Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Dân nghèo liều mạng mưu sinh trong dòng nước lũ

Đã có 3 người bị lũ cuốn vì vớt củi, gỗ trong nước lũ nhưng nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn đổ xô đi lấy “của trời cho” với hy vọng kiếm chút tiền hoặc gặp may thì trúng lớn

Mấy ngày qua, ở Hà Tĩnh có mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn cuốn theo nhiều củi, gỗ. Bất chấp nguy hiểm, hàng trăm người dân các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn sống dọc theo sông Ngàn Phố, sông La, tỉnh Hà Tĩnh đua nhau ngụp lặn giữa dòng nước lũ đục ngầu, chảy xiết để vớt.

Cũng vì nghèo

7 giờ ngày 17-10, đoạn sông La chạy qua Cầu Rong (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) có khoảng 50 người vớt củi, gỗ. Người có thuyền thì bơi ra giữa sông, người không có thuyền thì ngụp lặn giữa đám bèo rác gần bờ.


Nhìn những chiếc thuyền nan mỏng manh, nhỏ bé dập dềnh trên dòng nước lũ, chúng tôi có cảm giác chỉ cần 1 cơn sóng lớn hay gặp phải dòng nước xoáy là cả thuyền và người sẽ bị nhấn chìm.


Anh Hải, một người dùng thuyền vớt củi, gỗ ở dưới chân cầu Rong, cho biết: “Một năm chỉ có mấy đợt lũ nên phải tranh thủ làm. Sáng đến giờ mình đã vớt được khoảng 1 xe công nông củi rồi, nếu đem bán phải được 500.000 đồng. Biết nguy hiểm nhưng không tranh thủ làm thì không có tiền nên đành nhắm mắt làm liều”.


Tham gia vớt củi, gỗ ở đây chủ yếu là người dân xóm 1 và xóm 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Có người vớt củi để bán, còn lại là để đem về nấu ăn.


Bước lên bờ sau một hồi ngụp lặn dưới dòng nước chảy xiết, anh Sự phân trần: “Nông thôn dùng bếp gas không có tiền nên phải tranh thủ những ngày mưa lũ để đi vớt củi về đun, nấu. Dầm mình trong nước lũ rất nguy hiểm nhưng nghèo không có tiền nên mới phải vất vả như vậy”.


Ở khúc sông này, các năm trước đã nhiều người dân trong lúc đi vớt củi đã trúng gỗ lớn và các tài sản có giá trị. “Mùa lũ năm nào cũng có người vớt được gỗ. Nhiều người may mắn vớt được cả khối, bán được mấy chục triệu đồng. Của trời mà, ai may thì trúng…” – anh Sự lý giải.


Từ khu vực cầu Rong, chúng tôi theo đê sông La đi ngược lên huyện Đức Thọ và Hương Sơn. Dọc đường, chúng tôi gặp rất nhiều người dân dùng thuyền thúng, thuyền nan đi vớt củi, gỗ trên sông La, sông Ngàn Phố.


Chị Ngân đang chèo thuyền vớt củi ở dưới chân cầu Sơn Trà, đoạn thuộc địa phận xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, cho biết: “Trời mưa, nước lũ đổ về thì mới có củi, gỗ trôi xuống. Nếu không chấp nhận nguy hiểm bơi thuyền ra giữa dòng thì làm sao vớt được?”.


Không thể ngăn cấm


Sáng 16-10, nước lũ trên sông Ngàn Phố đoạn chảy qua huyện Hương Sơn dâng cao, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn kéo theo củi, gỗ và cũng kéo theo hàng chục người bơi thuyền ra vớt. Hậu quả là có 3 người bị nước lũ cuốn trôi. Đến trưa 17-10, cha con ông Phạm Phúc (46 tuổi) đã được người dân tìm thấy và cứu sống.


Không được may mắn như cha con ông Phúc, ông Hồ Hữu Lành (51 tuổi) hiện vẫn mất tích. Bà Thủy, vợ ông Lành, xót xa: “Nhà nghèo nên ông ấy mới cùng mấy người trong làng đi vớt gỗ. Đang chèo thuyền thì bị nước cuốn, mấy người bơi được vào bờ thoát chết còn ông ấy bị nước cuốn trôi, giờ không biết ở đâu”.


Biết hiểm nguy nhưng nhiều người vẫn không sợ. Ngày 17-10, rất nhiều người vẫn lùng sục giữa dòng nước đục ngầu trên sông La, sông Ngàn Phố.


Anh Hùng – ngụ xã Đức Yên, huyện Đức Thọ – cho hay: “Lũ lớn, gỗ từ thượng nguồn bị nước cuốn về. Phía trên huyện Hương Sơn, người dân vớt được rất nhiều. Nghe tin, từ sáng, mình cùng mấy anh em lấy thuyền chèo ra sông La vớt gỗ. Hiện mình mới vớt được một số thanh gỗ nhỏ, chưa trúng tấm nào to cả”.


Theo ông Nguyễn Xuân Tuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân – địa phương thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở người dân không nên đi vớt củi, gỗ trong lũ nhưng nhiều người vẫn bất chấp. “Người dân kéo ra đông, lại vào thời điểm mưa gió nên chúng tôi không thể ngăn cấm được” – ông Tuyên phân trần.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

NLĐ

  Từ khóa: mưu sinh , dân nghèo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP