Ảnh minh hoạ. |
Viêm phổi vì không biết cách hạ sốt
Chị Hoàng Thị Lý, Thanh Xuân, Hà Nội kể, con trai chị rất ít khi sốt nên chị chủ quan không tích thuốc hạ sốt trong nhà. Khi bé bị sốt 39, 40 độ C, chị vội ra nhà thuốc mua gói miếng dán hạ sốt. Chị được tư vấn dán 3 tiếng/lần. Vừa mới bóc một miếng dán hạ sốt dán vào trán cho con, bé khóc và không cho mẹ dán lên trán nhưng vợ chồng chị giữ chặt tay con để dán miếng dán hạ sốt.
Hơn một giờ sau chị đo lại thì thấy nhiệt độ vẫn không hạ. Chị lấy mấy miếng nữa dán tiếp vào nách và bẹn nhưng vẫn không ăn thua.
Cả đêm chị ngồi canh giờ để thay miếng dán, vừa lấy nước ấm lau liên tục. Gần sáng thấy con vẫn sốt li bì chị mới vội vàng đưa con vào bệnh viện khám. Bác sĩ đo nhiệt độ và vội cho bé uống thuốc hạ sốt. 30 phút sau, cháu ra mồ hôi và bắt đầu giảm nhiệt. Bác sĩ vì thương bé sốt cao và bức xúc nên mắng bà mẹ chỉ dán miếng dán không cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Chị Lý chỉ cúi đầu “coi như bài học kinh nghiệm, từ đó đến nay chị nói không với miếng dán hạ sốt”.
Bé Nguyễn Mạnh H. 11 tháng tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội được bố mẹ bế vào bệnh viện Nhi trung ương khám trong tình trạng sốt cao, li bì, bỏ bú, quất khóc và ho. Theo bố mẹ của cháu gần đây thấy con bị ho bố mẹ cháu cho uống siro ho nhưng không đỡ.
Sau khi ho cháu xuất hiện chảy nước mũi và sốt. Thấy con bị sốt, mẹ của cháu mua miếng dán về hạ sốt và cho bé uống nước diếp cá với mong muốn con hạ sốt nhanh. Vì ngại sử dụng thuốc hạ sốt nên cháu bé chỉ được mẹ dán hạ sốt, chườm và mua lá về nấu rồi hai mẹ con cùng xông.
Đến khi tình trạng sốt không dứt, bé kèm theo triệu chứng li bì, bỏ bú, nôn trớ. Bố mẹ của cháu vội vàng đưa con vào viện cấp cứu trong tình trạng tím tái. Bác sĩ phải hồi sức cấp cứu cho cháu một tiếng đồng hồ cháu bé mới hồng hào trở lại.
Trường hợp bé Nguyễn Khánh A. 2 tuổi, con chị Bùi Bích Phương, Hà Đông, Hà Nội cũng bị sốt, viêm tiểu phế quản do nhiễm trùng hô hấp trên. Bé A. bị sốt nhưng mẹ của cháu chỉ chữa bằng phương pháp vật lý như dùng miếng dán hạ sốt, đánh cảm.
Đến khi bé sốt cao có hiện tượng co giật, bố mẹ của cháu mới cho con vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bé được chẩn đoán viêm tiểu phế quản và theo dõi viêm phổi. May mắn cháu chưa có diễn biến nặng.
Miếng dán hạ sốt được quảng cáo như một “bài thuốc” gối đầu giường cho các gia đình cho trẻ nhỏ. Với chi phí 10 – 30 nghìn đồng tuỳ loại cho 1 túi miếng dán 3 miếng, các bà mẹ mua về chỉ cần để tủ lạnh khi con bị sốt lấy miếng dán hạ sốt để dán lên trán cho con nhiệt độ sẽ giảm.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng miếng dán hạ sốt không có tác dụng thậm chí còn gây hại cho bé.
Chỉ gây khó chịu cho trẻ
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ông gặp rất nhiều trẻ sốt cao và được bố mẹ đưa đến khám cháu nào cũng dán miếng dán hạ sốt lên trán. Nhìn những cháu bé bị sốt còn phải đeo thêm miếng dán khó chịu cho bé là bác sĩ Dũng lại bức xúc với sai lầm đặc biệt nghiêm trọng của cha mẹ này.
Bác sĩ Dũng cho biết nguyên tắc trẻ sốt cao phải hạ sốt. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt và các bác sĩ khuyên dùng 2 loại thuốc là Pracetamol hoặc Ibubrofen. Hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng ở các nước Châu Á khuyến cáo nên dùng Paracetamol. Còn Châu Âu thì họ ưu tiên dùng Ibuprofen… lý do vì các nước Châu Á đang có sốt xuất huyết, còn Châu Âu không có.
Nếu đang có sốt huyết mà cho trẻ dùng Ibuprofen thì càng tăng sự nguy hiểm. Vì xét nghiệm ban đầu chưa thể xác định bé có sốt xuất huyết hay không, nếu cho Ibuprofen thì làm cho sốt xuất huyết nặng thêm nên tốt nhất chưa biết rõ sốt do đâu thì sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol.
Bác sĩ Dũng cho biết không nên sử dụng miếng dán hạ sốt. Thep PGS Dũng trên thế giới không khuyên biện pháp vật lý nào chườm lạnh, dán giấy, bôi dầu khi trẻ bị sốt bởi vì các biện pháp vật lý đó không có tác dụng.
Các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu một nhóm bệnh nhân dùng các tác nhân vật lý thì vật lý được cái hạ sốt trong 1 giờ đầu nhanh hơn nhưng sau 1 giờ hai bên như nhau. Như vậy họ cho hạ sốt 1 tiếng không làm em bé khoẻ hơn, không làm bệnh tốt mà chỉ giải quyết tâm lý thấy con hạ sốt nhanh.
PGS Dũng cho biết, cái hại của miếng dán hạ sốt đó là nếu sốt có triệu chứng hô hấp khi dán miếng dán lạnh biến chứng viêm phổi thậm chí còn hại da em bé, làm em bé khó chịu. Chính vì vậy, khi trẻ bị sốt thay vì vội vàng mua miếng dán hạ sốt dán cho con, bác sĩ Dũng cho rằng cần theo dõi và hạ sốt theo tư vấn của bác sĩ.
Tác giả: P.Thúy
Nguồn tin: Báo Infonet