Đây là mô hình tập trung ruộng đất đầu tiên của Hà Tĩnh triển khai theo cơ chế này.
“Phá nhỏ làm lớn”
Sáng sớm 23/5, lần đầu tiên trong lịch sử, những bờ ngăn cách các thửa ruộng bé nhỏ từ 1 đến 2 sào ở cánh đồng Thiên Đình (xã Lưu Vĩnh Sơn) được máy đào, máy cày xé toang để hình thành nên những cánh đồng rộng lớn hơn.
Đông đảo người nông dân chứng kiến HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn khởi công xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xứ đồng Thiên Đình. Ảnh: Phan Trâm. |
Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn Dương Anh Dũng phấn chấn thông tin, khi HTX Bắc Sơn có nhu cầu thuê đất sản xuất của dân để tích tụ, chính quyền đã vào cuộc nắm bắt tình hình. Trên cơ sở tuyên truyền chủ trương, người dân đồng thuận, xã đã chứng kiến bản hợp đồng giữa HTX với các hộ cho thuê đất.
Máy xúc phá bờ thửa đến đâu, máy cày vào làm đất đến đó. |
Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Ông Hà Đăng Dũng (thôn Đông Tiến) cho biết: “Diện tích đất HTX thuê của gia đình tôi xa tầm 4 km, quãng đường đi lại sản xuất khó khăn trong khi năng suất không cao, từ 1,5 – 2 tạ/sào, trừ chi phí chỉ còn một nửa. Khi HTX đạt vấn đề thuê đất thực hiện cánh đồng mẫu lớn với giá cả hợp lý, gia đình tôi đã cho HTX thuê 5 sào ruộng”.
Giám đốc HTX Bắc Sơn Trần Hậu Nhân cho biết, sau khi nhận được sự đồng thuận của người dân, HTX đã cắm mốc quy hoạch 15 vùng sản xuất, lộ trình sẽ phá bỏ 284 thửa đất nhỏ lẻ thành 50 thửa lớn với diện tích tối thiểu 0,5 ha/thửa. Sau đó, HTX tiến hành làm hạ tầng, xây kênh mương nội đồng hợp lý, đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
Theo kế hoạch, HTX sẽ thành lập 15 tổ hợp tác để quản lý, chăm sóc 15 vùng sản xuất dưới sự quản lý của HTX; áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến bao tiêu, xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Nhân cho biết, vụ hè thu này, HTX hợp đồng với doanh nghiệp mua giống chất lượng cao, sản xuất đồng loạt nếp 98 trên toàn bộ diện tích đã thuê.
Khởi đầu cho toàn tỉnh
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh nêu một trong những lí do khiến năng suất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa chưa đạt được hiệu quả cao nhất như mong muốn đó là đồng ruộng manh mún, giá trị sản phẩm tạo ra chưa lớn do chi phí nhân công lao động và các chi phí khác chiếm tỷ lệ rất lớn.
Vì thế, ông Việt cho rằng, mô hình tập trung ruộng đất này là một xu hướng tốt.
“Việc dồn lực cho HTX đứng ra làm sẽ được cả đôi đường. Nông dân vẫn có nguồn thu ổn định, đất đai vẫn được sản xuất liên tục, và HTX có đất để đầu tư sản xuất lớn, bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tôi cho rằng đó là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Bộ mặt sản xuất nông nghiệp sẽ thay đổi rất lớn từ hướng đi này”- ông Việt tin tưởng.
Ông Việt khẳng định, đây là mô hình tập trung ruộng đất lớn đầu tiên trong toàn tỉnh theo cơ chế HTX thuê lại đất của dân để sản xuất cánh đồng mẫu lớn. “Mô hình đầu tiên, nhưng thực tế đã được thử nghiệm ở một số nơi cho hiệu quả rất tốt. Từ kết quả thử nghiệm chúng tôi mới đi đến mô hình lớn đầu tiên này” – ông Việt thông tin thêm.
Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đang hướng nỗ lực để nông dân tỉnh nhà sở hữu những cánh đồng mẫu lớn như cánh đồng mẫu ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN. |
Ông Trần Việt Hà- Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết cơ chế hỗ trợ mô hình cánh đồng mẫu lớn này: Theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, HTX sẽ được hỗ trợ phí thuê đất 2 năm đầu (tối đa 15 triệu/ha/năm); hỗ trợ kinh phí phá bỏ bờ thửa, làm phẳng mặt ruộng, cải tạo nâng cao độ phì nhiêu của đất… với mức 20 triệu/ha. Ngoài ra, huyện lồng ghép nguồn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật với mức 50% kinh phí mua giống.
Cả người đứng đầu Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà đều cho biết sẽ đồng hành, sát sao với từng bước đi đầu của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn.
Giai đoạn đầu bao giờ cũng khó khăn. Sở cùng với huyện sẽ tận dụng tối đa cơ chế của tỉnh, cùng đồng hành để tháo gỡ khó khăn cho HTX. Trước mắt, thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật cùng HTX theo dõi quá trình sinh trưởng, sâu bệnh của lúa để kịp thời xử lý. Đồng thời, đánh giá toàn diện, đầy đủ mô hình để làm tiền đề nhân rộng sau này” – ông Việt nhấn mạnh.
Ông Việt tin rằng, mô hình này sẽ là tiền đề để Hà Tĩnh “chơi lớn” trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho bà con.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: Báo Dân trí