Theo tài liệu điều tra, được Cty giao triển khai thực hiện việc kinh doanh dịch vụ gia tăng trên điện thoại di động, Tuấn Anh đã nhờ người lập trình, xây dựng hệ thống “Chợ nội dung số mmoney.vn” và hơn 300 ứng dụng trên điện thoại di động (200 ứng dụng Hotclip – xem phim trực tuyến trên Android Phone và trên 100 ứng dụng game offline) có chứa chức năng tự động gửi tin nhắn ẩn đến gần 10 đầu số định sẵn. Các đầu số này sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của thuê bao di động chuyển đến “túi” của Cty IMMC mà chủ thuê bao không hề hay biết.
Sau khâu chuẩn bị, Tuấn Anh cho đăng quảng những mẩu quảng cáo có nội dung khơi gợi về dịch vụ “ứng dụng xem phim sex miễn phí”, rồi chỉ việc ngồi đợi nạn nhân sập bẫy. Toàn bộ số tiền trong tài khoản của khách hàng sẽ bị cướp sạch nếu họ tải ứng dụng từ trang web do Tuấn Anh lập ra.
Để tăng doanh thu bất chính, các đối tượng còn lập một trang facebook có tên “Mmoney.vn – Dịch vụ kiếm tiền online hàng đầu Việt Nam”, trong đó quảng cáo tỷ lệ ăn chia tới 85% cho các thành viên tham gia phát tán ứng dụng. Bằng chiêu này, từ tháng 7/2013 đến nay, website “Chợ nội dung số m.money.vn” đã có trên 2.400 thành viên tham gia; phát tán các ứng dụng vi phạm, khiến hơn 800.000 thuê bao di động bị “móc túi” hơn 9 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 4/2014, PC50 phối hợp với CQĐT Công an TP Hà Nội triệt phá ổ nhóm gồm 4 đối tượng chiếm đoạt tiền của người sử dụng điện thoại di động. Với thủ đoạn tương tự Tuấn Anh, nhóm này lừa người dùng điện thoại cài đặt phần mềm sửa ứng dụng di động có chứa mã độc, rồi “rút ruột” hơn 2 tỷ đồng của hơn 100.000 thuê bao mà chủ nhân của nó không hề hay biết.
Thấy cuộc nhỡ…gọi lại là tổng đài trừ tiền tự động
Theo một lãnh đạo PC50, các đối tượng không chỉ lừa khách hàng cài đặt các ứng dụng nhằm chiếm đoạt tiền, mà còn sử dụng những chiêu “độc” khác để móc túi khách hàng.
Mới đây, PC50 phối hợp Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội kiểm tra Cty cổ phần viễn thông 3G Việt Nam (địa chỉ tại phố Trương Định, Hà Nội) phát hiện tại phòng kỹ thuật của Cty này lắp 13 cây máy tính các loại và 237 usb – 3G được kết nối máy tính có sử dụng phần mềm thoại, thực hiện 100.000 cuộc gọi/ngày để “nhá máy” vào các số thuê bao di động.
Khi khách hàng gọi lại cho số thuê bao vừa gọi nhỡ thì cuộc gọi của khách hàng sẽ bị tự động divert (chuyển hướng cuộc gọi) đến một hộp thư thoại có nội dung: “Anh à, em là một cô gái dễ thương, đầy bí ẩn muốn được làm quen với anh, hãy gọi 1900xxxx để nghe bài hát do em gửi tặng và tâm sự cùng em nhé; Nếu muốn làm quen và khám phá về em hãy gọi cho em theo số 1900xxxx…”.
Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn thì số tổng đài này sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của khách hàng với giá cước 5.000 đ/phút. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính Cty cổ phần Viễn thông 3G Việt Nam.
Xem xét trách nhiệm nhà mạng
Được biết, tại vụ án liên quan tới Cty cổ phần IMMC, các đối tượng đã sử dụng các đầu số 8×77, 8×71, 8×55, 6×65, 8×88, 6×86… để “móc túi” khách hàng. Một khi người dùng tải ứng dụng (kể cả ứng dụng được quảng cáo miễn phí) sẽ bị trừ 15.000 đ/tin nhắn/đầu số và phần mềm tự động gửi tin nhắn mà các đối tượng lập trình sẽ “điều khiển” điện thoại gửi tin nhắn đến tất cả các đầu số mà mmoney sử dụng. Số tiền “móc túi” được từ thuê bao điện thoại tải ứng dụng được chuyển cho nhà mạng viễn thông 55%, cty đầu số 45% (trong số 45% này, Cty CP IMMC hưởng 85% số tiền).
Cùng với việc khuyến cáo người dân không nên tải các ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng để tránh thành nạn nhân của tội phạm công nghệ, PC50 Công an Hà Nội cho biết sẽ xem xét trách nhiệm, kiến nghị xử lý một số nhà mạng và Cty có đầu số vì lợi nhuận đã buông lỏng quản lý, vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.
Từ tháng 7/2013 đến nay, website “Chợ nội dung số m.money.vn” đã có trên 2.400 thành viên tham gia; phát tán các ứng dụng vi phạm, khiến hơn 800.000 thuê bao di động bị “móc túi” hơn 9 tỷ đồng.