Trong nước

“Học tập, nghiên cứu có 1-2 buổi, còn phần lớn là đi du lịch”

Theo ông Lê Như Tiến – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong khi rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia cần thiết phải đầu tư như văn hóa, giáo dục, y tế không còn tiền thực hiện thì những chuyến đi “nghiên cứu, học tập” ở nước ngoài lại được duyệt quá dễ dãi, rất phản cảm.

hatin24h

Ông Lê Như Tiến- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng).

Phóng viên: Cụm từ “hoàng hôn nhiệm kỳ” mà ông đưa ra chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã liên tục có “dẫn chứng” cụ thể khi báo chí phát giác nhiều chuyến đi nước ngoài cho những cán bộ đã hoặc sắp nghỉ hưu với cái mác “nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm”. Xin hỏi suy nghĩ của ông khi đọc những thông tin đó?

Ông Lê Như Tiến: Trên diễn đàn Quốc hội tôi đã nói về “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét cuối cùng” biểu hiện ở rất nhiều góc độ như ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ một cách vội vã mà đằng sau đó chắc chắn có những vụ lợi nào đó. Thứ hai là ký vội, phê duyệt vội những dự án lớn mà không thể triển khai ở nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ sau mới thực hiện thì chắc cũng có vụ lợi nhất định.

Vừa rồi có nhiều tỉnh tổ chức cho cán bộ đi nước ngoài bằng ngân sách, có người thì sắp nghỉ hưu, có người không liên quan gì tới nghiên cứu, học tập lĩnh vực đó cả. Đó là dấu hiệu “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Còn nếu vì công lao cống hiến cả đời của đồng chí cán bộ đó mà chưa được đi nước ngoài lần nào thì cũng phải nói rõ ra, như chính sách, như cảm ơn cống hiến lâu nay cho cơ quan, tổ chức. Phải rõ ràng. Chứ còn nghiên cứu học tập mà thực chất không phải học tập, lại lấy ngân sách thì rất lãng phí.

Tôi có được xem, tiếp cận một số chương trình đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài thì thấy thời gian học tập nghiên cứu có 1-2 buổi, còn phần lớn là đi du lịch ở thành phố, tới danh lam thắng cảnh của nước họ. Việc này phải xem xét lại.

Vừa rồi do dư luận, cử tri, đặc biệt là báo chí lên tiếng nên nhiều tỉnh, thành phố đã hoãn, hủy những chuyến đi kiểu như thế. Đó là việc đáng biểu dương nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước rất lớn.

Thông tin trên báo chí về những chuyến đi nước ngoài kiểu “hoàng hôn nhiệm kỳ” đặt bên cạnh câu chuyện về cơ quan này, cơ quan kia ở các địa phương hết tiền trả lương cho cán bộ, nợ nần hàng chục tỷ đồng chưa trả nổi rất gây phản cảm, bức xúc dư luận?

Chính vì chi tiêu không có kế hoạch, đặc biệt chi thường xuyên rất lớn nên mới xuất hiện một số tỉnh cạn kiệt trong ngân sách của mình, không có chi thường xuyên nữa. Còn biết bao nhiêu chương trình mục tiêu phải đầu tư như văn hóa, giáo dục, y tế không còn tiền, trong khi những chuyến đi nghiên cứu học tập nước ngoài thì lại quá dễ dãi, vì thế các chương trình khác thiết thực hơn lại không còn tiền để chi nữa. Đó là những cái rất phản cảm.

Ông thấy lý giải của các cơ quan, đơn vị về kinh phí cho những chuyến đi nước ngoài kiểu “hoàng hôn nhiệm kỳ” có hợp lý không? Như tỉnh Quảng Nam tổ chức đoàn đi nước ngoài có tới 15 người đã và sắp về hưu, số còn lại hầu như không còn tái cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và nói rằng kinh phí chi từ nguồn lợi nhuận kinh doanh kinh tế Đảng cấp qua cho Sở Ngoại vụ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước?

Các doanh nghiệp nhà nước suy cho cùng đầu tư ban đầu đều bằng vốn ngân sách nhà nước. Đi nước ngoài bằng kinh phí doanh nghiệp thì đặt ra vấn đề chắc phải có “gì đó” thì doanh nghiệp mới cảm ơn như thế.

Hơn nữa, nếu doanh nghiệp lấy tiền của doanh nghiệp để tài trợ chuyến đi thì họ sẽ tính vào chi phí giá thành của doanh nghiệp, và cuối cùng người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đó. Tiền đó chắc chắn phải lấy từ quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, tính vào giá thành đội lên thì sức cạnh tranh không thể nâng cao được.

Làm sao ngăn chặn tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tổ chức du lịch nước ngoài nhưng lại gắn mác “học tập, trao đổi kinh nghiệm” như thế?

Tôi đã nói rồi, Chính phủ phải có quy định cụ thể, trước 3-6 tháng nghỉ hưu, cán bộ lãnh đạo không được ký quyết định đề bạt bổ nhiệm, không được ký quyết định về đầu tư các dự án lớn mà nhiệm kỳ đã sắp mãn nhiệm, “hoàng hôn nhiệm kỳ” rồi ký cũng không thực hiện được, mà khả năng phần trăm (%) chảy vào túi của anh thôi. Đã ký các hợp đồng, dự án đầu tư lớn phải để nhiệm kỳ sau ký, để họ có thời gian cân nhắc và tự chịu trách nhiệm. Anh “hoàng hôn nhiệm kỳ” ký thì sau này ai chịu trách nhiệm?

Riêng những người đã nghỉ hoặc sắp nghỉ rồi thì không nên có những chuyến đi như thế bằng ngân sách nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)/ Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP