Tấm Lòng Vàng

Hà Tĩnh: Người đàn bà “trần gian có một”

Kể từ khi nhìn thấy ngôi mộ của một hài nhi bị xới tung vì không được chôn cất cẩn thận, 8 năm nay, bà Trần Thị Lành (Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã tới bệnh viện, các phòng khám xin thi thể hài nhi xấu số mang về nghĩa địa an táng tử tế.

Bà Trần Thị Lành.
Bà Trần Thị Lành.

An ủi những linh hồn xấu số

Khi hay tin về việc làm nhân đạo của bà Lành, chúng tôi đã tìm về xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh để tìm hiểu.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Lành (45 tuổi) một mực từ chối, bởi theo bà, việc làm này xuất phát từ cái tâm và bà cũng không đành lòng khi nhìn thấy những sinh linh bé nhỏ vốn đã không may mắn, nay lại bị vứt bỏ.

thai nhi, phá thai, nghĩa trang hài nhi, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Trần Thị Lành
Khu nghĩa trang – nơi yên nghỉ của hàng nghìn sinh linh kém may mắn, được bà Lành chôn cất cẩn thận.

Phải sau rất nhiều lần thuyết phục, bà Lành mới đồng ý trò chuyện. Khuôn mặt thoáng buồn, bà Lành tâm sự, vào năm 2007, trong khi ra đồng, bà vô tình thấy bao tay, tã lót trẻ em vung vãi bên hai nấm mộ sơ sài.

Lại gần, bà hốt hoảng khi phát hiện thi thể 2 hài nhi nhô lên mặt đất. Sau khi trấn tĩnh, bà gom các vật dụng lại rồi chôn cất các hài nhi cẩn thận.

Về nhà, bà kể lại câu chuyện với chồng – ông Nguyễn Văn Hồng. Hai vợ chồng vội vã đi mua ít cát sỏi, xi măng. Ngay hôm đó, hai người hì hục giữa trưa nắng xây “ngôi nhà mới” cho hài nhi xấu số.

Và cũng từ đó, bà quyết định đi tìm những sinh linh bị vứt bỏ về chôn cất cẩn thận. Thấy bà kiên quyết, ông Hồng gật đầu ủng hộ. Được sự động viên từ chồng con, bà Lành như được tiếp thêm động lực.

Người phụ nữ nhớ lại ngày đầu tiên làm công việc “trần gian có một”. Khi ấy là nửa đêm, bà nhận được cuộc gọi của một cô gái cho biết địa điểm có một hài nhi bị bỏ lại. Không chút do dự, bà dậy thay áo quần rồi dắt xe ra đi.

Tới nơi, mở túi nylon ra, bà thấy một em bé sơ sinh chừng hơn 6 tháng còn thoi thóp, bà bế về nhà chăm sóc, nhưng do quá non nớt, ít giờ sau, bé mất.

Và rồi, ngày ngày, bà lui tới các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn “đặt vấn đề”, hễ biết ở đâu có hài nhi bị vứt bỏ, bà lại xin về nhà, làm các thủ tục cần thiết để mai táng cho các cháu.

Ngôi nhà chung của hàng nghìn sinh linh nhỏ bé

Thương vợ, ông Hồng đã mua sẵn xi măng, cát và chiếc tiểu nhỏ, khi nào bà Lành cần là có. Tiền ăn học của hai cô con gái, tiền chi tiêu trong gia đình khiến cuộc sống của gia đình bà khó khăn, tuy nhiên, bà Lành vẫn không từ bỏ công việc nhân văn này.

Chia sẻ về việc làm của mình, bà Lành tâm sự, tôi làm từ cái tâm. Bởi là người mẹ, tôi cũng thấu hiểu, mất đi người con, đau xót lắm. Các cháu đã không may mắn thì mình chỉ giúp an ủi linh hồn các cháu mà thôi.

Có lúc trong nhà không còn tiền, mà có sinh linh cần “nhà mới”, tôi lại qua hàng hàng xóm vay mượn để kịp thời có chỗ an nghỉ cho các cháu.

Hiểu được việc làm của bà Lành nên khi hay tin bà thiếu đất để “làm nhà” cho các cháu, xã Đức Yên đã trích cho 150m2 đất. Sau đó, bà cùng với một số nhà hảo tâm quyên góp xây dựng nghĩa trang để chôn cất các thai nhi.

Trong khuôn viên nghĩa trang ấy, hàng chục nấm mồ nhỏ, mỗi nấm mồ dài khoảng một mét, rộng 60cm. Bên trên đặt chiếc chén nhỏ để thắp nến, cạnh đó có ghi ngày tháng những hài nhi này mất.

Vợ chồng bà thường xuyên ra đây quét dọn, nhổ cỏ. Khi được hỏi về số hài nhi mình đã chôn cất, bà Lành không nhớ hết được, bởi số lượng quá nhiều.

Nhà ở gần Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, thấy mỗi ngày bệnh nhân và người nhà phải đi khá để xa mua cơm, hai vợ chồng bà đã mở quán cơm Lành Hồng, đối diện bệnh viện, vừa phục vụ bệnh nhân vừa có thêm chi phí “nuôi” công việc tốt lành của mình.

Mỗi suất cơm bình dân với thịt, canh, cá, bà lấy 10.000 đồng. Quán cơm của bà luôn tấp nập người ra vào. Vào ngày chủ nhật, ông bà lại nấu cháo từ thiện phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

thai nhi, phá thai, nghĩa trang hài nhi, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Trần Thị Lành
Quán cơm của bà Lành luôn tấp nập người ra vào, bởi giá chỉ 10.000/suất.

Từ quán cơm, bà Lành đã dò hỏi được thêm nhiều thông tin hài nhi bị vứt bỏ. Cũng không ít lần, biết nhiều cô gái có ý định phá thai, bà đã nhẹ nhàng bắt chuyện, khuyên bảo.

“Cách đây không lâu, tôi thấy một cô gái bụng bầu đi một mình, nước mắt lưng tròng. Biết chuyện, tôi cố gắng làm quen, khuyên nhủ. Cô gái vừa báo tin vui đã sinh được một bé trai bụ bẫm”, bà Lành vui mừng kể.

Còn có trường hợp có bầu ngoài ý muốn nhưng không dám nói với gia đình, bà Lành đã cho ăn, ở nhờ cả mấy tháng trời. Khi các cháu bé được sinh ra, bà đưa gửi gắm vào ngôi nhà tình nghĩa.

Trao đổi với PV, ông Võ Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Yên (Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho hay, việc làm của bà Lành hết sức đáng trân trọng. Xã sẽ tạo mọi điều kiện để bà Lành thực hiện công việc nhân văn này.

Văn Đức – Dã Quỳ / VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP