Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Vì sao hàng loạt trường không có hiệu trưởng?

Hơn 1 năm không bổ nhiệm nổi hiệu trưởng

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng nhiều trường học không có hiệu trưởng. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đội ngũ kế cận không đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ hay công tác quy hoạch, bổ nhiệm không được triển khai kịp thời? PV đã có mặt tại Trường THCS Hương Trà và Trường Tiểu học Phú Gia (Hương Khê) để tìm hiểu sự việc.

Tại Trường THCS Hương Trà, vào tháng 10.2015, thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng, được nghỉ hưu theo chế độ. Từ đó đến nay, đã gần 13 tháng trôi qua, thầy Trần Phú Long, Phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ mọi hoạt động của nhà trường.

hatinh24h

Trường THCS Hương Trà, nơi đã gần 13 tháng không có chức danh hiệu trưởng.

Trao đổi với PV, thầy Long chia sẻ: “Sau khi thầy Dũng nghỉ hưu, khoảng tháng 11.2015 tôi được UBND huyện Hương Khê ra quyết định giao quyền điều hành. Hiện nay quyết định đó đang được lưu giữ ở tổ chức cán bộ của trường”.

“Khoảng 3 – 4 tháng sau, Chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng GD có trực tiếp đến trường để nắm bắt tình hình. Về tổng thể thì không có gì khó khăn nhưng để một người đảm nhiệm cả công việc điều hành và công việc chuyên môn nên cũng mệt. Một mình tôi làm hai việc nhưng chỉ được hưởng trợ cấp chức vụ của hiệu phó”, thầy Long nói thêm.

Cũng theo thầy Long thì cán bộ quản lý của ngành trong địa bàn huyện còn dôi dư, nên đã đề xuất xin thêm một phó hiệu trưởng để hỗ trợ công việc. Sau đó cô Phan Thị Giang đã được điều động về đây công tác.

Một giáo viên của trường cho hay, cách đây một năm, UBND huyện Hương Khê và Phòng GD đã tiến hành họp cán bộ quản lý để lấy phiếu thăm dò với mục đích điều thầy hiệu trưởng ở Trường THCS Hương Lâm ra đây. Tuy nhiên từ đó đến nay không biết vì lý do gì mà lặng luôn và để kéo dài như vậy.

Tại Trường Tiểu học Phú Gia cũng thế, mặc dù thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Vinh đã nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 5.2016 nhưng đến nay vị trí “nhạc trưởng” vẫn còn bỏ ngõ.

Đang chờ quy chế mới

Lý giải về sự chậm trễ trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng ở trường học nói trên, thầy giáo Trần Đình Hùng, Trường phòng GD-ĐT huyện Hương Khê cho biết: “Lâu nay, việc bổ nhiệm của ta là lấy tín nhiệm của cơ sở giáo dục, của địa phương, của phòng GD. Cách bổ nhiệm này có những hạn chế nhất định là đôi khi không phát huy được năng lực quản lý của người được bổ nhiệm”.

“Gần đây, đối với các trường THPT, Sở GD-ĐT đã tiến hành tổ chức thi tuyển. Để nâng cao chất lượng đối với đội ngũ quản lý, Phòng GD Hương Khê đã xin ý kiến Thường trực Huyện ủy, tham mưu Ủy ban huyện để xây dựng quy chế bổ nhiệm theo hướng đó và đang chờ ban hành quy chế chính thức. Vì chờ xây dựng xong quy chế rồi mới bổ nhiệm nên mới chậm như thế”, thầy Hùng nói thêm.

Cũng theo thầy giáo Trần Đình Hùng thì thầy Trần Phú Long, phó hiệu trưởng Trường THCS Hương Trà, nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Yên, đã nhiều tuổi, gần nghỉ hưu, không đủ thời hạn để bổ nhiệm hiệu trưởng nữa, nên có ý kiến là kéo dài thời gian để thầy đảm nhận công việc phụ trách trường”.

Người đứng đầu ngành giáo dục huyện Hương Khê còn cho biết, hiện tại đã tham mưu về cơ bản để bổ nhiệm hai hiệu trưởng ở trường THCS Hương Trà và Tiểu học Phú Gia, sắp tới sẽ trình ủy ban và triển khai sớm nhất có thể.

Trưởng phòng Nội Vụ Cao Thị Liễu đang trao đổi với PV báo Người Hà Nội về việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ giáo dục trên địa bàn huyện.

Để nắm rõ hơn về quy trình bổ nhiệm cũng như quan điểm chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi có buổi làm việc với Trưởng phòng Nội Vụ, bà Cao Thị Liễu chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng giáo dục và vai trò người đứng đầu trên địa bàn, chúng tôi đã xin ý kiến Thường trực về việc bổ nhiệm cán bộ quản lý thông qua thi tuyển. Vừa rồi Phòng GD cũng đã tham mưu dự thảo quy chế, tuy nhiên không thể làm kịp. Chúng tôi cũng xin nhận khuyết điểm về việc chậm trễ này”.

“Xét thấy nếu xây dựng xong quy chế thi tuyển rồi mới bổ nhiệm cán bộ quản lý thì sẽ kéo dài thời gian. Vì thế sắp tới chúng tôi sẽ trình UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo, cho phép bổ nhiệm theo kiểu truyền thống”, bà Liễu nói thêm.

Cũng theo Trưởng phòng Nội vụ thì quy trình bổ nhiệm được thực hiện hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, tuy nhiên thời gian qua, do phải tập trung công tác bầu cử, sau đó lại phải đối phó với lũ lụt kéo dài nên chưa triển khai được. Hiện tại công việc đã ổn định nên dự kiến trong tháng 11 này sẽ hoàn tất.

Dù tập trung xây dựng phương án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và vai trò đứng đầu của người được bổ nhiệm là việc làm mang tính chiến lược, nhưng việc để một trường học gần 13 tháng không có hiệu trưởng có thể coi là việc bất thường. Bởi vì quy hoạch cán bộ là việc làm thường xuyên, liên tục của cơ quan tổ chức nhằm có thời gian đào tạo, tôi luyện để các thế hệ tiếp theo kế tục xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.

Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin gửi đến quý bạn đọc!

Trần Hoàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP