xuân (phía Bắc) và Lộc Hà (phía Nam). Truông Ghép chính là con đường xuyên qua ngọn Hồ Trung này. Có người đã tỉ mẩn đếm được 1.645 bậc đá trên khoảng chiều dài 1km vượt dốc. Theo các nhà nghiên cứu thì truông đá ghép này đã tồn tại trên ba thế kỷ.Về người đầu tiên đứng ra làm con đường này, dân gian quen gọi là Cố Ghép. Lần tìm gia phả họ Ngô thì được biết ông là tổ tiên họ Ngô, tên húy là Trát, quê ở làng Động Gián (nay là xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Gia phả cho biết, ông là một lý trưởng. Công việc ghép đá làm đường của ông được gia phả ghi lại bằng một câu vắn tắt: “Ông đã từng đem hết sức làm xong con đường Truông Vắn”. Một câu vắn tắt thôi nhưng cũng đã khái quát toàn bộ công lao của ông. Cố Ghép – Ngô Trát được dân làng đời đời ghi công.
Khi ông mất, dân làng tổ chức tang lễ rất trọng thể. Ông và vợ là bà Đinh Thị Pha được song táng ngay dưới chân Truông Ghép. Ngày 14/11 là ngày giỗ của Cố Ghép – Ngô Trát.Về chi tiết ông là lý trưởng được ghi trong gia phả, chúng tôi thấy có hai khả năng:1. Có thể trước khi làm đường qua núi, ông đã là lý trưởng. Bằng uy tín cá nhân và chức vụ của mình, ông đã đứng ra vận động nhân dân làm đường và được mọi người hưởng ứng.2. Có thể ông là một tiều phu khoẻ mạnh như trong truyện cổ đã kể. Tự ông đứng ra làm đường và lôi kéo dần vợ con, người làng vào công việc. Sau khi làm xong con đường, ông được dân làng kính trọng, yêu quý, được quan trên tín nhiệm, do đó được “cất nhắc” lên chức lý trưởng. Chúng tôi nghiêng về khả năng thứ hai hơn.Truông Ghép, một bài ca về lao động cải tạo thiên nhiên, là hình ảnh cụ thể về công khai sơn phá thạch của người xưa, là một câu chuyện đẹp trong kho tàng truyện cổ tích của nhân dân ta. Một câu chuyện có thật.
Phan Duy Kha
Kienthuc