Kỳ Anh

Hà Tĩnh: Thị xã Kỳ Anh nhọc nhằn vượt khó….

Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra đời đến nay đã tròn 20 tháng, chưa kịp “tập đi” thì vướng ngay sự cố môi trường biển. Khó khăn về kinh tế – xã hội… là chồng chất nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bộ mặt thị xã đang dần ổn định.

Dù gặp biến cố nhưng đã “vượt lên chính mình”

Năm 2016 là một năm “khó đều” của Hà Tĩnh, riêng thị xã Kỳ Anh là “tâm điểm” của sự cố môi trường biển, phải oằn mình gánh chịu nhiều khó khăn, tổn thất.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến công tác GPMB, sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trọng. Một số nhiệm vụ tồn đọng từ trước chưa được giải quyết khiến dư luận có nhiều bức xúc, gây ra nhiều trở ngại trong công tác xây dựng, giải quyết quyền lợi cho dân.

Một góc Thị xã Kỳ Anh.

Ngày 16/5/2015 thị xã Kỳ Anh được thành lập, có tổng diện tích 28.025,03 ha, 85.508 nhân khẩu, gồm 12 đơn vị hành chính.

Đến nay, thị xã đã 20 tháng hình thành, tuổi đời còn quá “trẻ” để khẳng định mình, nhưng dù gì thị xã cũng đã có nền móng phát triển kinh tế-xã hội từ huyện Kỳ Anh trước đây. Thị xã trở thành điểm kinh tế phía Nam của Hà Tĩnh.

“Nếu không gặp sự cố môi trường biển, kinh tế của thị xã sẽ phất lên như diều gặp gió. Sẽ hình thành nên khu kinh tế Nam Hà Tĩnh” – một chuyên gia kinh tế từng nhận định.

Điểm dượt lại một số lĩnh vực kinh tế của thị xã, sẽ thấy rõ sự biến chuyển. Rõ ràng, kinh tế có biến chuyển tích cực, nhưng do nhiều yếu tố khách quan tác động nên xu hướng suy giảm nội bộ một số ngành. Tổng giá trị sản xuất đạt 11.361,4 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), bằng 64,53% kế hoạch năm 2016, đạt 85,74% so với năm 2015 và chuyển dịch cơ cấu theo hướng: Nông nghiệp (3,76%), CN-TTCN (67,96%), Thương mại-dịch vụ (28,28%).

Về kinh tế, ưu tiên ngành công nghiệp-TTCN. Lĩnh vực này, phát triển thấy rõ và xu thế chuyển từ thời kỳ xây dựng cơ bản sang quá trình sản xuất, thương mại-dịch vụ. Công nghiệp nông thôn theo hướng tập trung gắn với xây dựng NTM được ưu tiên phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.637.3 tỷ đồng (đạt 95,54% kế hoạch và bằng 140,91% so với năm 2015).

Thu ngân sách đạt 4.062,6 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 419,095 tỷ đồng/721,335 tỷ đồng, đạt 58,1% kế hoạch và bằng 69,8% so với năm 2015.

Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tiếp tục được tập trung chỉ đạo, chỉnh trang đô thị, từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị loại IV. Qua đó để thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng 4 tuyến phố văn minh đô thị…

Sự cố môi trường biển khiến kinh tế Thị xã Kỳ Anh lao đao. (ảnh minh họa)

Lĩnh vực tài nguyên, môi trường được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy CNQSD đất. Làm thủ tục đấu giá 336 lô đất thu hơn 43,3 tỷ đồng. Triển khai về đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Phối hợp thẩm định ĐTM 11 dự án, 5 kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; Rà soát đánh giá tình hình hoạt động của các mỏ khai thác khoáng sản; Phối hợp cấp phép xả thải và nguồn nước cho 6 đơn vị.

Một hạn chế mà thị xã đang vướng phải là ở các dự án chậm tiến độ về xây dựng, đầu tư cũng như kiểm kê, đo đếm, GPMB. Năm 2016 thị xã đã triển khai nhanh công tác bồi thường, GPMB 66 dự án, trong đó 39 dự án từ năm trước, 27 dự án năm 2016. Tổng số bị ảnh hưởng 4.037, di dời 949 hộ, thu hồi 431,6ha đất, di dời 3.516 ngôi mộ. Phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB cho 1955 lượt hộ với 95ha đất, số tiền 180 tỷ đồng; Hoàn thành, bàn giao mặt bằng 13 dự án; Tập trung rà soát xử lý dứt điểm những vấn đề tồ đọng, đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB.

Đang dần khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường

Thị xã Kỳ Anh đang dần khắc phục sự cố môi trường và triển khai kịp thời các chính sách ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho người dân vùng biển. Năm 2017 tập trung công tác triển khai các chính sách khôi phục sản xuất các ngành nghề liên quan đến đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản.

Các chính sách cho các hộ làm muối, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ nghề cá, đang được thị xã triển khai quyết liệt. Hiện, đã tiếp nhận và phân bổ, cấp phát: 1.066 tấn gạo hỗ trợ, 5.208 hộ với 19.880 khẩu; 6.940,5 triệu đồng; hỗ trợ 1.155 tàu thuyền có gắn máy dưới 90CV và 333 tàu thuyền không gắn máy; 666,2 triệu đồng, hỗ trợ cho 26 đối tượng nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại.

Tiếp nhận và phân bổ gần 10 tỷ đồng tiền mặt, 43 tấn gạo, trên 12.000 suất quà của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hơn 20.000 lượt hộ bị ảnh hưởng.

Công tác kê khai xác định thiệt hại, bồi thường được triển khai đúng quy trình, thủ tục với khoảng 15.000 lượt đối tượng được thụ hưởng với số tiền khoảng 680 tỷ đồng. Việc kê khai, thẩm định đạt hơn 30%, chi trả được gần 5.000 đối tượng/14.500 lượt đối tượng, tương đương 81 tỷ đồng/680 tỷ đồng.

Ưu tiên cho doanh nghiệp phát triển bền vững

 Ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư Đảng bộ thị xã Kỳ Anh cho biết, dù khó khăn đến mấy cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Dù kinh tế đang tăng trưởng âm, công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ giảm sâu; hậu quả của sự cố môi trường để lại nặng nề rất nặng nề, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Kết quả thu hút đầu tư các dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài không đáng kể; Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa thực sự quyết liệt, kết quả chưa cao.

Năm 2017 thị xã quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 24,4% (nông nghiệp: 3,2%; Công nghiệp-TTCN và xây dựng: 24,3%; TMDV: 26,9%). Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn là 45 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế (nông nghiệp: 3,6%, CN-TTCN-XD: 68,0%, TM-DV: 28,4%). Tổng thu ngân sách là 480.501 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Hải, Bí thư Đảng bộ thị xã Kỳ Anh phát biểu trong buổi họp tổng kết năm: Năm 2017 thị xã sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng quy mô sản xuất. Triển khai các giải pháp trong hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Muốn phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, các cấp ngành phải chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu lại nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh nền kinh tế – ông Hải nhấn mạnh.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP