Phóng sự - Ký sự

Hành trình kiếm tìm đồng đội Gạc Ma của cựu binh Lê Hữu Thảo (Bài 2)

“Việc tìm kiếm và tìm cách giúp đỡ các gia đình liệt sỹ và cựu chiến binh giúp tôi có được sự bình yên, an ủi trong cuộc sống. Tôi cảm thấy an lòng khi đã phần nào thực hiện được nguyện vọng và bổn phận của mình – của một người còn sống đối với những người đã hi sinh. Đây là những mục đích và động lực để tôi vượt qua được những thử thách và khó khăn trên hành trình kiếm tìm đồng đội”, anh hùng Lê Hữu Thảo – cựu binh trong trận hải chiến lịch sử (ngày 14.3.1988, Trường Sa, sự  kiện này còn được biết đến với tên gọi CQ-88), sống ở Hà Tĩnh tâm sự.

  >> Hành trình kiếm tìm đồng đội Gạc Ma của cựu binh Lê Hữu Thảo

Những “Số phận” trên hành trình tìm kiếm

Lặn lội qua các nẻo đường tới các miền quê, thăm rất nhiều gia đình anh Lê Hữu Thảo nhận thấy một thực tế không khỏi ngậm ngùi: hầu hết thân nhân gia đình các liệt sỹ và cựu chiến binh từng tham gia CQ – 88 năm đó đều có cuộc sống vô cùng vất vả. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, có gia đình thì bệnh tật bủa vây, có gia đình thì kinh tế khó khăn trăm bề…nhưng một điểm chung là họ luôn có nghị lực, luôn cố gắng và có ý chí trong cuộc “đấu tranh sinh tồn” với cơm áo gạo tiền.

Anh kể, khi anh đến Nghệ An gặp gia đình mẹ liệt sỹ Đậu Xuân Tư (huyện Nghi Lộc) đã không khỏi cảm thấy chạnh lòng. “Mẹ đã già yếu, mắt thì mù lòa, trong nhà không có lấy một thứ gì có giá trị. Còn em trai liệt sỹ thì bị thần kinh, nghễnh ngãng nhưng hàng ngày vẫn phải đi làm thuê phụ giúp gia đình”, anh nói.

hatin24h
 Thăm mẹ Hồ Thị Đức, mẹ liệt sỹ Trần Văn Phương (Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Anh cũng đã đến thăm gia đình liệt sỹ Phan Huy Sơn (Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An). “Kể từ khi anh Sơn mất, chị Trần Thị Ninh (SN 1963), vợ anh ấy ở vậy một mình nuôi con. Anh Phan Huy Hà (SN 1984), người con đầu của anh chị bị bệnh bại não và thiểu năng trí tuệ, hằng ngày phải nằm ngửa để mẹ đút cho ăn và chỉ đi lông rông không làm được việc gì. Khi chị sinh bé gái thứ hai là cháu Phan Thị Trang, anh Sơn còn chưa kịp về lần nào để thấy mặt con thì đã hi sinh ngoài biển xa. Do không hòa hợp với gia đình nhà chồng nên chị đã dọn ra ngoài sống từ lâu.

Cả mấy mẹ con được mấy sào ruộng rau cháo nuôi nhau, dù khó khăn nhưng đứa con gái của chị vẫn được đi học đàng hoàng, đã tốt nghiệp ngành Cao đẳng điều dưỡng của Đại học Vinh. Trang chính là người đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giúp xin việc cho em vào tháng 3/2015 khi em viết tâm thư gửi Bộ trưởng ”, anh kể lại khi nhớ lại chuyến thăm gia đình chị Ninh.

Rồi lần lượt anh kể về hoàn cảnh gia đình liệt sỹ Hồ Công Đệ (Thanh Hóa), gia đình anh Lê Đình Thơ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), gia đình anh Nguyễn Văn Phương (Đông Hưng, Thái Bình)…

Thăm cháu Thủy con liệt sỹ Trần Văn Phương và cháu Xuân con liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong đang công tác tại lữ đoàn 146 Cam Ranh khánh Hòa

“Không hiểu sao, hay là có “số phận” chung cho những ai từng tham gia trận hải chiến năm ấy không mà hầu hết các gia đình tôi đến thăm đều hoàn cảnh rất khó khăn. Riêng với nhiều người, phải chăng họ đã “may mắn” hơn các anh em khác và đã sống sót trở về nên đổi lại họ phải gặp bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống về sau không nữa…”, đôi khi anh đau lòng băn khoăn tự hỏi chính mình và tự tìm câu trả lời.

Tìm sự bình yên trong tâm hồn

Anh cho biết trên hành tình kiếm tìm thân nhân gia đình liệt sỹ và đồng đội như vậy anh gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu tiên là về vấn đề kinh tế. Hoàn cảnh của anh thời điểm bắt đầu hành trình cũng rất éo le: ở trọ, việc làm chưa thực sự ổn định, trong khi đó kinh phí cho các chuyến đi khá tốn kém. Hai nữa là, các đồng đội ở lẫn khuất, rải rác khắp nơi từ Nam ra Bắc, kể từ khi xuất ngũ thì mỗi người một nơi, mất liên lạc nên quá trình tìm kiếm không dễ dàng. Tuy nhiên, những khó khăn ấy không “đánh gục” được người lính đảo năm ấy. Với sự nỗ lực của bản thân, cùng với đó là được sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của bà con, đồng đội anh đã tranh thủ mọi cơ hội và khi nào điều kiện cho phép thì anh lại khăn gói lên đường.

“Tôi là một người lính bước ra từ trận hải chiến năm ấy, đã từng cùng các đồng đội vào sinh ra tử để giữ biển đảo quê hương. Cũng là một trong những người may mắn còn sống sót trở về nên tôi nhận thấy đây là một phần trách nhiệm của bản thân mình đối với những người đã hi sinh…trách nhiệm gặp gỡ và kể lại sự thật về những đồng đội trước lúc ngã xuống cho thân nhân các gia đình được biết, muốn kể lại một cách chân thực nhất các đồng chí của tôi đã sống và cống hiến như thế nào, hi sinh như thế nào để góp phần bảo vệ biển đảo quê hương… Chúng tôi coi mình giống như người con trong gia đình họ, thay lời những người con của họ hỏi thăm, hỗ trợ gia đình cả về vật chất và tinh thần….chắc chắn một phần cũng sẽ an ủi những người đã mất.

Gặp cựu chiến binh Lê Minh Thoa (Phú Yên)

Ngoài ra, việc tìm kiếm và tìm cách giúp đỡ các gia đình liệt sỹ và cựu chiến binh cũng giúp tôi có được sự bình yên, an ủi trong cuộc sống. Tôi cảm thấy an lòng khi đã phần nào thực hiện được nguyện vọng và bổn phận của mình – của một người còn sống đối với những người đã hi sinh. Đây là những mục đích và động lực để tôi vượt qua được những thử thách và khó khăn trên hành trình kiếm tìm đồng đội”, anh xúc động chia sẻ.

Song song với hành trình ấy, anh Lê Hữu Thảo cũng đã liên hệ, phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị giúp đỡ và hỗ trợ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, anh đã góp phần kêu gọi chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” hỗ trợ học bổng cho một số con em cựu chiến binh, xóa số nợ 50 triệu cho cựu chiến binh Hồ Văn Ba. Anh cũng đã phối hợp, đồng hành và kêu gọi “Quỹ tấm lòng vàng” (báo Lao Động) giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn khác. Đồng thời, anh liên hệ Lữ đoàn công binh E83 để xin giấy tờ xác nhận cho những chiến sỹ tham gia CQ- 88 có cơ sở về làm chế độ ở địa phương.

“Qua thời gian chưa dài, nhưng nhiều hoàn cảnh các đồng đội đã được giúp đỡ có hiệu quả khiến tôi rất hạnh phúc, và đây chính là nguồn động viên, động lực lớn để tôi cùng các đồng đội khác tiếp tục là nhịp cầu kết nối yêu thương”, anh chia sẻ.

Trong khi đang nói chuyện với tôi thì điện thoại anh bỗng đổ chuông. “Đó là một đồng đội của tôi gọi thông báo tình hình sức khỏe của anh Dương Văn Dũng (Đà Nẵng), một người đồng đội cũng đã từng tham gia CQ-88 với chúng tôi. Anh Dũng bị u não, hiện đang nằm ở bệnh viên ung bướu. Anh đã phải mổ và xạ trị, hiện hoàn cảnh đang rất khó khăn, chúng tôi sẽ kêu gọi hỗ trợ để góp phần nhỏ giúp anh ấy vượt qua giai đoạn này”, anh chia sẻ về cuộc điện thoại vừa đến.

Thăm đại tá Hoàng Bùi Hải, phó chỉ huy trưởng tỉnh đội Thanh Hóa

Chia tay anh, tôi vẫn không ngừng cảm kích và kính phục anh, một người đã cống hiến hết mình, đã từng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết để cùng với các đồng đội chiến đấu bảo vệ biển đảo tổ quốc. Anh vẫn luôn đau nỗi đau của đồng đội, vẫn luôn day dứt về sự khắc nghiệt và bi thảm mà chiến tranh đưa lại cho mỗi con người, mỗi gia đình khi anh đã trực tiếp trải qua và tận mắt chứng kiến.

Những câu chuyện anh kể, những việc anh và các đồng đội đã trải qua là những bài học quý giá về lòng yêu nước, về sự ghi nhớ công ơn những người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho tổ quốc. Anh vẫn đã và đang không ngừng nghỉ trên hành trình kiếm tìm thân nhân gia đình liệt sỹ và đồng đội trên chuyến tàu định mệnh năm ấy, vẫn luôn hướng tới và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn cho anh và cho tất cả những người mà anh đã từng cùng chiến đấu, gắn bó và yêu thương.

Mai Nguyễn – Đặng Sơn – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP