Khi mùa mưa lũ nước các triền sông dâng lên rất lớn và nguy hiểm. Cũng trong thời điểm nay học sinh vừa bước vào năm học mới nên lượng người tham gia giao thông qua các bến đò ngang rất đông. Tuy vậy, việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt là sự an toàn của những chuyến đò ngang vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn là rất cao…
Theo số liệu thống kê của Phòng cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 14 bến đò và 16 người lái đò ngang; hàng ngày chở hàng trăm lượt khách đi lại làm ăn, buôn bán, sản xuất và học sinh đi học. Nhưng qua kiểm tra cho thấy đa số các phương tiện giao thông đường thủy chưa chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa như chưa đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn nhưng hàng ngày vẫn chở hàng trăm lượt khách qua sông ngày mưa cũng như nắng. Anh Đặng Bá Thắng người lái đò ở xóm 7 xã Hương Thủy cho biết: người lái đò ở đây thường xuyền thay đổi, hầu hết là không có chứng chỉ, nhiều lần xin nghỉ nhưng không có ai thay nên vẫn phải làm, biết là nguy hiểm, mất an toàn nhưng thực tế đò chỉ có vậy. Người dân hàng ngày đi lại qua sông duy nhất là chỉ đi đò nên mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành đầu tư bên bãi, phương tiện, con người để phục vụ người dân đi lại đảm bảo an toàn, nhất là mùa mưa lũ đang đến gần.
Chứng kiến những chuyến đò qua sông Ngàn Sâu tại xã Hương Thủy trong cơn mưa tầm tã, nước sông lên cao, nước sông chảy xiết nhưng mỗi chuyến đò chở gần 15 người vẫn qua sông đều đặn. Nhưng khi hỏi 3 người lái đò ở ba bến đò ở xã Hương Thủy thì chúng tôi nhận đều nhận được câu trả lời không có chứng chỉ và dĩ nhiên là chưa được qua một lớp tập huấn nào; trên đò chỉ nhở bé này chỉ vẻn vẹn có 3 chiếc pháo cứu sinh được giấu rất kín kẽ ngay dưới âu đò; theo như người lái đò thì chiếc đò này đôi chỗ đã bị thấm nước nên trong quá trình sang sông người lái đò vừa chèo vừa múc nước; và khoang cho người lái đò được che bằng lá cọ rất sơ sài. Những chuyến đò này hàng ngày vẫn gồng mình chở hàng trăm lượt người dân xã Hương Thủy sang sông để mưu sinh cuộc sóng và đi tìm con chữ. Người dân ở đây vẫn biết tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn chìm đò là rất cao, những vẫn phó mặc cho số phận và hàng ngày mỗi khi qua sông vẫn lên đò cho kịp chuyến. chị Nguyễn Thị Vân người dân xã Hương Thủy nói: hàng ngày các chị đi chợ, đi làm vẫn đi qua con sông này, biết là đi nhiều người, không mặc áo phao là nguy hiểm nhưng nhiều lúc vội nên đến bến có đò là đi cho kịp không lại phải chờ chuyến sau, mất thời gian.
Bến đò an toàn ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân
Theo chân cán bộ chiến sĩ Phòng cảnh sát giao thông đường thủy chúng tôi qua các bến đò ở huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn…và một số địa bàn khác. Qua thực tế lực lượng chức năng kiểm tra cho thấy, có nhiều bến đò không có giấy phép mở bến, đa số người lái đò không có chứng chỉ, thiếu đăng ký… Trong quá trình hoạt động, các phương tiện đò ngang thường xuyên chở quá số người so với quy định vào các giờ cao điểm, ao phao trang bị rất sơ sài, không muốn nói là không có và người qua đò khi lên đò không một ai mặc áo phao… Thực trạng trên không ai giám khẳng định rằng trật tự an toàn giao thông đường thủy sẽ được đảm bảo, nhất là sự an toàn của những chuyến đò chở khách sang sông! Dẫu biết rằng trong những năm gần đây, cấp ủy chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để quản lý và đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn. Tuy nhiên bên cạnh sự bất cập của nhiều bên đò gây tâm lý bất an cho người dân thì bên cạnh đó có những bên đò tiêu chuẩn, chất lượng và các điều kiện đảm bảo về an toàn giao thông đường thủy được đặt lên hàng đầu. Xã Xuân Giang, huyện Nghi xuân có một thôn nằm giữa vùng óc đảo hàng ngày có hàng trăm lượt người vượt Sông La để làm ăn và học hành. Xác định được vai trò trách nhiệm của mình, hiểu rõ hậu quả của tại nạn giao thông đường thủy gây ra. Để đảm bảo an tòan cho những chuyến đò cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm, đầu tư mua sắm phương tiện, quản lý chặt chẽ họat động của bến như: thường xuyên nhắc nhở chủ đò không được chở quá số người qui định; tất cả mọi người khi lên đò đều mặc áo phao; khi sóng to, gió lớn nghiêm cấm đò sang sông và người lái đò phải chịu trách nhiệm truớc chính quyền về sự an toàn cho những chuyến đò.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc đảm bảo an toàn cho những chuyến đò chở khách qua sông trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn nhiều bất cập, nguy cơ tiềm ẩn xẩy ra tai nạn cao. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi thiết nghĩ ngoài sự nổ lực của các lực lượng chức năng thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp; các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyền truyền; lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là tại các bến đò ngang; đình chỉ hoạt động các bến đò trái phép, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn …góp phần giữ bình yên cho những chuyến đò vì sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Văn Hùng – Đình Vũ
CAHT