Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Nibelc nguy cơ mất trắng 17 tỉ đồng từ một hợp đồng trái phép

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (Shatico) kí kết hợp đồng cho thuê đất trái pháp luật khiến hai công ty liên quan cùng hàng nghìn công nhân bị “liên lụy”.

>> Thu hồi 6.228,8 m2 đất vi phạm của Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh

17 tỉ đồng nguy cơ mất trắng

Sự việc bắt đầu tư ngày 12-9-2012. Công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế Nibelc và Tập đoàn Samsung C&T Corporation kí hợp đồng cung cấp thợ kỹ thuật và thi công đê chắn sóng Cảng Sơn Dương, thuộc khu công nghiệp Formosa – KKT Vũng Áng. Để đảm bảo cho việc thi công dự án kéo dài 44 tháng, Công ty Nibelc phải xây dựng khu nhà ở, kí túc xá, căng tin tạm cho khoảng hơn 1.000 công nhân, kỹ sư chuyên gia làm việc tại dự án Cảng Sơn Dương.

Do điều kiện mặt bằng thuê làm chỗ ở cho cán bộ quản lí và người lao động tại khu kinh tế vào thời điểm tháng 9-2012 chưa có, nên Nibelc đã kí hợp đồng với Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh -một công ty cổ phần của Nhà nước để thuê mặt bằng tại xóm Minh Huệ, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh để cải tạo, xây dựng mới làm khu nhà ở và làm việc cho công nhân, chuyên gia nước ngoài của công ty Nibelc. Tổng kinh phí đã đầu tư cho khu nhà ở là hơn 17 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi khu lán trại tạm vừa đưa vào sử dụng vài tháng, Ban Quản lí KKT Vũng Áng đã ra văn bản yêu cầu Công ty Nibelc không cho công nhân được lưu trú trong các khu nhà tạm nằm trên diện tích thuê lại của Shatico và tháo dỡ công trình chỉ với lí do hạng mục xây dựng không phù hợp với quy hoạch.

Việc Công ty Shatico cho thuê đất trái pháp luật đã được thể hiện rõ ràng trong Kết luận thanh tra số 231/KL-UBND ngày 28-6-2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Nhưng sự việc trở nên “to chuyện” khi Công ty Samsung C&T và Công ty Nibelc còn gửi cả đơn “cầu cứu” đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Ngày 26-6-2013, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc giao UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, giải quyết sự việc này, “đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (về chỗ ăn, ở, sinh hoạt) và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tránh việc ảnh hưởng tiến độ dự án, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ”.

Mỏi mòn chờ thuê mặt bằng khác

Kể từ thời điểm Ban Quản lí KKT Vũng Áng có quyết định về việc đình chỉ thi công, yêu cầu tháo dỡ các công trình tạm cho đến ngày 14-7, Công ty Nibelc và Công ty Shatico liên tục gửi đến các cơ quan có thẩm quyền về việc xin hỗ trợ mặt bằng mới, bảo đảm tốt các điều kiện về hạ tầng để công ty Nibelc thực hiện di dời sang địa điểm mới. Thế nhưng hiện nay công ty vẫn chưa có câu trả lời.

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân liên quan đến các vi phạm trong việc cho Công ty Nibelc thuê đất xây dựng nhà trái pháp luật, nhận hình thức kỉ luật nghiêm khắc.

Tuy nhiên, đến ngày 18-7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lí KKT Vũng Áng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án xử lí dứt điểm tài sản xây dựng trái phép nêu trên, xác định rõ lộ trình, thời gian phải hoàn thành việc giải tỏa trước ngày 23-7-2013.

Tuy nhiên, ngày 24-7, Công ty Nibelc tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xem xét lại việc xóa bỏ khu nhà ở.

“Nếu UBND tỉnh kiên quyết xử lí thì sẽ đồng nghĩa với việc loại bỏ toàn bộ hơn 1000 cán bộ và công nhân hiện tại. Trong khi đó, việc xóa bỏ khu nhà chỉ để lấy một bãi đất trống vì khu đất này hiện nay chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có kế hoạch, dự án sử dụng đất nào cả” – công văn của Nibelc viết.

Việc phá dỡ khu nhà ở của người lao động hiện tại sẽ gây ra thiệt hại rất lớn về tài chính. Nếu thực hiện việc di dời thì toàn bộ thiệt hại này Shatico phải chịu, nghĩa là doanh nghiệp này cũng có nguy cơ phá sản. Ngoài ra, hậu quả trực tiếp là trên 1.000 lao động sẽ mất chỗ ăn ở, không tiếp tục công việc tại dự án, tiến độ chung của toàn dự án Formosa sẽ ảnh hưởng nặng nề.

Cuối cùng, Nibelc “xin” tiếp tục được thuê lại diện tích đất này từ Ban quản lí khu kinh tế Vũng Áng để sử dụng làm nhà tạm cho công nhân trong thời gian 36 tháng còn lại để người lao động tiếp tục được sống và làm việc.


Công văn ngày 24-7 của Công ty Nibelc có đoạn “Tại cuộc họp ngày 21-6-2013, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam khẳng định không còn việc dân tái định cư phản đối việc tồn tại của công trình tạm vì họ đã hiểu. Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị để công ty Nibelc tiếp tục sử dụng mặt bằng hiện tại để tránh lãng phí không cần thiết và tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp. Lãnh đạo Công an huyện Kỳ Anh cũng xác nhận việc quản lí an ninh trật tự tại khu công nhân là tương đối tốt, ổn định”.


1 ngày sau, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn hỏa tốc đề nghị các đơn vị được nêu trong văn bản của Công ty Nibelc kiểm tra, báo cáo nghiêm túc bằng văn bản các nội dung phát biểu mà Công ty Nibelc trích dẫn cũng như kết quả thực hiện của các đơn vị này theo chức năng nhiệm vụ được phân công đối với quản lí hoạt động của Công ty Nibelc trên địa bàn.



Lương Bằng

Hải Quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP