Kinh tế

Hội nghị thông qua dự thảo kế hoạch hành động REDD+ Tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020

Chiều 24/2, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Giám đốc Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II – Vũ Xuân Thôn cùng chủ trì hội nghị thông qua Dự thảo Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2020. Tham gia Hội nghị có đại diện của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Huốc (FAO), Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Viện sinh thái rừng và môi trường (IFEE), BQL Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II (PMU), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, BQL Chương trình UN-REDD tỉnh Hà Tĩnh (PPMU) cùng đại diện của các sở, ban, ngành liên quan…

image001

REDD+ được coi là một trong những sáng kiến quan trọng góp phần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng thông qua các hoạt động bảo vệ diện tích rừng hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ và giá trị của rừng, giảm khí thải nhà kính, thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH) và Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp. Chương trình nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan liên quan ở Trung ương và các tỉnh thí điểm để Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chi trả dựa vào kết quả thực hiện REDD+.

Với sự hỗ trợ từ BQL Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, Hà Tĩnh đã tổ chức các hoạt động khởi động Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II như: Tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về REDD+, về mối liên hệ giữa REDD+ và rừng, REDD+ và BĐKH; đào tạo năng lực mạng lưới truyền thông về REDD+ cho cán bộ cấp tỉnh; hội thảo tăng cường thực thi lâm luật cho chính quyền cấp huyện, xã; rà soát giao đất gắn với giao rừng tại các xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh (Hương Sơn). Xây dựng và ký kết, thực hiện văn bản thỏa thuận và quy chế phối hợp trong công tác BVR phòng cháy chữa cháy rừng giữa Hà Tĩnh với Nghệ An, Quảng Bình. Xây dựng, đánh giá cơ chế phối hợp kiểm soát khai thác gỗ trái phép, kiểm soát xuất nhập khẩu qua cửa khẩu vùng giáp ranh với hai tỉnh Khammouane và Bolikhamxay (Lào). Xây dựng kế hoạch hành động REDD+ xã Phú Gia, Hương Trạch (SiRAP) và hoàn thiện bộ máy hoạt động của BQL chương trình cấp tỉnh.

image002

Kế hoạch hành động Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016- 2020 (PRAP) được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động REDD+ cấp quốc gia (NRAP) giai đoạn 2011- 2020.

Theo dự thảo kế hoạch REDD+ sẽ được triển khai trên phạm vi 195 xã của 13 huyện, thành phố, thị xã có rừng và đất lâm nghiệp của Hà Tĩnh. REDD+ sẽ có 2 giai đoạn chính. Trong các năm 2016 – 2017, sẽ xây dựng được hệ thống tổ chức, quản lý, điều phối, nâng cao nhận thức và năng lực kỹ thuật trong triển khai thực hiện các hoạt động REDD+ của các bên liên quan, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, dân tộc thiểu số và cộng đồng người dân địa phương; triển khai được các dự án thí điểm thực hiện REDD+ nhằm giảm nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao diện tích, chất lượng rừng gắn với giảm phát thải khí nhà kính và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Giai đoạn 2018 – 2020 sẽ hoàn thiện được cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức và năng lực kỹ thuật, quản lý và vận hành các dự án nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động REDD+; triển khai các hoạt động REDD+ phấn đấu nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh từ 52,5% năm 2014 lên 55% năm 2020. Kinh phí dự toán hợp phần I khoảng 325 tỷ đồng đồng, kinh phí dự toán hợp phần II khoảng 1000 tỷ đồng.

          image003

Ông Vũ Xuân Thôn – Giám đốc Chương trình UN- REDD Việt Nam giai đoạn II nhấn mạnh: Kế hoạch cần tập trung hơn vào phát triển sinh kế cho người dân, chủ rừng, từ đó phát triển rừng; chắt lọc các kết quả, kinh nghiệm của các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất để người dân được hưởng lợi từ việc bảo vệ, phát triển rừng.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao nội dung dự thảo kế hoạch, song cũng cho rằng, cần có thêm những bổ sung cần thiết để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của địa phương. Đơn vị tư vấn cần tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để có những bổ sung sát với thực tiễn của tỉnh; cập nhật các số liệu mới nhất, tránh sử dụng các số liệu cũ, trái với thực tế địa phương; kế hoạch phải có những nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn Hà Tĩnh, quy hoạch cần phải đánh thức được tiềm năng phát triển rừng sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, sản phẩm chính là kế hoạch khung để Hà Tĩnh thu hút các nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình. Kế hoạch REDD+ đã góp phần vào kế hoạch phát triển KT-XT của Hà Tĩnh, do đó, cần chú trọng sinh kế bền vững gắn với công nghiệp hóa trong thời kỳ mới; đổi mới mô hình tổ chức quản lý; nghiên cứu đưa xây dựng hạ tầng vào nội dung kế hoạch. Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn, Chương trình UN-REDD Việt Nam tiếp tục quan tâm, thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương để thực hiện chương trình.

Bế mạc tại hội nghị, thay mặt Sở NN&PTNT, Ông Nguyễn Huy Lợi – PGĐ Sở NN&PTNT, GĐ Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tỉnh Hà Tĩnh xin lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II, đặc biệt là ý kiến kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn; đồng thời tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện bản Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Hà Tĩnh theo ý kiến chỉ đạo của các đồng chí để triển khai đồng bộ các hoạt động mà Kế hoạch đã đề ra./.

Vũ Long –BQL Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tỉnh Hà Tĩnh.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP