Trong nước

Hà Tĩnh: Hoãn mọi cuộc họp không cần thiết để giải cứu hàng ngàn ha lúa

Chưa bao giờ ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh phải đối mặt với những khó khăn như lúc này khi hồ đập, sông ngòi đang ngày càng cạn kiệt, nhiễm mặn do hạn hán kéo dài. Hàng ngàn ha đất nông nghiệp có nguy cơ không thể gieo trồng kịp thời vụ.

Hồ đập cạn kiệt, sông nhiễm mặn nặng
Đã hơn 40 ngày qua, các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang – những địa phương được coi là điểm nóng nhất tại địa bàn Hà Tĩnh – chưa xuất hiện cơn mưa nào. Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài, gió Lào thổi mạnh khiến thời tiết luôn khô khốc. Hậu quả của đợt nắng nóng kỷ lục này là hồ đập trên các địa bàn này đang dần cạn kiệt.
“Nắng hạn đã khiến mực nước các hồ đập lớn trên địa bàn 3 huyện giảm mạnh, hiện chỉ đủ khả năng tưới tiêu cho một số vùng phụ cận, còn gần như 100% hồ đập nhỏ đã cạn kiệt không còn khả năng tưới tiêu” – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi thông tin.

Mực nước tại đập Nội Tranh, xã Sơn Lễ Hương Sơn xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm qua (ảnh: Cẩm Liên)
Mực nước tại đập Nội Tranh, xã Sơn Lễ Hương Sơn xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm qua (ảnh: Cẩm Liên)
Người dân Sơn Lĩnh (Hương Sơn) phải khoét sâu thêm giếng để tìm nước (ảnh: Cẩm Liên)
Người dân Sơn Lĩnh (Hương Sơn) phải khoét sâu thêm giếng để tìm nước (ảnh: Cẩm Liên)

Cũng theo ông Hợi, thời tiết khô nóng kéo dài bất thường không chỉ ảnh hưởng đến hồ đập ở vùng đầu nguồn mà nhiều con sông trên địa bàn cũng đã bị nhiễm mặn ở mức cao kỷ lục so với mức trung bình của hàng chục năm qua. Một trong những con sông bị nhiễm mặn nặng nhất hiện nay tại Hà Tĩnh, Nghệ An là sông Lam. Kết quả đo được trong tuần qua cho thấy, nước sông Lam nồng độ nhiễm mặn lên đến trên 4‰, một thông số chưa hề xảy ra từ trước đến nay.
Hàng ngàn ha lúa có nguy cơ phải chuyển đổi
Theo ông Hợi, theo lịch thời vụ mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đặt ra, ngày 10/6 là hạn cuối cùng để các địa phương hoàn thành việc xuống mạ (trực tiếp) đối với 41.760 ha lúa Hè Thu. Tuy nhiên, do thiếu nước một cách trầm trọng nên hiện toàn tỉnh chỉ mới xuống giống được 20% diện tích.
Một phần lớn diện tích chưa thể xuống giống nói trên theo xác nhận của Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi nằm ở các huyện phía Bắc Hà Tĩnh như Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc và Lộc Hà. Đây là những địa phương phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ sông Lam, tuy nhiên, do nguồn nước con sông này nhiễm mặn nặng, cống thủy lợi Trung Lương phải đóng  nên nước tưới thiếu trầm trọng.

Người dân Sơn Lĩnh (Hương Sơn) phải khoét sâu thêm giếng để tìm nước (ảnh: Cẩm Liên)
Cống thủy Lợi Trung Lương dẫn nước từ sông Lam vào trục thủy lợi Sông Nghèn đã phải đóng cửa từ 25/5 do nhiễm mặn nặng chưa từng thấy

“Theo quy định cống Trung Lương chỉ mở khi độ mặn nước sông Lam ở mức 1,28‰. Tuy nhiên, do mực nước tại sống Lam lên đến hơn 4‰ nên từ 25/5 lãnh đạo Chi cục đã yêu cầu Công ty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đóng cống Trung Lương. Cống Trung Lương bị đóng khiến 190 trạm bơm lớn nhỏ trong hệ thống kênh trục sông Nghèn không thể bơm tưới, ngoài ra nguồn nước tự nhiên ở các hồ đập, sông suối tụt xuống quá thấp, nên sản xuất nông nghiệp ở các huyện trên chịu ảnh hưởng nặng nề”- ông Hợi nói.
Trong khi đó, tại huyện Hương Khê, một lượng lớn diện tích lúa đã đến ngày xuống giống chưa thể làm đất. Ngược theo cánh đồng của các xã Hương Giang, Hương Thủy, Hương Linh, Phúc Đồng ruộng đồng nứt nẻ, cháy khô. Một cán bộ tại phòng NN&PTNT huyện cho hay, vụ hè thu, toàn huyện cơ cấu 700 ha lúa chạy lụt/tổng diện tích 1.600 ha lúa và 1.600 ha đậu chạy lụt/3.600 ha đậu có nguy cơ đối mặt với rủi ro cuối vụ do không thể hoàn thành xuống giống trước ngày 10/6.
Người dân Sơn Lĩnh (Hương Sơn) phải khoét sâu thêm giếng để tìm nước (ảnh: Cẩm Liên)
Trong cơn quay quắt vì hạn hán, người dân Hương Sơn đã phải xẻ ruộng để lấy nước (ảnh: Cẩm Liên)
Không chỉ tác động đến tiến độ sản xuất, nắng nóng đỉnh điểm còn làm nhiều diện tích cây trồng khô héo, hoặc thối gốc, nguy cơ thất thu. Vụ lạc Xuân toàn huyện Hương Khê có 2.100 ha, trong khi các năm khác, thời điểm này bà con đã thu hoạch xong, bắt đầu xuống giống các trà đậu hè thu chạy lụt, thì nay người dân trồng lạc huyện này mới thu hoạch chưa đầy 50%.
Ngoài ra, nhiều diện tích chè, cam, keo đang trong tình trạng chết dần vì nhiệt độ quá cao.
Trao đổi với PV Dân trí về giải pháp chống hạn của tỉnh nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân trước cơn đại hạn được dự báo là sẽ còn diễn biến hết sức khó lường trong thời gian tới, Chủ UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho hay, UBND tỉnh vừa có yêu cầu tới cán bộ cấp tỉnh phụ trách các địa phương; lãnh đạo các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị hoãn các cuộc họp không cần thiết để tổ tập trung giúp dân chống hạn.
Ông Sơn yêu cầu, người đứng đầu phải sâu sát, sáng tạo, có biện pháp khoa học không chỉ tận dụng tối đa nguồn nước hiện có kịp thời xuống giống, mà còn kịp thời tư vấn giúp tỉnh điều chỉnh kịp thời diện tích, cây trồng do ảnh hưởng của hạn hán.
“Những cán bộ nào không thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh, lơ là trong chống hạn sẽ bị xử lý nghiêm” – ông Sơn nói.

Văn Dũng – Tiến Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP